Người Mảng sinh sống chủ yếu ven hai con sông lớn là sông Đà và Nậm Na (thuộc hai huyện Nậm Nhùn và Mường Tè, tỉnh Lai Châu)- đây được coi là nơi phát tích của dân tộc Mảng.
Riêng Mường Tè, dân tộc Mảng sinh sống ở các xã Vàng San (bản Nậm suổng, Sang sui, Nậm sẻ), xã Bum Nưa (bản Nậm Củm) và xã Pa vệ sủ (bản A Mài) với tổng hơn 300 hộ, khoảng 1.600 nhân khẩu tính đến năm 2023. Đây là một trong những dân tộc ít người nhất cả nước.
Người Mảng với nhiều nét văn hóa độc đáo
Theo phong tục, người Mảng, khi xây nhà sẽ phải xem phong thủy khu đất xem có ở được hay không bằng cách bói bằng thóc. Họ đào một cái hố nhỏ, thả vài hạt thóc vào đó, đậy viên đá đặt lên, nếu có kiến hay con gì đến phá thì vị trí đất đó không xây được nhà, phải chuyển đi chỗ khác.
Nhà được xây xong, người Mảng sẽ lấy búi lạt như cái chổi nhúng vào bát gừng, muối được vẩy khắp góc nhà để đuổi côn trùng... gây hại cho nhà và tài sản gia chủ.
Ngôi nhà của người Mảng cũng khá độc đáo, những nhà có điều kiện sẽ làm 8 bậc cầu thang, số 8 thể hiện gia chủ khá giả.
Theo những vị cao niên ở đây, người Mảng còn kiêng không được mang bất cứ xây lá xanh nào vào trong nhà, bởi điều đó sẽ làm cho người hoặc động vật bỗng dưng ốm bệnh mà chết. Thêm vào đó, các con vật khi giết mổ cũng phải ra góc khuất để làm, không được giết trong nhà của mình.
Người Mảng không có bàn thờ. Họ quan niệm sống với nhau là người nhà của nhau. Cứ sau 3 năm, nhà trai sẽ cúng lễ, dựng lán bằng lá chuối, làm mâm cúng, có rượu cần, cúng người đã mất bên nhà vợ. Tỏ lòng biết ơn, tôn trọng bên nhà vợ.
Không có bề dày truyền thống về trồng lanh dệt vải như người Mông, dệt thổ cẩm như người Thái, nên người Mảng có kĩ thuật dệt thô sơ và trang phục đơn giản.
Thăm bản làng người Mảng chúng ta sẽ bắt gặp cảnh người Mảng cùng nhau may vá, thêu thùa. Trang phục của người Mảng cũng khá đơn giản, bắt mắt. Đó là áo cánh, xẻ ngực được may cách tân, mặc kết hợp với váy dài. Trên tấm vải choàng quấn quanh thân được tô điểm một số họa tiết thêu bằng chỉ đỏ.
Ngoài ra, người Mảng cũng rất khéo tay. Họ rất sáng tạo khi làm nghề đan lát. Kĩ thuật đan lát được đánh giá cao nhất so với các dân tộc lân cận, họ rất khéo léo, chăm chỉ và sáng tạo khi làm ra sản phẩm từ mây, tre, đan.
Phong tục tập quán đậm màu sắc nông nghiệp
Từ tập quán chủ yếu làm nông nghiệp, phong tục của người Mảng gần như gắn liền với ruộng nương.
Hàng năm vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch người Mảng sẽ diễn ra "Tết cầu mùa". Người dân bắt cua, cá để cúng tổ tiên, cầu mong trong năm mới các thành viên trong gia đình mạnh khoẻ, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Họ tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy và bắn nỏ...
Bên cạnh đó, còn có lễ cúng hồn lúa và ăn lúa mới, lễ này thường diễn ra vào dịp lúa chín. Theo phong tục, người Mảng gặt lúa phải để lại mấy khóm lúa cạnh nương bên lối đi về nhà nếu không hồn lúa sẽ thất lạc, năm sau mùa màng sẽ thất bát…
Người Mảng thường cưới khi mùa màng đã thu hoạch xong. Trong đám cưới của người Mảng là tục châm thuốc mời gia đình hai họ và khách khứa; hất nước, rượu, bôi nhọ nồi... vào mặt những người trong đoàn đưa, đón dâu cho may mắn...
Các bài dân ca của người Mảng cũng rất đa dạng, thường gắn liền với phong tục, tập quán, cuộc sống hàng ngày. Có bài chỉ khoảng 10 câu (hát ru, đồng dao) nhưng có bài dài tới vài chục câu (dân ca kể về nguồn gốc loài người, nguồn gốc dòng họ, những bài dân ca đám cưới, đám ma…). Có những bài dân ca có cấu trúc đối thoại – đối đáp giữa hai bên, có thể kể đến như: dân ca Mảng cổ "Y Soỏng", "Soỏng Ha Pỉa", "Soỏng chù", "Soỏng vằn hê"...khá phổ biến trong đời sống người dân. Làn điệu dân ca "soỏng" được nhiều người biết và ưa thích.
Theo ông Giàng A Lình- Trưởng Phòng VHTT huyện Mường Tè, huyện Mường Tè đã thực hiện nhiều kế hoạch để phát huy và bảo tồn văn hóa của người Mảng như phục dựng lại không gian văn hóa, phục dựng lễ Tết cơm mới, Tết cầu mùa là những nét đẹp không để thiếu trong đời sống của người dân. Song song đó, huyện Mường Tè cũng mời các nghệ nhân giỏi về mây tre đan của Hà Nội lên dạy nghề cho bà con, các sản phẩm đan lát của người Mảng hiện tại có thể xuất khẩu trực tiếp đi Mỹ, các nước Tây Âu, Trung Quốc, Nhật Bản. Nhờ đó đời sống bà con được cải thiện và đời sống tinh thần tăng lên.