Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam

Đức Cường Thứ bảy, ngày 06/01/2024 13:55 PM (GMT+7)
Sau thành công nuôi mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên trên biển, anh Nguyễn Bá Ngọc, nông dân xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) đã hạ thủy lồng nuôi mực thương phẩm lớn nhất Việt Nam bằng công nghệ HDPE.
Bình luận 0

Lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam

Một ngày đầu năm mới 2024, PV Dân Việt về làng biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) để "mục sở thị" lồng nuôi mực trên biển "khủng" nhất Việt Nam của nông dân Nguyễn Bá Ngọc.

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Lồng nuôi mực bằng công nghệ HDPE lớn nhất Việt Nam hiện nay của nông dân Nguyễn Bá Ngọc. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

Anh Nguyễn Bá Ngọc (SN 1988, quê Hà Tĩnh) cũng là người đầu tiên thành công trong việc nuôi mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên ở Việt Nam. Anh Ngọc hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Mực nhảy Biển Đông do chính anh sáng lập.

Dẫn chúng tôi tham quan lồng nuôi mực thương phẩm rộng gần 3.000 mét vuông vừa được hạ thủy ở vùng biển xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải), anh Ngọc tự tin khoe, đây là lồng nuôi mực lớn nhất Việt Nam và cũng là lồng nuôi mực bằng công nghệ HDPE hiện đại trên thế giới hiện nay.

Theo anh Ngọc, thế giới có những lồng nuôi biển rất lớn, tuy nhiên những lồng nuôi này chủ yếu làm bằng sắt. Riêng lồng nuôi của anh được làm bằng chất liệu ống nhựa HDPE.

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Bá Ngọc bên lồng nuôi mới hoàn thành và hạ thủy gần bờ. Ảnh: Đức Cường

Ghi nhận của PV Dân Việt, lồng nuôi vừa được anh Ngọc hạ thủy có hình tròn với đường kính hơn 61 mét, thể tích hơn 30.000 mét khối nước được thiết kế bằng công nghệ ống nhựa HDPE. Xung quanh lồng nuôi được lắp ván gỗ rộng 1,5 mét tạo lối đi thông thoáng tiện cho việc di chuyển và chăm sóc và nuôi mực.

Theo anh Nguyễn Bá Ngọc, toàn bộ lồng nuôi được chính anh lên ý tưởng và thiết kế với kinh phí khoảng 2 triệu đồng/mét vuông, tổng vào khoảng 6 tỷ đồng.

"Lồng nuôi này được chúng tôi thiết kế theo quy chuẩn Na Uy, tuy nhiên kinh phí hoàn thành lại chỉ bằng 1/3. Thực tế chứng minh những lồng nuôi thí điểm trước đây của chúng tôi có thể chống chọi được sóng biển cấp 8, cấp 9…", anh Ngọc thông tin.

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 3.

Mực được nuôi thành công trong lồng của nông dân Nguyễn Bá Ngọc. Ảnh: Đức Cường

Hiện, anh Ngọc đang tiếp tục hoàn thiện lồng nuôi khác hình vuông rộng hơn 2.300 mét vuông. Với lồng nuôi này, anh thiết kế một lồng nhỏ bên trong rộng 1.000 mét vuông để vừa nuôi tôm bên trong, vừa nuôi mực bên bên ngoài.

"Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện cấp quỹ nước để yên tâm liên kết với người dân cùng nhau phát triển ngành nuôi thủy sản trên biển của địa phương…", anh Ngọc cho hay.

Cận cảnh lồng nuôi mực công nghệ HDPE lớn nhất Việt Nam hiện nay. Thực hiện: Đức Cường

Một số hình ảnh cận cảnh lồng nuôi mực bằng công nghệ HDPE lớn nhất Việt Nam hiện nay ở Ninh Thuận:

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 4.

Lồng nuôi hình tròn có kích thước khổng lồ. Lồng nuôi này có thể thả nuôi 25 - 30 tấn mực. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 5.

Lồng nuôi được thiết kế chủ yếu bằng ống nhựa HDPE, các ống này được kết nối vào khung sắt đã được bọc nhựa composite để chống rỉ sét. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 6.

Công nghệ làm lồng nuôi này do chính Nguyễn Bá Ngọc và các cộng sự thiết kế và thi công. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 7.

Hai ống nhựa khủng được kết nối với nhau để lồng nuôi nổi trên mặt nước biển. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 8.

Theo anh Nguyễn Bá Ngọc, chi phí thi công lồng nuôi này khoảng 2 triệu/mét vuông. Tính sơ chi phí tổng khoảng 6 tỷ đồng. Tuy cao nhưng sử dụng được lâu dài, chống chọi với sóng biển tốt. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 9.

Lồng nuôi mực này có thể chống chịu được sóng biển mạnh cấp 9 vào mùa gió mùa đông bắc ở vùng biển huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 10.

Trên mặt ống nhựa được thiết kế ván gỗ và nhà tạm giúp người nuôi tiện chăm sóc mực giữa biển. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 11.

Ván gỗ được thiết kế rộng khoảng 1,5m làm lối đi xung quanh lồng nuôi rất thuận tiện để di chuyển. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 12.

Hiện lồng nuôi đã hoàn thiện và dự kiến vào giữa tháng 1/2024 sẽ được anh Ngọc kéo ra biển để bắt đầu nuôi mực thương phẩm. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 13.

Bên cạnh lồng nuôi hình tròn, anh Ngọc cũng đang thi công hoàn thiện lồng nuôi mực hình vuông, kết hợp giữa việc nuôi mực và nuôi tôm thẻ trên biển. Ảnh: Đức Cường

Cận cảnh lồng nuôi mực trên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 14.

Hai lồng nuôi dự kiến được đưa ra vùng biển sâu từ 10 - 13 mét để nuôi mực thương phẩm. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

Nguyễn Bá Ngọc là nông dân đầu tiên nuôi mực sinh sản trong môi trường bán tự nhiên ở Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 7/2023, Nguyễn Bá Ngọc đã thí điểm thành công 2 lồng nuôi bằng công nghệ HDPE ở vùng biển C3 thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Mực được nuôi sau khi đẻ trứng sẽ được ấp nở ra mực con, sau đó đưa trở lại biển nuôi thương phẩm.

Anh Ngọc cho biết, Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên phù hợp để nuôi mực nói chung và nuôi mực sinh sản nói riêng. Đặc biệt, khu vực biển C3 xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải không có gió bão, thảm thực vật ở đáy biển sạch để mực đẻ trứng.

Theo anh Ngọc, tuy chí phí ban đầu cao nhưng ưu điểm của nuôi mực bán tự nhiên là ít tốn công chăm sóc. Mực càng lớn thì càng ít cho ăn vì đã có thức ăn trong môi trường biển. Ngoài ra, chất lượng thịt mực không thua kém gì mực ngoài tự nhiên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem