Dân Việt

Lên đỉnh một ngọn núi nổi tiếng An Giang, tự dưng thấy lạnh, bất ngờ hoa nở không kịp cản, ngỡ như Đà Lạt

Thanh Tiến 01/01/2024 15:16 GMT+7
Cuối tháng 12, khi đất trời dần chuyển sang cảm giác sắt se, cũng là lúc núi Cấm (xã An Hảo, TX Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bước vào thời điểm lạnh nhất trong năm. Vãn cảnh Thiên Cấm Sơn những ngày này, du khách sẽ cảm nhận được “một chút Đà Lạt” mộng mơ, êm đềm và trong trẻo.

Khí hậu đặc trưng trên đỉnh núi Cấm

Đã nhiều lần lên xuống núi Cấm, tôi thích nhất cảm giác đến đây thời điểm đất trời đang đón gió mùa đông bắc. Khi ấy, bầu không khí trên núi Cấm dường như khác hẳn, với cái lạnh đặc trưng chẳng nơi nào ở miền Tây có được.

Cùng anh bạn “thổ địa” núi Cấm dạo một vòng Khu trung tâm hành hương, tôi mới cảm nhận đầy đủ cái lạnh cuối năm. 

Thấy anh bạn mặc chiếc áo khoác và mang khẩu trang khá dày, tôi có chút buồn cười. Trong suy nghĩ của tôi, bộ trang phục mùa đông của anh chỉ phù hợp với miền Bắc rét buốt.


“Anh cũng mặc thêm áo đi. Lên cao tầm 300 - 400m sẽ rất lạnh. Cuối năm, trên núi Cấm nhiều mây mù, khí hậu không còn mát mẻ như mọi khi. Mình đi xe gắn máy, một lát sẽ “đánh bò cạp” cho coi, chứ đứng đó mà cười” - Dương Việt Anh (Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm) cho hay.

Tạm nghe lời bạn, tôi khoác hờ chiếc áo mỏng. Tuy nhiên, tôi giật mình bởi nhiệt độ xuống thấp đột ngột. 

Càng lên cao, không khí càng lạnh. Lúc này, tôi mới hiểu danh xưng núi Cấm là “Đà Lạt 2” không phải chỉ đặt ra cho vui, mà cũng có phần khá giống.

Lên đỉnh một ngọn núi nổi tiếng An Giang, tự dưng thấy lạnh, bất ngờ hoa nở không kịp cản, ngỡ như Đà Lạt - Ảnh 1.

Hoa nở trên đỉnh núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Vậy mà, với người định cư trên núi Cấm nhiều năm, cái lạnh của “nóc nhà miền Tây” giảm đi nhiều. 

Cách đây chừng 20 năm, không đợi đến tháng mùa đông, núi Cấm rất lạnh về đêm, nền nhiệt độ thường dao động trên dưới 20oC.

“Nếu so sánh, núi Cấm trước kia lạnh 10 phần, bây giờ chỉ còn 2 - 3 phần thôi. Ngày tui còn nhỏ, ngủ đêm sáng ra không muốn rửa mặt, bởi múc nước lạnh cóng cả tay. Bây giờ, núi Cấm về đêm vẫn lạnh, nhưng không còn như trước.

Cuối năm, thời tiết mới chuyển về gần giống trước kia” - ông Trần Văn Hoàng (người dân trên núi Cấm) khẳng định.

Trong trí nhớ của ông Hoàng, thời điểm núi Cấm còn lạnh nhiều, một số rau quả xứ lạnh cũng góp mặt nơi đây. 

Đã có thời, cải xà lách xoong được trồng rất nhiều trên núi, phẩm chất, độ tươi ngon chẳng kém vùng Đà Lạt là bao. Hiện nay, chỉ có những giàn su tồn tại, núi Cấm vẫn phù hợp để chúng phát triển tốt tươi.

