Ngày 11/1, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) phối hợp cùng Trường Đại học Việt Đức tổ chức hội thảo khoa học giải pháp phát triển giao thông xanh ở huyện Cần Giờ. Đây là đề án nhánh thuộc đề án khoa học "Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP.HCM đến 2030 và tầm nhìn đến 2050".
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, thuộc Trường Đại học Việt Đức cho biết, Cần Giờ là nơi xanh nhất của TP.HCM, đồng thời là nơi ít phát thải nhất của TP.HCM.
Việc chọn Cần Giờ làm đề án thí điểm có hai lý do. Thứ nhất, huyện này là mặt tiền của TP.HCM về hướng biển và TP đã có chiến lược về phát triển kinh tế biển và kinh tế xanh Cần Giờ. Phát triển giao thông xanh là một trong những cái hoạt động để hiện thực hóa về mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế biển. Thứ hai, giao thông của huyện Cần Giờ ít phức tạp, do đó, việc tổ chức thí điểm cũng nhanh, thuận lợi và dễ thành công hơn.
Phân tích đánh giá về hiện trạng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra ba kịch bản chuyển đổi phương tiện giao thông xanh cho người dân và du khách huyện Cần Giờ. Cụ thể, khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện; chuyển đổi sang phương thức đi lại xanh, bền vững cho hộ gia đình; chuyển đổi sang phương thức đi lại xanh, bền vững cho khách du lịch.
Nhóm nghiên cứu cũng nêu ra các giải pháp như khuyến khích chuyển đổi phương tiện xe máy xăng sang xe máy điện cho người dân và hộ gia đình; phân vùng hoạt động kiểm soát lưu thông đối với xe máy xăng có tiêu chuẩn khí thải thấp; cải thiện hạ tầng và dịch vụ giao thông công cộng; phát triển giao thông phi cơ giới, hạ tầng đỗ xe trung chuyển thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng; phát triển hệ thống trạm sạc, cung cấp năng lượng cho xe điện...
PGS.TS Tuấn cho hay, về hiệu quả, theo tính toán, sau khi thực hiện các giải pháp, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng ước tính tăng từ khoảng 10% như hiện nay lên khoảng 30-40%. Đặc biệt, ước tính lượng phát thải ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông sẽ giảm xuống từ 9.637,2 tấn/năm xuống còn 4.828,8 tấn/năm. Ngoài ra, các giải pháp cung cấp dịch vụ xe buýt du lịch tiềm năng sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến Cần Giờ, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng thuận quan điểm về phát triển Cần Giờ xanh, giao thông xanh, tăng cường giao thông công cộng. Tuy nhiên, các chuyên giao cho rằng, cần có thêm nghiên cứu đánh giá về sự hưởng ứng của người dân, sự ảnh hưởng đến khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, kinh phí thực hiện...
Ngoài ra, đặc điểm khí hậu, dân cư của Cần Giờ cũng đặc biệt nên cần tính toán thêm để đề án được toàn diện, đầy đủ. Song song đó, các chuyên gia cũng lo lắng tình trạng sử dụng nhiều xe máy điện sẽ khiến tiền điện các hộ gia đình sẽ tăng cao vì chỉ số tiêu thụ điện "nhảy bậc", ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống của người dân.
Theo TS.Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kinh tế xanh và chuyển đổi xanh đã được thảo luận và đưa vào như là đột phá quan trọng của TP.HCM trong thời gian tới.
Lãnh đạo TP đã từng nhắc nhiều lần về việc định hướng phát triển quan trọng nhất của TP.HCM trong những năm tới là "xanh" và "số". Xanh đã được định hướng, tuy nhiên việc này không phải chỉ trên lý thuyết mà phải được thể hiện bằng nhiều hình thức như chương trình, đề án, quan điểm, chính sách...
Nghị quyết 98 đã cho TP.HCM rất nhiều công cụ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, trong đó, có thúc đẩy nhà máy điện đốt rác, giảm khí thải...
"Trong buổi tổng kết 6 tháng tại Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Cần Giờ phải đi tiên phong về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh. Từ thời điểm đó, khái niệm Cần Giờ xanh được nhấn mạnh", TS.Trương Minh Huy Vũ nói.
"Cần Giờ xanh tức là Cần Giờ phải tiên phong thí điểm các chính sách về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh. Sắp tới Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ trình một số chính sách cho HĐND TP.HCM về chuyển đổi xanh tập trung trước mắt tại Cần Giờ", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin thêm.