Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất và thu nhập khác năm 2024 đạt 24.999 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, đều tăng hơn 2% so với mức ước thực hiện của năm 2023. Còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 3.437 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2023.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) vừa đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Theo đó, GVR đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất và thu nhập khác năm 2024 đạt 24.999 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, đều tăng hơn 2% so với mức ước thực hiện của năm 2023. Còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 3.437 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2023.
Cụ thể, đối với mảng cao su, GVR đặt mục tiêu sản lượng cao su khai thác đạt 445.200 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn (đã bao gồm cả lượng thu mua từ bên ngoài); giá bán mủ bình quân dự kiến ở khoảng 34,6 triệu đồng/tấn; thu hoạch gỗ cao su 6.430 ha.
Đối với mảng chế biến gỗ, sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF), GVR đặt mục tiêu sản lượng ở mức 1,2 triệu m3.
Đối với mảng kinh doanh khu công nghiệp, tập đoàn này đặt mục tiêu cho thuê mới 245ha trong năm 2024, tương đương 468% mức ước thực hiện trong năm 2023.
Trước đó, do doanh thu, lợi nhuận lao dốc, GVR đã hạ kế hoạch lợi nhuận năm 2023 gần 1.000 tỷ đồng.
Theo thông báo nghị quyết hội đồng quản trị về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2023, GVR điều chỉnh theo hướng giảm mạnh so với kế hoạch ban đầu đặt ra.
Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu năm 2023 giảm từ 27.527 tỷ đồng về còn 24.243 tỷ đồng, tương đương giảm 3.284 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế cũng được tập đoàn hạ xuống so với kế hoạch, lần lượt còn 3.956 tỷ và 3.363 tỷ đồng, tức giảm 899 tỷ đồng và 901 tỷ đồng.
GVR cho biết HĐQT công ty nhấn mạnh việc điều chỉnh kế hoạch năm 2023 được thực hiện trên nguyên tắc phải hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh công ty mẹ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 giao với doanh thu 3.792 tỷ và lợi nhuận 1.395 tỷ đồng.
Động thái điều chỉnh của tập đoàn kinh tế này diễn ra trong bối cảnh kinh doanh không được thuận lợi. Trong 9 tháng đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu hợp nhất giảm 11% về còn 14.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lao dốc 44% xuống 1.954 tỷ đồng.
Kết quả này tương đương mới hoàn thành được 53% chỉ tiêu doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận ban đầu. Thậm chí nếu so với các chỉ tiêu mới, công ty vẫn cần bứt phá trong giai đoạn cuối năm 2023 khi mới đạt tỷ lệ tương ứng 60% và 58% kế hoạch mới.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, giá cao su thiên nhiên trên thế giới hiện đã tạo đáy và đang trên đà hồi phục. Điều này có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phục hồi tốt hơn trong thời gian tới.
Ở thời điểm hiện tại, so với vùng đáy kéo dài từ quý III/2022 - quý II/2023, giá cao su thiên nhiên thế giới đã tăng khoảng 20% với động lực đến từ cả hai yếu tố: Giảm cung và tăng cầu.
Về mặt nguồn cung, do lũ lụt và biên lợi nhuận thấp, tính đến cuối tháng 11/2023, nông dân Thái Lan đã cắt giảm sản lượng sản xuất khoảng 10% so với năm 2022. Thái Lan hiện chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Trong khi đó, nhu cầu cao su trong năm 2024 được dự báo có thể tăng trưởng đáng kể, chủ yếu nhờ nhu cầu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, việc giá dầu thô được dự báo neo cao trong năm 2024 sẽ thúc đẩy giá cao su tổng hợp; qua đó, củng cố đà phục hồi của giá cao su tự nhiên.
Năm 2023, giá cao su trên thị trường châu Á biến động mạnh, giá ở mức thấp trong 2 quý đầu năm và tăng trở lại trong quý III và quý IV/2023. Giá đạt mức cao nhất năm vào tháng 10 và 11/2023, nhưng sau đó đã giảm trở lại.
Tháng 12/2023, giá cao su biến động trái chiều, so với cuối tháng trước giá tại Nhật Bản giảm; trong khi tăng tại Thượng Hải và Thái Lan nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các nhà máy của Trung Quốc ổn định, thị trường hy vọng về các biện pháp kích thích tại Trung Quốc và lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung từ Thái Lan.
Năm 2023 giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động theo xu hướng của thị trường thế giới, giá mủ cao giảm trong 2 quý đầu năm, sau đó tăng trở lại trong quý III và IV/2023.
Trong tháng 12/2023, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố biến động nhẹ, giá thu mua mủ cao su tại Bình Phước và Gia Lai ổn định, trong khi giá tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng nhẹ so với cuối tháng trước.
Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng giữ giá thu mua ở mức 285-305 đồng/TSC. Công ty Cao su Bình Long giữ giá thu mua ở mức 285-295 đồng/TSC. Tuy nhiên, Công ty Cao su Bà Rịa điều chỉnh giá thu mua lên mức 283-293 đồng/TSC, tăng 3 đồng/TSC; Công ty Cao su Phước Hòa cũng điều chỉnh giá thu mua mủ cao su nguyên liệu lên mức 314-316 đồng/TSC, tăng 3 đồng/TSC so với cuối tháng 11/2023.
Trở lại với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, năm 2023, sản lượng mủ cao su khai thác của Tập đoàn ước đạt 445.000 tấn, vượt 4,7% kế hoạch năm, tăng 3,5% (tương ứng tăng 15.400 tấn) so với năm trước; tiêu thụ đạt 520.290 tấn cao su các loại, đạt 102,4% kế hoạch năm, tăng 3,8% (tương đương tăng 18.968 tấn) so với năm 2022. Năng suất bình quân vườn cây toàn Tập đoàn ước đạt 1,59 tấn/ha (trong nước 1,57 tấn/ha, ngoài nước 1,62 tấn/ha). Tuy nhiên, bình quân năm 2023, giá bán mủ cao su toàn Tập đoàn ước chỉ khoảng 30,5 triệu đồng/tấn, giảm 5,8 triệu đồng/tấn (tương đương giảm gần 16%) so với giá bán năm 2022.
Năm 2024, VRG đặt mục tiêu sản lượng cao su khai thác đạt 445.200 tấn, thu mua 75.290 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn; giá bán mủ bình quân khoảng 34,6 triệu đồng/tấn. Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2030 có 60% diện tích cao su đạt chứng nhận quản lý rừng bền quốc gia và quốc tế VFSC, PEFC,FSC. Đến năm 2050 có 100% diện tích cao su đạt chứng nhận quản lý rừng bền quốc gia và 100% nhà máy sản xuất mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
Được biết, năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do giá cao su xuất khẩu giảm mạnh, nên trị giá xuất khẩu cao su thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sự phục hồi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc yếu hơn so với các dự báo, khiến sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán cao su đều ở mức thấp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Theo ước tính, năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,04% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với năm 2022.
Thời gian tới, nhu cầu Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động lên diễn biến giá cao su tại Việt Nam và tác động tới kinh doanh của GVR và các doanh nghiệp khác trong ngành. Bên cạnh đó, biến động của giá dầu do lo ngại gián đoạn thương mại tại kênh đào Suez cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp lên giá cao su.
Năm 2024, dự kiến Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu thụ ôtô, cũng như thúc đẩy các hoạt động sản xuất, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe và các sản phẩm khác tăng lên. Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su sẽ là động lực tăng giá cao su toàn cầu. Trong khi, gần 80% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam là được xuất khẩu sang Trung Quốc...