“Cũng nhờ cái lạnh đặc trưng mà núi Cấm được nhiều du khách yêu thích. Đầu hôm, họ cười khi thấy chúng tôi trang bị chiếc mền rất dày. 

Đến nửa đêm, họ mới hiểu công dụng của những chiếc mền đó. Điểm đặc biệt nữa là khí hậu núi Cấm rất trong lành, nên ai lưu lại qua đêm trên núi sẽ rất thích, thường quay trở lại” - ông Hoàng thật tình.

Vẻ đẹp mơ màng

Không chỉ có cái lạnh đặc trưng, núi Cấm thời điểm cuối năm còn khoác lên vẻ đẹp mơ màng với sắc mây trời bảng lảng, hoa cẩm tú cầu chớm nở trong làn sương khói mông lung. Đứng bên bờ hồ Thủy Liêm, đưa mắt bao quát một vòng Khu trung tâm hành hương, mới nhận ra sự khác biệt của cảnh vật lúc này.

Đập vào mắt là sắc tím hoa sim phủ đầy trên triền đồi thoai thoải. Khung cảnh ấy làm cho lòng người miên man, gợi nhớ đến câu chuyện tình buồn của thi sĩ Hữu Loan. 

Nhiều du khách thích thú đắm mình trong sắc tím đượm buồn, mơ mộng đó. Dưới làn nước trong veo của hồ Thủy Liêm, chốc chốc lại có đám mây đi ngang, sà xuống nuốt chửng cầu Đen - cầu Đỏ, làm cho khung cảnh thực hư khó tả.

Chị Tố Quyên (du khách đến từ tỉnh Sóc Trăng) hào hứng: “Năm nào cũng đi núi Cấm hành hương, nhưng tôi không chọn dịp Tết, mà cố gắng đi sớm hơn vào thời điểm cuối năm.

Khí hậu trên đây mát lạnh, có sương mù giống Đà Lạt. Nếu ngồi chụp ảnh ở rặng thông trước chùa Vạn Linh, càng giống Đà Lạt hơn nữa. 

Đến đây lần này, tôi mới biết tượng Phật Di Lặc được xây dựng 20 năm rồi. Tôi thắp hương cầu nguyện Đức Di Lặc phù hộ cho cuộc sống gia đình luôn bình an, hạnh phúc, mọi người luôn mạnh khỏe, an lạc”.

Theo hướng nhìn của chị Tố Quyên, nụ cười của Đức Phật Di Lặc vẫn đầy tinh anh, hoan hỉ suốt 20 năm. Đôi mắt từ bi của ngài như muốn hóa giải hết những ưu phiền của kiếp nhân sinh. 

Có lẽ, nhà điêu khắc Thụy Lam sẽ rất vui khi tác phẩm của ông trở thành một trong những biểu tượng du lịch tỉnh An Giang suốt 2 thập kỷ qua, luôn trường tồn trong cảnh sắc an yên, mộng mơ của núi Cấm.

Những người đam mê chụp ảnh cũng thỏa sức sáng tạo tác phẩm đẹp đến nao lòng về khung cảnh núi Cấm những tháng cuối năm. 

Anh bạn Dương Việt Anh của tôi là tay máy đam mê cảnh vật trên núi Cấm. Qua góc nhìn của Việt Anh, khung cảnh núi Cấm thời khắc cuối năm trở nên mộng mơ, tĩnh lặng, ghi dấu ấn khó phai trong suy nghĩ của người xem.

“Tôi chỉ mong ngày càng có nhiều người yêu mến, ghé thăm núi Cấm để trải nghiệm cảnh vật xinh đẹp nơi này. Núi Cấm mỗi mùa sẽ có vẻ đẹp riêng để du khách cảm nhận và trải nghiệm. Nếu có dịp, mọi người nên một lần đến núi Cấm, nhất là cuối năm, để thấy được vẻ đẹp đặc sắc của ngọn núi cao nhất miền Tây này” - Dương Việt Anh khẳng định.