Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, mặc dù điều kiện kinh tế cả trong và ngoài nước năm 2023 rất khó khăn song dưới sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối vĩ mô được bảo đảm…
Ngành Công Thương năm 2023 đã thu được những kết quả nổi bật như thương mại trong nước duy trì mức tăng trưởng khá cao, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, giữ vững vị trí trong nhóm các nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế. Sản xuất công nghiệp và XNK những tháng cuối năm phục hồi tích cực; đặc biệt, cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục (gần 27 tỷ USD), gấp gần 3 lần so với năm trước, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Ngành than và dầu khí đều đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ so với cùng kỳ năm trước và vượt so với kế hoạch năm.
Tuy nhiên, năm 2023, cũng là năm mà Bộ Công Thương xác định là năm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ đối với công chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị là yếu tố quan trọng, tiên quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, đây là chủ trương được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ thống nhất chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, thường xuyên. Việc thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương có kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tư lệnh ngành Công Thương cho rằng, năm 2023 nhìn chung các đơn vị trong Bộ đã quán triệt kịp thời, sâu sắc và tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ đề ra, kịp thời ứng phó với những biến động bất ngờ của tình hình trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tôi cho rằng Bộ Công Thương vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu của Chính phủ là kiến tạo một không gian, hệ sinh thái cho phát triển công nghiệp và thương mại, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu, phát triển lành mạnh thị trường nội địa…
"Cụ thể là làm sao để lan tỏa tinh thần đồng hành, phục vụ mạnh mẽ hơn nữa của ngành Công Thương tới từng người dân, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế là điều tôi cũng như tập thể lãnh đạo Bộ trăn trở nhất", ông Diên nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thực tế cho thấy từ các đồng chí lãnh đạo đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Công Thương cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ theo phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.
Nhắc đến năm 2024, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng đây là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Trong bối cảnh được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu ngành Công Thương được giao, ngành Công Thương cần thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm.
Trong đó, có chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 04 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản,… Đồng thời, khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến SXKD của doanh nghiệp, như: Luật phát triển công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ chế, chính sách về điện mặt trời mái nhà, mua bán điện trực tiếp, khung giá các loại hình điện năng…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Về tháo gỡ "điểm nghẽn" của ngành và nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh chú trọng giải quyết các "điểm nghẽn" trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng mới…
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, khai thác chế biến khoáng sản quý, chip và chất bán dẫn.
Về bộ máy, ông Diên khẳng định, ngành Công Thương sẽ tập trung sắp xếp lại bộ máy, nhân sự bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: "Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước giao cho".