Dân Việt

Vi phạm thị trường kinh doanh xăng dầu tăng 2,7 lần trong năm 2023

Vũ Khoa 08/01/2024 19:25 GMT+7
Với riêng mặt hàng xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 3.080 vụ kiểm tra, xử lý 860 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 31,8 tỷ đồng.

Tổng cục Quản lý thị trường thu nộp ngân sách hơn 500 tỷ đồng

Liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, trong cao điểm các dịp lễ, tết nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ về vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng quá thời hạn sử dụng trà trộn bán trên thị trường. Năm 2023, quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã phát hiện, xử lý 6.773 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực xăng dầu, trong năm cơ bản hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước diễn ra bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Với mặt hàng này lực lượng đã kiểm tra trên 3.080 vụ kiểm tra, xử lý 860 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 31,8 tỷ đồng (tăng hơn 170%).

"Những kết quả kiểm tra, kiểm soát của lực lượng đã góp phần giữ ổn định thị trường; đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; từ đó góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng", Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin.

Như vậy, tính chung cả năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022); phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).

Vi phạm thị trường kinh doanh xăng dầu tăng 2,7 lần trong năm 2023- Ảnh 1.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, thực hiện theo Kế hoạch 888, lực lượng đã kiểm tra phát hiện, xử lý 12.177 vụ vi phạm, số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 431 tỷ đồng; trong lĩnh vực thương mại điện tử, kiểm tra phát hiện, xử lý 928 vụ, xử phạt trên 15 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 6,3 đồng; khí dầu mỏ hóa lỏng LPG phát hiện, xử lý 1.102 vụ vi phạm; xử phạt gần 10 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 437 triệu đồng.

Riêng đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, lực lượng đã phát hiện, xử lý 1.197 vụ vi phạm, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 44.169 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 106.966 sản phẩm các loại; xử phạt vi phạm hành chính gần 7,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 6 tỷ đồng.

Hàng trái phép theo hướng TMĐT đi vào nội địa

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, năm 2023 tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản đã được kiểm soát.

Mặc dù các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi. Nhưng cũng được lực lượng "bắt bài" và nêu rõ một số hành vi như không khai báo hoặc khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh. Đặc biệt là mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.

Trong thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Vi phạm thị trường kinh doanh xăng dầu tăng 2,7 lần trong năm 2023- Ảnh 2.

Công tác xác định kho lưu chứa tiêu tốn nhiều thời gian, công sức

Đáng chú ý, trong năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh.

Cũng theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, năm 2023 là năm bản lề trước khi bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2023-2025) và cũng là năm đánh dấu 5 năm Tổng cục hoạt động dưới mô hình ngành dọc tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Do vậy, bám sát sự chỉ đạo, điều hành năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động giám sát, tấn công hàng giả trên môi trường mạng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương…