Nhiều người bất ngờ hơn, khi biết ông “trùm” nuôi ốc bươu đen Nguyễn Hữu Nhơn là cử nhân ngành luật và 2 bằng đại học khác đã từ chối mức lương cao, bỏ phố về quê làm nông dân thứ thiệt, tạo công ăn việc làm cho nhiều người…
Một ngày đầu năm 2024, trong tiết trời se se lạnh, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Hữu Nhơn để “mục sở thị”.
Từ xa, chúng tôi đã ấn tượng khi nhìn thấy hàng cây cau xanh tươi, cao vút bao quanh trại ốc bươu đen của anh Nhơn nằm giữa cánh đồng lớn ở xã Tân Hà, huyện Đức Linh (Bình Thuận).
Bước vào bên trong, chúng tôi cảm nhận như đang sống trong một vùng quê thanh bình, yên ả… Bên trong những hàng cau xanh, có ruộng lúa, có bến nước, có cầu khỉ, có mái nhà tranh và cả con đò nhỏ đang lững lờ trôi nhẹ trên mặt nước bên những ao nuôi bèo xanh mướt…
Chỉ tay vào một mái nhà tranh nằm giữa bàu nước nuôi bèo xanh tươi, anh Nhơn cho biết, đó là nơi trú ngụ của nhưng con ốc bươu đen sau khi no mồi…
Dẫn chúng tôi tham quan vườn dừa bên những bờ ao nuôi ốc bươu đen hữu cơ, anh Nhơn kể lại hành trình bỏ phố về quê làm nông dân của mình.
Theo lời anh Nhơn, sau khi tốt nghiệp ngành Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM và thêm 2 bằng đại học khác, anh được nhiều công ty nước ngoài mời làm việc với mức lương cao.
Ban đầu anh tính lại TP.HCM làm việc, nhưng nghĩ lại thấy mình xuất thân từ vùng nông thôn, yêu quê hương nên anh Nhơn quyết về quê lập nghiệp.
Đầu năm 2018, anh Nhơn bàn bạc với gia đình về xã Tân Hà (Đức Linh) thuê đất trồng thử nghiệm 200m2 nấm linh chi.
“Ngay vụ đầu tiên tôi bị lỗ nặng do chưa có kinh nghiệm. Tôi tưởng mình kiệt sức nhưng nhờ tìm tòi học hỏi những người đi trước, những lần sau đó số nấm linh chi tôi trồng đã cho lãi cao trên cả 100 triệu đồng…”, anh Nhơn tâm sự.
Sau đó, anh Nhơn thấy con ốc bươu đen là loài dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh mạnh dạn thuê các ao, bàu của người dân ở xung quanh để đầu tư nuôi ốc bươu đen thương phẩm.
Những ngày đầu nuôi ốc bươu đen, nhiều bà con có ruộng trồng lúa xung quanh đã không đồng tình vì sợ con ốc này phá lúa và môi trường như ốc bươu vàng.
Trước sự kiện bất ngờ này, anh Nhơn bỏ nhiều thời gian chứng minh bằng khoa học, thực tế để bà con biết rõ con ốc bươu đen không tàn phá mùa màng như ốc bươu vàng, mà còn giúp cho bà con có thêm thu nhập.
Đầu năm 2019, anh Nhơn bắt đầu nuôi ốc bươu đen thương phẩm và cũng do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu tiên anh bị thất bại do ốc nuôi hoài… không chịu lớn!
Sau khi tìm hiểu, anh Nhơn mới “ngộ” ra là loại ốc bươu đen này không ăn cám công nghiệp, chúng chỉ thích ăn những loại tự nhiên như cỏ xanh, các loại bèo hữu cơ.
Từ đó, anh Nhơn học kỹ thuật nuôi bèo tấm để làm nguồn thức ăn chính cho ốc. Nhờ ăn những loại bèo, những loại thức ăn hữu cơ nên ốc lớn nhanh, khỏe mạnh, giúp anh Nhơn thành công thêm nghề nuôi ốc bươu đen...
Theo quan sát của chúng tôi, trang trại nuôi ốc bươu đen hữu cơ của anh Nhơn có hơn hơn 60% diện tích mặt nước để nuôi bèo tấm làm thức ăn cho ốc.
“Tôi nuôi bè tấm không những cung cấp nguồn thức ăn sạch cho ốc, mà còn tiết kiệm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả mô hình nuôi ốc bươu đen hữu cơ của mình. Nhờ mô hình này, chất lượng ốc nâng cao thấy rõ...”, anh Nhơn tiết lộ.
Tính đến nay, trang trại của gia đình anh Nhơn có khoảng 7 ha diện tích mặt nước nuôi ốc bươu đen thương phẩm, ốc bươu đen giống và cả ốc dược liệu ở huyện Đức Linh.
Theo anh Nhơn, ốc bươu đen thương phẩm nuôi khoảng 4 tháng là có thể xuất bán. Mật độ thả nuôi 200 - 250 con/m2; trọng lượng đạt 20 - 25 con/kg, giá bán hiện là 75.000 đồng/kg. Trang trại của anh cung cấp ra thị trường mỗi ngày 200 kg ốc bươu đen thương phẩm.
