Dân Việt

Ở một thị trấn của Bà Rịa-Vũng Tàu có một khu nghĩa địa độc lạ được xác lập kỷ lục Việt Nam

Quang Sung 20/04/2024 12:47 GMT+7
Ngọc Lăng Nam Hải thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được công nhận là khu nghĩa địa Cá Ông lớn nhất Việt Nam. Nơi đây đang chôn cất rất nhiều cá Ông, trong đó có "Ông" nặng đến hàng chục tấn.

Nằm cuối con đường bờ kè, tại khu phố Phước An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có một khu nghĩa địa Cá Ông độc đáo bậc nhất Việt Nam. Đó chính là khu nghĩa địa Cá Ông ở thị trấn Phước Hải, tên gọi là Ngọc Lăng Nam Hải.

Ở một thị trấn của Bà Rịa-Vũng Tàu có một khu nghĩa địa độc lạ được xác lập kỷ lục Việt Nam- Ảnh 1.

Khu nghĩa địa Cá Ông lớn nhất Việt Nam chính là Ngọc Lăng Nam Hải ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Quang Sung.

Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là khu mộ Cá Ông độc nhất vô nhị, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “Khu nghĩa địa Cá Ông lớn nhất Việt Nam” vào năm 2011.

Ngọc Lăng Nam Hải thị trấn Phước Hải được xây dựng từ năm 1999, rộng khoảng 3.000m2, cách đền thờ Cá Ông khoảng 2km (tức Dinh Ông Nam Hải). 

Tại đây, ngoài thờ chính là Nam Hải Đại Tướng Quân, người dân còn thờ các vị thần Thành Hoàng, Quan Thánh Đế Quân, bà Ngũ Hành, Thổ chủ, Thổ võ (Trung linh)...

Trên bàn thờ trong điện của Ngọc Lăng Nam Hải thờ chính Lệnh Ông Nam Hải Đại tướng quân, có bức di ảnh khổ lớn và tượng 3 cCá Ông nằm song song, hướng ra biển. Bên ngoài là Miếu thờ Quán thế âm Bồ Tát sát mé biển. 

Ở một thị trấn của Bà Rịa-Vũng Tàu có một khu nghĩa địa độc lạ được xác lập kỷ lục Việt Nam- Ảnh 3.

Phía trước Ngọc Lăng Nam Hải. Ảnh: Quang Sung.

Các ngư dân ở đây kể về một truyền thuyết: Phật Quán thế âm Bồ Tát được Thượng đế ban cho chức Nam Hải Bồ Tát để cứu nạn con người trên biển cả. 

Tuân lệnh Thượng đế, Phật bà xé chiếc áo cà sa làm vạn mảnh thả khắp mặt biển rồi dùng phép màu hóa thành Cá Ông để cứu giúp thuyền bè gặp nạn. Phật bà còn phong cho Ông chức Nam Hải Đại Vương.

Một số chủ ghe cho biết khi đi đánh cá, nếu thấy Ông lụy (chết) thì lập tức đưa Ông về đất liền, thông báo ngay với gia đình chuẩn bị lễ mai táng. Khi thuyền cập bờ, mọi người phải có mặt để rước Ông. Những lần đi biển, ghe nào gặp Ông lụy là ghe đó gặp vận may.

Ông sau khi lụy được đưa vào Ngọc lăng, tắm rửa sạch sẽ, khâm liệm cẩn thận. Người con trai cả của tàu phát hiện Ông lụy sẽ quỳ, chịu tang Ông suốt buổi lễ, sau đó đưa Ông vào huyệt mộ rồi dựng bia. Tất cả những ngôi mộ đều được đắp nấm cát, có lư hương và tấm bia đá viết "Nam Hải chi mộ", ngày tháng năm lụy của Ông.

Người con trai cả của chủ ghe sẽ đứng tên để tang Ông. Vì thế sau bia đá có ghi tên con trai cả của chủ ghe, tàu, hoặc tên của chủ tàu phát hiện Ông. 

Sau 3 ngày chôn cất, sẽ làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, 3 tháng 10 ngày sẽ cúng tuần, giỗ đầu.

Ở một thị trấn của Bà Rịa-Vũng Tàu có một khu nghĩa địa độc lạ được xác lập kỷ lục Việt Nam- Ảnh 5.

Chính điện của Ngọc Lăng Nam Hải. Ảnh: Quang Sung.

Ở một thị trấn của Bà Rịa-Vũng Tàu có một khu nghĩa địa độc lạ được xác lập kỷ lục Việt Nam- Ảnh 6.

Khu nghĩa địa chôn cất các "Ông" bên ngoài Lăng. Ảnh: Quang Sung.

Nhiều chủ ghe vẫn thường tới mộ Ông thắp hương, nhất là những lần chuẩn bị đi biển đánh bắt hải sản. "Trong thời gian 3 năm, người chịu tang phải kiêng cữ giống như chịu tang cha mẹ, nếu bê tha sẽ bị Ông bắt phạt", một chủ tàu tại đây cho biết.

Sau 3 năm, người chịu tang sẽ làm lễ cải táng đưa hài cốt Ông từ lăng về Dinh Ông Nam Hải cách lăng khoảng 1km, để thờ, nhường đất an táng cho những Ông khác. Lễ cải táng được gọi là "Thượng ngọc cốt", và khi đem vào dinh thờ gọi là "Thỉnh ngọc cốt".

Ngay sau cổng Dinh là nhà lưu tro cốt của hàng trăm Ông. Những gia đình từng chịu tang Ông sẽ tới cúi bái vào ngày lễ cúng Ông hàng năm (16/2 âm lịch). Nhiều người dân ở các vùng khác cũng về đây cúng bái mong Ông phù hộ.

Những bộ hài cốt Ông đem từ lăng về được để vào dưới bệ thờ nhà lưu tro cốt. Một số ngư dân cho biết khi cải táng Ông, nếu lấy răng của Ông cho trẻ em đeo thì sẽ mang lại nhiều may mắn, ngủ không bị giật mình.

Ở một thị trấn của Bà Rịa-Vũng Tàu có một khu nghĩa địa độc lạ được xác lập kỷ lục Việt Nam- Ảnh 8.

Cốt của Ông được thờ bên trong Ngọc Lăng Nam Hải. Ảnh: Q.S

Ở một thị trấn của Bà Rịa-Vũng Tàu có một khu nghĩa địa độc lạ được xác lập kỷ lục Việt Nam- Ảnh 9.

Mỗi ngôi mộ Ông đều ghi đầy đủ thông tin. Ảnh: Quang Sung

Được biết, hàng năm ở Phước Hải có hàng chục Ông chết dạt vào bờ. Do quá nhiều hài cốt, không có chỗ để nên người dân đã nhiều lần hỏa thiêu. 

Hiện nay, tại Ngọc Lăng Nam Hải đang chôn cất hàng chục Ông, mỗi ngày đều có người chăm mộ, thắp hương. Hiện Ông lớn nhất trong khu mộ có kích thước dài gần 20m và nặng gần 10 tấn.

Ngọc Lăng Nam Hải đang mở cửa miễn phí để du khách có thể đến thăm viếng, tìm hiểu. Hàng năm, Lễ hội Nghinh Ông Phước Hải tổ chức trong 3 ngày, vào ngày 15,16 và 17 tháng 2 âm lịch (ngày 17 là chính lễ) tại các không gian chính: Khu mộ Tiền hiền – Hậu hiền (cách Dinh Ông Nam Hải khoảng 2km về phía Tây), Dinh Ông Nam Hải và Khu mộ Ông.

Đây cũng là ngày “mở cửa biển”, mở đầu cho một mùa đánh cá của ngư dân thị trấn Phước Hải. 

Ngày nay, Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải ở thị trấn Phước Hải đã trở thành một trong những ngày Hội lớn nhất, có ý nghĩa tâm linh nhất của người dân thị trấn Phước Hải.

Tục thờ Cá Ông có ở vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam từ Thanh Hóa đến toàn bộ các tỉnh ven biển miền Nam. Đây là tín ngưỡng của cư dân vùng biển, hay còn gọi là vạn chài.

Cá Ông ở đây là cá voi - mà theo ngư dân chính là thần Nam Hải, triều đình sắc phong là Nhân ngư hay Đức ngư.

Ngư dân thường phối thờ Cá Ông cùng các vị thần khác đã giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân no ấm như: Ngũ Hành Nương Nương, Hữu Lý Ngư, Tả Lý Lịch…