Tiếp tục ngày làm việc thứ 5 trong phiên xét xử sơ thẩm đại án Việt Á, sáng ngày 9/1, các luật sư tiếp tục bào chữa cho thân chủ. Sáng nay, 2 luật sư Đặng Văn Cường và Hoàng Thị Hương Giang đã trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ là cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Trong vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bị cáo Phạm Xuân Thăng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" vì xác định bị cáo vì động cơ cá nhân, động cơ vụ lợi đã có hành vi làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Về mặt tội danh, bị cáo Thăng nhận tội, không khiếu nại cáo trạng vì vậy các luật sư không có tranh luận. Tuy nhiên, theo các luật sư, Viện Kiểm sát đề xuất mức hình phạt từ 5 đến 6 năm tù đối với thân chủ mình là quá nghiêm khắc.
Bào chữa cho cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, hoàn cảnh, bối cảnh xảy ra vụ việc là việc phải quan tâm. Trong năm 2020, tại tỉnh Hải Dương đã xảy ra các đợt địch Covid-19 (đợt 1 và đợt 2 diễn ra từ tháng 1 đến tháng 9/2020), ngày 27/1/2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trên các địa bàn TP.Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, do tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, có khả năng bùng phát trên diện rộng, nên cùng ngày, UBND tỉnh công bố dịch đợt 3.
Tiếp theo, tỉnh Hải Dương là địa phương thuộc nhóm có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 cao nhất cả nước do có dân số đông (gần 2 triệu người) và mật độ dân số cao 1.161 người/km2); có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, có nhiều khu, cụm công nghiệp và rất đông công nhân, người lao động, trong đó có nhiều lao động ngoại tỉnh.
Điểm xảy ra dịch Covid-19 thuộc Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP.Chí Linh có trên 2.500 công nhân, trong đó có nhiều lao động ngoại tỉnh… Các luật sư đánh giá, dịch Covid-19 ở Hải Dương có sự khác biệt so với nơi khác: Chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh; thực tế việc chống dịch tại Hải Dương phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với các nơi khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội… trước đây.
"Với bối cảnh tình hình như trên, đây là sự kiện khủng hoảng y tế đặc biệt nghiêm trọng đối với Hải Dương, chưa có trong tiền lệ. Bởi vậy, Thủ tướng Chính Phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch Covid 19 cũng đã có chỉ đạo cấp thiết về công tác phòng, chống dịch tại Hải Dương" – luật sư Cường bào chữa.
Theo luật sư Cường, chính vì bối cảnh dịch bệnh bùng phát, có nguy cơ lan rộng như vậy nên cần có sự kịp thời chỉ đạo của Tỉnh ủy để có phương án phòng chống, dịch bệnh kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Với vai trò đứng đầu cấp ủy nên ông Phạm Xuân Thăng buộc phải có các chỉ đạo để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh thời điểm này để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi vi phạm của bị cáo.
Về nguyên nhân, động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội, bào chữa cho cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, luật sư Cường nêu quan điểm, nguyên nhân, động cơ để bị cáo Thăng có chỉ đạo Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương vào ngày 29/1/2021, 1/2/2021, 2/2/2021 là do tình hình dịch bệnh cấp bách, bị cáo tin tưởng đề xuất từ lãnh đạo Bộ Y tế và căn cứ theo kết quả cuộc họp là ý kiến đề xuất của những thành phần tham gia cuộc họp.
Thời điểm này, ông Phạm Xuân Thăng chưa gặp hay có liên hệ với bị cáo Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cũng như nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ bị cáo Việt cũng như những bị cáo khác thể hiện qua cáo trạng.
Như vậy, theo luật sư, có thể thấy thời điểm này, việc họp và kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương là kết quả của cuộc họp, của ý kiến tham mưu của nhiều thành phần tham dự. Bản thân bị cáo Thăng và bị cáo Việt cũng như Công ty Việt Á không có bất kỳ liên hệ, tiếp xúc nào, cũng như không có thỏa thuận, hứa hẹn nào về cuộc họp này trước ngày bị cáo Thăng gặp bị cáo Việt.
