Kỷ lục gia marathon Nguyễn Chí Đông: "Tôi thấy dân chạy phong trào bây giờ hăng quá!"
Kỷ lục gia marathon Nguyễn Chí Đông: "Tôi thấy dân chạy phong trào bây giờ hăng quá!"
Lê Minh
Thứ hai, ngày 16/10/2023 18:10 PM (GMT+7)
Xung quanh thông tin đáng tiếc về hai trường hợp chạy bộ bị đột quỵ qua đời tại Hà Nội hôm 15/10, HLV điền kinh Hà Nội Nguyễn Chí Đông - người đang giữ kỷ lục quốc gia marathon đã có những chia sẻ cùng Dân Việt.
Trong ngày 15/10, cộng đồng chạy bộ Việt Nam đã đón nhận tin buồn tới từ hai trường hợp bị tử vong khi chạy bộ thể dục. Hai trường hợp này gồm một ở phố Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ - Hà Nội) và một ở trong Công viên Thanh Xuân.
Vào thời điểm phong trào chạy bộ đang ngày càng nở rộ, các giải chạy phong trào xuất hiện quanh năm với mật độ khá dày đặc, "người người chạy bộ, nhà nhà chạy bộ" thì sự an toàn khi tham gia chạy, rèn luyện sức khoẻ cũng là một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.
Dân Việt đã có cuộc trao đổi với HLV điền kinh Hà Nội Nguyễn Chí Đông - người đang giữ kỷ lục quốc gia marathon tồn tại suốt 20 năm, kể từ khi anh xác lập tại SEA Games 2003 (2 giờ 21 phút 53 giây) và nhận được sự chia sẻ:
"Đầu tiên phải khẳng định đam mê thể thao nói chung và chạy bộ là rất tốt, giúp người dân có thể rèn luyện sức khoẻ, giao lưu đoàn kết, qua có nhiều năng lượng tích cực trong học tập, làm việc...
Nhưng tôi nhận thấy người tham gia chạy bộ lúc này có phần hưng phấn, hăng quá! Thời tôi còn là VĐV, bắt đầu ở cự ly 800m, 1500m, sau đó mới lên 5.000m, 10.000m. Chạy một thời gian dài cho "chai" đi rồi mới lên bán marathon (21km) và cuối cùng mới "dám" chạy marathon.
Có lẽ vì thận trọng, tiến từng bước chắc chắn như vậy nên tôi không bị chấn thương trong suốt sự nghiệp của mình.
Ước tính từ khi tôi bắt đầu tập chuyên nghiệp cho tới khi chạy marathon cũng phải mất tới 7-8 năm. Còn lúc này, tôi thấy nhhiều bạn chạy phong trào mới chạy 2-3 năm, thậm chí có người mới chạy 1 năm mà đã chạy marathon, lại còn nóng vội, muốn giảm thời gian, đạt thành tích tốt nhất trong một thời gian ngắn, như vậy là không an toàn. Họ tập luyện, thi đấu với khối lượng quá nhiều, dễ dẫn đến chấn thương và các sự việc không mong muốn.
Ngay cả VĐV chuyên nghiệp, luyện tập bài bản, đều đặn, khoa học mà khi bước vào thi đấu căng quá còn bị ngất vì thiếu ô-xy. Điều đó là khó tránh khỏi khi các cuộc thi đấu vì màu cờ sắc áo địa phương, Tổ quốc nên tất cả đều phát huy ý chí tối đa".
Với góc nhìn của mình, HLV Nguyễn Chí Đông cho rằng với những người đam mê chạy bộ thì nên bắt đầu chạy nhẹ nhàng, chỉ hơn đi bộ một chút rồi mới tiến tới nhanh dần theo thời gian và số km chạy:
"Để có thể chạy an toàn, nâng cao sức khoẻ thì phải tập luyện thường xuyên theo một chu trình từ thấp đến cao, từ chậm đến nhanh dần.
Trước khi chạy đương nhiên phải khởi động kỹ làm có thể nóng lên, tim mạch làm quen và bắt nhịp với quá trình vận động. Chạy xong thì phải căng cơ cẩn thận, đó là điều bắt buộc để tránh bị đau, chấn thương, qua đó có thể sẵn sàng cho buổi tập tiếp theo.
Thực tế, 80% các ca đột tử khi chơi thể thao nói chung và chạy bộ nói riêng đều liên quan tới vấn đề tim mạch. Vậy nên, những người có bệnh nền tim mạch, bệnh khớp, chỉ nên đi bộ mà thôi, tuyệt đối không nên chạy.
Cùng với đó, khi vận động thể thao cần đeo máy đo nhịp tim để có thể biết và dừng lại đúng lúc khi nhịp tim lên cao quá, tránh những sự cố đáng tiếc".
Cuối cùng, HLV Nguyễn Chí Đông nhấn mạnh: "Với những người tham gia chạy dài, trên đường chạy ai cũng cố gắng phát huy ý chí. Mệt nhưng người ta dùng ý chí để vượt qua nên đôi khi không biết nổi đâu là giới hạn để dừng lại.
Nôm na đó là vấn đề kinh nghiệm truyền từ người này qua người kia, luôn bảo nhau phải "ý chí", "quyết tâm", vượt qua cực điểm... Nhưng mỗi người cần lắng nghe cơ thể của mình chứ cứ nghe kinh nghiệm người khác, cứ vượt quá thành ra vượt quá... xa!".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.