Ngoài nuôi ốc thương phẩm, anh Nhơn còn cung ứng ốc bươu đen giống cho nhiều bà con nông dân trong vùng.
Anh Nhơn cho biết, trước đây do chưa có kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen làm giống nên tỷ lệ trứng nở chỉ đạt trên 50%. Tuy nhiên, sau một thời gian học hỏi, hiện nay anh đã có kinh nghiệm, kỹ thuật nên tỷ lệ trứng nở đã đạt trên 90%.
“Mỗi tháng trang trại của gia đình tôi cung cấp giống cho khoảng 150 hộ dân trong huyện Đức Linh và nơi khác. Bình quân mỗi hộ từ 20.000 – 50.000 con ốc bươu đen giống, giá bán 300 đồng/con. Việc bán giống cũng cho gia đình tôi nhập rất tốt…”, anh Nhơn cho biết.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Hữu Nhơn được nhiều người khen ngợi, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con ở huyện Đức Linh.
Anh Nhơn cũng là người tiên phong khi thực hiện thành công mô hình nuôi ốc bươu đen, mở hướng đi mới, tạo thêm sản phẩm độc đáo cho địa phương…
Hiện, anh Nguyễn Hữu Nhơn đã thành lập được Công ty TNHH nấm linh chi Thương Nhân do anh làm giám đốc. Công ty anh Nhơn cũng sản xuất ra trên 10 sản phẩm chất lượng cao, được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng.
Trong số hơn 30 lao động địa phương làm việc cho trang trại và công ty của anh Nhơn, có trên 50% lao động là người dân tộc thiểu số ở huyện Đức Linh và mức thu nhập hàng tháng rất ổn định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay người tiêu dùng ở thị trường tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai… rất thích những món ăn được chế biến bằng ốc bươu đen hữu cơ. Đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn cao cấp ở các đô thị lớn như TP.HCM và TP. Phan Thiết.
Trước đó, nắm bắt nhu cầu này, anh Nguyễn Hữu Nhơn đã nghiên cứu và chế biến thành công nhiều sản phẩm chế biến từ ốc bươu đen gồm: ốc tươi, ốc gác bếp, chả ốc bươu đen dược liệu...
Theo anh Nhơn, những món ăn trên được chế biến thêm các thành phần như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi… giúp cải thiện sức khỏe cho người tiêu dùng...
Gia đình chị Nguyễn Thảo ở TP. Thủ Đức cho biết, trong một dịp đi chơi ở Bình Thuận, chị được ăn món chả ốc bươu đen cuốn trong giấy bạc nướng trên bếp lửa than hồng thấy rất ngon. Qua lần đó, lần nào đi Bình Thuận, chị Thảo cũng đặt mua món này đem về làm quà cho người thân…
Anh Nguyễn Hữu Nhơn nuôi ốc bươu đen hữu cơ nuôi trong trang trại. Thực hiện: Bùi Phụ
Song song với việc nuôi ốc bươu đen hữu cơ, anh Nhơn đã biến trang trại của mình thành điểm du lịch nông nghiệp xanh với diện tích gần 5 ha ở huyện Đức Linh. Những tháng hè vừa qua, hàng nghìn lượt khách du lịch từ TP.HCM ghé tham quan.
Tại đây du khách được trải nghiệm vui chơi, nghỉ dưỡng và thực hiện các việc làm từ nông nghiệp. Du khách được thưởng thức các món ăn chế biến bằng ốc bươu đen…
Tiễn chúng tôi ra về, anh Nhơn cho biết, lịch tuần tới của mình rất kín với các công việc như: tham gia tư vấn và chuyển giao công nghệ mô hình nuôi ốc hữu cơ cho đoàn viên thanh niên và bà con nông dân. Sau đó phối hợp với Hội Nông dân tuyên truyền các mô hình bảo vệ an ninh trật tự trong dịp Tết; tập huấn về khởi nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, kinh doanh trên nền tảng số, trên các sàn thương mại điện tử…
“Định hướng của chúng tôi sắp tới là triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu. Chúng tôi sẽ cố gắng liên kết với nhiều thanh niên, cùng khởi nghiệp, khai thác lợi thế của địa phương, giá trị của nền nông nghiệp hữu cơ để xây dựng nông thôn quê mình ngày càng giàu đẹp…”, anh Nguyễn Hữu Nhơn tâm sự.
Năm 2022, anh Nguyễn Hữu Nhơn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh là 1trong 32 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc và vinh dự nhận danh hiệu giải thưởng Lương Định Của lần thứ 17 năm 2022 (do Trung ương Đoàn tổ chức).
Năm 2023, anh Nguyễn Hữu Nhơn được UBND tỉnh Bình Thuận tuyên dương thanh niên điển hình tiên tiến vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Cũng trong năm 2023, anh Nguyễn Hữu Nhơn đã đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận lần thứ 4 với dự án “Nuôi ốc bươu đen kết hợp du lịch nông nghiệp thân thiện”.