Chiều 4/1, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo kết quả năm 2023, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết đã xây dựng, trình Bộ NNPTNT phê duyệt Danh mục dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2023-2025 (39 dự án); Danh mục dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2024-2026 (46 dự án); tổ chức hội đồng thẩm định hồ sơ dự án, trình Bộ phê duyệt dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2024-2026 (44 dự án).
Quản lý dự án, nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên: hướng dẫn các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án triển khai các nội dung đảm bảo tiến độ, yêu cầu; thông báo kế hoạch khuyến nông Trung ương đến Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố để phối hợp theo dõi, quản lý; phối hợp với các Cục, Vụ, Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá; tổ chức nghiệm thu hàng năm, nghiệm thu kết thúc dự án theo quy định; trình Bộ NNPTNT phê duyệt nghiệm thu kết thúc 59 dự án Khuyến nông Trung ương thực hiện giai đoạn 2020-2022; tổ chức nghiệm thu và trình Bộ NNPTNT công nhận kết quả nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên năm 2022.
Theo ông Thanh, năm 2023, một số dự án Khuyến nông Trung ương nổi bật như: Chuyển giao đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiến tiến và quy trình xử lý phế phụ phẩm trồng trọt làm nguyên liệu phục vụ kinh tế tuần hoàn, tạo ra sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng nhằm tạo giá trị kinh tế cao cho người sản xuất đối với những loại cây trồng như sau: lúa, chè, cà phê, rau, nấm, xử lý phụ phẩm cây trồng: gốc rạ, rơm rạ, bã thải từ trồng nấm …; Các dự án khuyến nông phát triển chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAHP, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; Các dự án khuyến ngư phục vụ tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...
Về công tác đào tạo huấn luyện, theo ông Thanh, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với TTKN các tỉnh/TP, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội và trực tiếp thực hiện 258 lớp tập huấn cho 8.010 lượt học viên; 52 đoàn khảo sát học tập trong nước cho 1.560 đại biểu; xây dựng 03 bộ tài liệu tập huấn: Sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong sản xuất cà phê bền vững; Hướng dẫn sản xuất chè bền vững; Khử trùng đất bằng năng lượng mặt trời và kỹ thuật ủ phân hiếu khí bằng vật liệu tự nhiên; 16 video clip kỹ thuật chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; Duy trì, nâng cấp phần mềm ứng dụng mobile application khuyến nông xanh phục vụ đào tạo nông dân công nghệ số, 02 đoàn khảo sát học tập tại nước ngoài; Tham gia các hoạt động thường niên ASEAN. Tổng kinh phí hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông là 27,4 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NNPTNT, trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham gia trên các "mặt trận" như: Diễn đàn Fesival quốc tế ngành hàng lúa gạo ở Hậu Giang; củng cố, kiện toàn khuyến nông cơ sở, tập trung thực hiện các dự án kinh tế tuần hoàn, hữu cơ, các ngành nghề nông thôn...
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, công tác khuyến nông phải càng được đẩy mạnh trên toàn diện các lĩnh vực. Đồng thời, là năm triển khai tiêu chuẩn, quy chuẩn, mã số vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu đòi hỏi khuyến nông phải tham gia tích cực, đóng vai trò rất lớn trong năm 2024.
Bên cạnh đó, các nước tiếp tục tăng cường các rào cản thế hệ mới như: bảo vệ bảo vệ động vật hoang dã, tín chỉ carbon, dinh dưỡng.. vì vậy hệ thống khuyến nông cả nước phải tiếp cận xu hướng mới, tiếp cận với thách thức, đồng thời coi đó là cơ hội. "Những lúc khó khăn ngành nông nghiệp luôn lóe lên thành điểm sáng, là trụ đỡ", ông Nam khẳng định.
Thứ trưởng Nam cho rằng, phải tiếp tục đổi mới tư duy trong hoạt động khuyến nông, "đừng hài lòng với những gì đã có".
"Hoạt động khuyến nông phải đa phương thức, đa giá trị, chứ không đơn thuần tập huấn, đào tạo, triển khai dự án... mà phải hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển ngành nghề nông thôn. "Đổi mới ngay từ chúng ta, hình thành lực lượng khuyến nông chuyên nghiệp", Thứ trưởng gợi mở.
Giao nhiệm vụ năm 2024 cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hoàn thiện "Chiến lược Khuyến nông Quốc gia giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050".
Đồng thời củng cố, hoàn thiên, mở rộng phạm vi, chức năng nhiệm vụ của lực lượng khuyến nông cộng đồng. Đặc biệt, tập trung tham gia vào triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, xây dựng các vùng nguyên liệu, chuỗi an toàn thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, sản phẩm OCOP, tín dụng...
Thứ trưởng lưu ý, các dự án nên kết hợp đào đào lực lượng khuyến nông cộng đồng, từ đó xây dựng lực lượng khuyến nông chuyên nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa hệ thống khuyến nông, hướng đến xây dựng đề án khuyến nông điện tử; Phối hợp với các doanh nghiệp đưa cán bộ khuyến nông đi học tập, kinh nghiệm ở nước ngoài.