Hàng loạt binh khí từ thế kỷ XV - XVIII của trường Giảng Võ được tìm thấy ở Hà Nội
Bộ binh khí độc đáo thuộc niên đại thế kỷ XV - XVIII ở Giảng Võ trường phía tây Thăng Long - nơi luyện võ, dạy binh pháp, thao diễn quân sự của triều đình phong kiến.
Bộ sưu tập vũ khí trường Giảng Võ có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 đã được công nhận là bảo vật quốc gia, đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là những vũ khí được chế tạo từ sắt, rèn thủ công. Giảng Võ trường là một công trình quân sự qui mô lớn được coi là Trường võ bị quốc gia thời Lê, kéo dài hơn 3 thế kỷ (XV - XVIII).
Theo các nhà nghiên cứu, vũ khí đánh gần thường được trang bị cho bộ binh và kỵ binh. Loại vũ khí này phổ biến trong tất cả các sưu tập bạch khí của các nước và đặc biệt đối với quân đội của một nước có truyền thống đánh giặc tự vệ và cận chiến như nước ta. Vũ khí đánh gần trong sưu tập vũ khí trường Giảng Võ có số lượng 40 hiện vật, chiếm 36% sưu tập.
Câu liêm là loại vũ khí được ưa chuộng và trang bị phổ biến trong quân đội thời Lý - Trần - Lê. Khả năng sát thương của câu liêm hơn hẳn các loại vũ khí có cán khác vì có thể đâm, móc, bổ. Dân gian còn gọi là móc đáp hay bồi đòn.
Móc câu chùm dùng để quăng, móc đối phương, giật mạnh cho ngã, kéo lê trên mặt đất. Móc câu chùm cũng được trang bị cho thủy quân.
Súng lệnh đúc bằng đồng, dài 35-45cm. Súng dùng để bắn pháo hiệu chỉ huy tiến hay lùi theo màu sắc pháo hiệu cháy phát ra.
Mũi tên có kích thước 6,5-,85cm. Cung, nỏ là vũ khí đánh xa truyền thống phổ biến trong bộ vũ khí của dân tộc ta. Thời kỳ phong kiến có các đội bắn cung nỏ riêng.
Lao 2 ngạnh có phần đầu giống mũi tên, phần chuôi là họng tra cán dài. Lao được ném đi để đánh địch ở cự li xa. Khi trúng mục tiêu, mũi lao sẽ mắc lại ở bên trong.
Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ gồm 111 hiện vật thuộc 13 nhóm có kích thước khác nhau, được phân loại theo chức năng sử dụng gồm 2 loại là: bạch khí (những vũ khí vận hành bằng cơ bắp người) và hoả khí (những vũ khí vận hành bằng thuốc súng).
Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ là những đại diện tiêu biểu cho các chủng loại vũ khí thế kỷ XV - XVIII, có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và khoa học quân sự Việt Nam.
Cùng với 4 nhóm hiện vật (tổng cộng 24 hiện vật) đã được công nhận là bảo vật Quốc gia tại các Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 và Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật Quốc gia.