Thứ hai, thời điểm đó, bị cáo Thăng nhận thức Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực xét nghiệm, có đủ điều kiện để cung cấp kit test và hỗ trợ máy móc, nhân lực để hỗ trợ CDC Hải Dương thực hiện công tác xét nghiệm. Thời điểm đó, năng lực xét nghiệm, phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Hải Dương rất hạn chế.
Hơn nữa, năng lực của tổ chức và đội ngũ y tế cơ sở, y tế dự phòng và điều trị tại chỗ của tỉnh Hải Dương lúc bấy giờ rất hạn chế chỉ được 800 mẫu/ngày.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thể hiện, việc bị cáo Thăng chỉ đạo Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan như đề xuất của cấp trên, cấp dưới trong các cuộc họp, về nhận thức bị cáo về năng lực của Công ty Việt Á.
Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của Phạm Xuân Thăng, vị luật sư cho rằng Viện Kiểm sát đánh giá tính chất, mức độ hành vi của bị cáo để đề xuất mức hình phạt cho bị cáo là chưa phù hợp.
Theo luật sư Cường, Viện Kiểm sát xác định việc bị cáo Thăng chỉ đạo, yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ban hành kế hoạch giao CDC Hải Dương phối hợp với Công ty Việt Á mở rộng xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, tăng công suất xét nghiệm, tạo nguồn thu đặc biệt lớn cho Công ty Việt Á là chưa phù hợp với hành vi của bị cáo.
Bởi lẽ, việc tăng công suất xét nghiệm là do nhu cầu xét nghiệm trên diện rộng lúc bây giờ khi phương án dập dịch thời điểm này chỉ là xét nghiệm, cách ly, phong tỏa.
Do đó, việc chỉ đạo tăng công suất xét nghiệm đảm bảo nhu cầu chống dịch chứ bị cáo không nhằm mục đích tạo nguồn thu cho Việt Á.
Tăng công suất xét nghiệm xuất phát từ yêu cầu thực tế phòng, chống dịch trên tinh thần chỉ đạo chung và một số chỉ đạo cụ thể của cơ quan chức năng và các ý kiến tham mưu đề xuất của các cán bộ tại Hải Dương…
Tiếp theo, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Thăng chỉ đạo người dưới quyền ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, làm căn cứ để CDC hợp thức thủ tục đấu thầu để thanh toán đợt 3 cho Công ty Việt Á, vi phạm quy định về đấu thầu.
Tuy nhiên, bị cáo Thăng không có chức năng nhiệm vụ trong công tác đấu thầu, việc bị cáo chỉ đạo ký quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu chỉ là chủ trương, quan điểm chỉ đạo về Đảng, các cơ quan chuyên môn khác phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình đấu thầu theo quy định pháp luật.
Mặt khác, ngoài 4 kết luận cuộc họp, ý kiến chỉ đạo sai lầm vi phạm đã bị xem xét trong nội dung truy tố của Viện Kiểm sát thì trong suốt quá trình tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tại Hải Dương thời điểm này, bị cáo Thăng còn có rất nhiều chỉ đạo khác trong công tác phòng, chống dịch đúng đắn, chính xác giúp tỉnh Hải Dương kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh thời điểm này.
"Chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xem xét đến tính chất, mức độ hành vi của bị cáo cũng như đóng góp của bị cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại tỉnh Hải Dương nêu trên để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo" – luật sư Cường đề nghị.
Về nhân thân bị cáo Thăng, các luật sư cho biết ông Thăng chưa có tiền án, tiền sự, lần đầu phạm tội; có nhiều bằng khen, giấy khen của Đảng và Nhà nước…
Ở vụ án, bị cáo đã luôn thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra…
Các luật sư cũng đề nghị HĐXX hủy bỏ biện pháp ngăn chặn kê biên, phong tỏa tài khoản đã áp dụng với 1 bất động sản của bị cáo Thăng tại TP.Hải Dương và 1 sổ tiết kiệm trên 300 triệu đồng của bị cáo.
Cuối cùng, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng đề nghị HĐXX tuyên mức hình phạt dưới mức Viện Kiểm sát đề xuất để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.