Đang trông giữ khu mộ cổ rất to, một người dân Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị khai quật
Đang trông giữ khu mộ cổ rất to, một người dân Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị ngành chức năng khai quật
Chủ nhật, ngày 01/05/2022 07:00 AM (GMT+7)
Ông Trịnh Hữu Hương (khu phố Hiệp Hòa, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh về khu mộ cổ với những ngôi mộ cổ trên địa bàn khu phố Hiệp Hòa nhưng chưa được cơ quan chức năng khảo sát, khai quật.
Phóng viên Báo BR-VT đã đến địa chỉ nhà ông Lê Văn Sinh (khu phố Hiệp Hòa, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) - nơi có khu mộ cổ vẫn được gia đình ông Sinh giữ nguyên hiện trạng nhưng đang dần bị xuống cấp, hư hỏng.
Khu mộ cổ nói trên rộng khoảng 150m2 có tường thành bao quanh. Phía trước xây hai cột trụ hình vuông, tắc môn, đỉnh cột trụ được đắp nổi hoạ tiết hình búp sen cách điệu, nối liền với hệ thống tường bao quanh ngôi mộ.
Ông Lê Văn Sinh cho biết, gia đình ông chuyển đến đây từ năm 1980 thì đã thấy khuôn viên ngôi mộ cổ tại đây. “Toàn bộ phần mộ được xây cất bằng vật liệu vôi trộn cát, đường và dây tơ hồng dẻo. Trong khu mộ có 3 ngôi mộ lớn và 1 mộ nhỏ. Những hoa văn trên bình phong và hai trụ cột vào ngôi mộ bị phai dần đi. Trước kia, bình phong có khắc những dòng chữ Phạn”, ông Sinh nói.
Tiếp đó, ông Trịnh Hữu Hương dẫn chúng tôi đến khu vực hai ngôi mộ cổ cách khu mộ cổ kể trên khoảng 1km. Hai ngôi mộ cổ này cũng có cùng vật liệu xây dựng và kiến trúc tương đồng với những ngôi mộ cổ tại nhà ông Lê Văn Sinh nhưng không có tường bao quanh.
Còn tại khu vực gần Đình Long Nguyên (khu phố Hiệp Hòa, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ), một khu mộ cổ khác với kiến trúc, hoa văn tương tự các ngôi mộ cổ kể trên nhưng quy mô lớn hơn.
Ông Trịnh Hữu Hương nói: Ông phát hiện những ngôi mộ cổ này từ rất lâu và mong muốn được cơ quan chức năng khai quật để tìm hiểu nguồn gốc lịch sử. Nếu chúng có giá trị lịch sử thì tiến hành bảo tồn, tránh bị xâm hại như hiện nay. Trường hợp không có giá trị lịch sử cũng có phương pháp di dời hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT, ông Lê Minh Quan, Trưởng phòng VH-TT huyện Đất Đỏ cho hay, Phòng VH-TT tiếp nhận phản ánh từ Báo Bà Rịa – Vũng Tàu và sẽ tiến hành khảo sát thực địa, nắm lại thông tin các nhân chứng tại địa phương. Sau đó, Phòng VH-TT có báo cáo với lãnh đạo huyện Đất Đỏ và Sở VH-TT về quá trình khảo sát này.
Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thêm, hiện Bảo tàng tỉnh đang phối hợp Trung tâm khảo cổ học, Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ khai quật di chỉ Vòng thành Đá Trắng tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc để có cơ sở làm hồ sơ xếp hạng di tích.
Sau đó, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm khảo cổ học để tiến hành điều tra, khảo sát toàn tỉnh để kiểm kê các di chỉ, di tích trên địa bàn.
Trước mắt, chính quyền địa phương và Phòng VH-TT các cấp cần thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý địa bàn nhằm tiếp nhận và kiến nghị những phản ánh của người dân về văn hóa để cơ quan chức năng tổng hợp có phương án sắp xếp, khảo sát.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.