Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Thế giới bày tỏ ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 04/01/2024 10:25 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong các cuộc công cán của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, các nước trên thế giới đều bày tỏ sự tin cậy, ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp.
Bình luận 0

Ngành nông nghiệp Việt Nam được các nước trên thế giới bày tỏ ngưỡng mộ

Chia sẻ cảm xúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chiều 3/1, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết ông “nhận lời ngay” khi được mời tham dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2023.

“Tôi nhận lời ngay lập tức vì 2 lẽ: Một là năm nay nhiều cảm xúc, chia sẻ muốn tâm sự cùng ngành nông nghiệp, bởi thành quả quan trọng. Hai là hợp tác giữa 2 bộ đã đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới, đạt được nhiều kết quả tốt”.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Thế giới bày tỏ ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hợp tác giữa 2 bộ đã đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới, đạt được nhiều kết quả tốt”. Ảnh: Tùng Đinh

Người đứng đầu ngành ngoại giao nhấn mạnh, năm 2023, vai trò trụ đỡ ngành nông nghiệp với nền kinh tế, cũng là thế mạnh đóng góp vào đối ngoại tiếp tục được khẳng định. Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong các cuộc công cán của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, các nước trên thế giới đều bày tỏ sự tin cậy, ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp.

“Nhiều nước gặp khó khăn về an ninh lương thực, có cả các nước trong khu vực, đã đề nghị Thủ tướng ký hiệp định khung về xuất khẩu lương thực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.

Trọng tâm thời gian tới, người đứng đầu ngành ngoại giao đề nghị củng cố các thị trường trọng tâm như Mỹ, ASEAN, các thị trường mới nổi như Mỹ Latin, Trung Đông, châu Phi. Bộ Ngoại giao khẳng định sẽ đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong các vấn đề thủ tục, chính sách, kết nối.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, một trong những kênh đối ngoại rất tốt là quà tặng ngoại giao bằng nông sản. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT trong việc xâm nhập thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Thế giới bày tỏ ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, nhiều cơ hội về thị trường và quan hệ kinh tế đang mở ra cho nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong Top 3 thế giới. "Năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với an ninh lương thực trong khu vực và thế giới", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cho rằng, nhiều cơ hội về thị trường và quan hệ kinh tế đang mở ra cho nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, Bộ NNPTNT tăng cường phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức các hội nghị với cơ quan đại diện, thương vụ ở nước ngoài, triển khai thương mại biên giới, đặc biệt với Trung Quốc; xây dựng đề án xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, năm qua, Bộ NNPTNT cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như: Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival tôm Cà Mau... được các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Khoa học công nghệ tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Nhấn mạnh vai trò hợp tác giữa Bộ NNPTNT và Bộ KHCN đã tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, ngành nông nghiệp là ngành đi đầu trong áp dụng thành tựu KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhiều công nghệ mới được áp dụng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, từ đó giúp đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới với các loại nông sản như tôm, hạt điều, tiêu, gạo.

Giai đoạn 2018-2023, Bộ NNPTNT đã công nhận 215 giống mới, 121 tiến bộ kỹ thuật 42 sáng chế, 224 tiêu chuẩn kỹ thuật, 125 quy trình kỹ thuật được ban hành. Các nhà khoa học nông nghiệp được trao tặng 18 giải thưởng về những đóng góp cho ngành khoa học nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, năng lực, tiềm lực KHCN, ĐMST trong ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn nói riêng luôn có vai trò quan trọng trong tiềm lực KHCN, ĐMST nói chung của nước nhà.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc phối hợp giữa hai Bộ đã được xúc tiến rất thiết thực trong năm 2023 và nhiều năm qua, nhiều nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia được triển khai thực hiện, góp phần là một trong những giải pháp quan trọng, đóng góp có hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Thế giới bày tỏ ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho hay, nhiều nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia được triển khai thực hiện, góp phần là một trong những giải pháp quan trọng, đóng góp có hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh

Về nhiệm vụ và giải pháp của ngành nông nghiệp trong năm 2024, lãnh đạo Bộ KHCN đề nghị Bộ NNPTNT nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chương trình hành động của Chính phủ được ban hành theo Nghị quyết số 189, thực hiện Nghị quyết số 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đề án phát triển nông nghiệp sinh học thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục phối hợp với Bộ KHCN triển khai nghiên cứu phát triển phục vụ các sản phẩm quốc gia giai đoạn sắp tới; quan tâm đẩy mạnh ứng dụng bức xạ, phương pháp chiếu xạ góp phần phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị Bộ NNPTNT tích cực chủ động bố trí kinh phí lập thẩm định các hợp phần quy hoạch, gửi Bộ KHCN hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ KHCN đề nghị Bộ NNPTNT nghiên cứu, đề xuất số lượng tổ chức KHCN thuộc Bộ được xếp hạng tại khu vực và thế giới đến năm 2030 để được ưu tiên đầu tư và thực hiện quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục chính sách tận dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà khoa học.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem