Vũ Tiến Mạnh chính thức trở thành người Việt Nam khiếm thị đầu tiên chinh phục marathon.
Mạnh "không đếm được hết" những giải chạy mà anh đã tham gia. Tính riêng trong năm 2023, Tiến Mạnh đã tham gia 20 cuộc thi chạy lớn, nhỏ. Chạy bộ là môn thể thao yêu thích của chàng trai này vì rèn được tính kỷ luật, kiên trì trong cuộc sống. Mạnh đã tập chạy từ năm 2013 nhưng bắt đầu chuyển qua chạy dài từ năm 2020.
Tấm huy chương mới nhất được đánh đổi bằng những bước chạy không nghỉ trên cung đường dài 42km vòng quanh thành phố Hạ Long tại ASEAN Para Games 12.
Mạnh vẫn nhớ như in giây phút: "10km cuối cùng, tôi gần như chạy bằng ý chí, bao nhiêu sức lực trong cơ thể đều đã dùng hết, cứ nghĩ bản thân không thể cố thêm một kilomet nào nữa. Thế nhưng mọi người cổ vũ, ủng hộ, tôi quyết không bỏ cuộc".
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ để chinh phục chạy dài đã được đền đáp. Khoảnh khắc chạm vào vạch đích trong tiếng hò reo vang dậy, Mạnh như vỡ òa, những giọt nước mắt rơi xuống hòa làm một với mồ hôi ướt đẫm.
Gặp Vũ Tiến Mạnh trong một buổi chiều đông, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ ngoài của một vận động viên 23 tuổi. Khuôn mặt rạng rỡ, đôi môi luôn mỉm cười là những gì khiến chúng tôi ấn tượng ngay về Mạnh.
Sinh ra với đôi mắt không được như bao người, nhưng điều đó không cản được tình yêu thể thao của Vũ Tiến Mạnh.
Mắc căn bệnh rung giật nhãn cầu từ khi chào đời, Vũ Tiến Mạnh (quê Phú Thọ) chỉ có thể nhìn được lờ mờ những vật có kích thước lớn và màu sắc. Thị lực của em giảm dần theo năm tháng. Đến năm 2020, Mạnh chỉ có thể phân biệt được sáng tối. Tuổi thơ em từng bị bạn bè cùng lớp trêu chọc, điều đó khiến Mạnh lạc lõng, thu mình lại và tự ti rất nhiều trong môi trường hòa nhập.
Cuối năm 2006, bố mẹ gửi gắm Mạnh vào ngôi trường chuyên biệt cho người khiếm thị tại Việt Trì. Tại đây, Mạnh cảm giác mình được là một học sinh thực thụ khi được thầy cô quan tâm, chỉ dẫn sát sao với một chương trình giáo dục đặc biệt. Ban đầu, gia đình định hướng theo đuổi con đường âm nhạc, nhưng Mạnh không nhận thấy niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này.
Năm 2014, thầy giáo nhận thấy học trò có thế mạnh về chạy nên đã định hướng cho Mạnh tập luyện chạy ngắn. Cậu bé ấy cảm thấy thích thú sau mỗi buổi tập và bắt đầu dành tình yêu với bộ môn này.
"Bố mẹ phản đối quyết liệt vì cho rằng chạy bộ là bộ môn nguy hiểm đối với tôi, nhưng bản thân mình vẫn quyết tâm dành trọn tình yêu với đam mê. Vạn sự khởi đầu nan, những buổi tập chạy đầu tiên luôn kết thúc với chi chít những vết trầy xước, chảy máu do bị ngã và va chạm", Mạnh kể.
Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2014, Mạnh xuất sắc đạt huy chương vàng khi tham gia giải chạy toàn quốc cho học sinh khuyết tật. Nó không chỉ mở ra con đường chạy bộ chuyên nghiệp, mà còn giúp em chứng minh với gia đình rằng "con đã làm được". Từ đó, bố mẹ đã thay đổi suy nghĩ và bắt đầu ủng hộ lựa chọn chạy bộ của chàng trai.
Tấm bằng khen đầu tiên trên con đường thể thao của Mạnh, đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực vươn lên tự khẳng định mình của chàng trai khiếm thị 10x.
Người đồng hành của Mạnh
Là một người khiếm thị, việc tham gia một môn thể thao như chạy bộ, nhất là chạy đường dài thực sự gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng tình yêu dành cho chạy bộ quá lớn giúp Mạnh vượt qua hết những rào cản để cố gắng về đích.
Mạnh có khả năng nghe và cảm nhận không gian rất tốt. Em mô tả trong đầu mình, xây đắp nên hình ảnh của cung đường, những chi tiết lại càng in sâu sau mỗi vòng chạy.
Phạm Bình Linh là người đồng hành tri kỉ của Mạnh từ khi cậu bé lựa chọn chạy bộ. Trước mỗi cuộc thi, Mạnh và Linh lên lịch chi tiết và và thường tới địa điểm sớm để làm quen với đường chạy.
Khi tham gia thi đấu, người đồng hành luôn chạy bên tay phải vận động viên, họ được kết nối bằng một sợi dây ở tay. Thông qua sợi dây này, chân chạy khiếm thị sẽ kiểm soát được tốc độ theo người đồng hành cũng như điều hướng cho phù hợp với đường chạy.
Người đồng hành giúp chân chạy khiếm thị giám sát các chỉ số trên đồng hồ thể thao, cũng như nhắc nhở khi cần thiết. Với những vận động viên khiếm thị như Mạnh, người đồng hành có thể coi như “tri kỉ”, có vai trò hết sức quan trọng trong kết quả của trận thi đấu.
Chàng trai bày tỏ sự xúc động, biết ơn trước tình cảm của những người đồng hành. "Người đồng hành là tri kỷ, là "đôi mắt" của chúng tôi. Họ hy sinh rất nhiều vì những người chạy bộ sẽ có những bài tập riêng. Tuy nhiên, khi chạy với người khiếm thị, người dẫn đường phải chạy theo tốc độ của chúng tôi, phải chỉ đường và nói nhiều hơn", Mạnh chia sẻ.
Lịch tập luyện của Mạnh cũng phụ thuộc vào người dẫn đường. Một tuần chỉ tập với họ được 3 buổi, còn lại tự em sẽ ra sân tập luyện.
Khi không có người đồng hành ở những cung đường lạ, Mạnh sẽ không tránh khỏi những chấn thương vì va chạm phải chướng ngại vật.
“Đối với người bình thường phải nỗ lực 1, thì đối với người khiếm thị như tôi phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần. Đền đáp sự cố gắng đó là những tấm huy chương của các giải đấu trong nước và quốc tế", Mạnh chia sẻ.