Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại - Dịch Vụ Bắc Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Thị Minh Thy, cho biết tháng 1/2024, lô hàng hơn 50 tấn củ, quả sấy dẻo OCOP 3 - 4 sao của công ty sẽ xuất khẩu sang Mỹ phục vụ bà con Việt Nam ăn Tết.
Theo bà Thy, mọi năm sản phẩm sấy dẻo từ các loại trái cây của công ty, như thơm (khóm), gừng, xoài thường xuất đi các nước Đông Âu. Tuy nhiên Tết năm nay, công ty ưu tiên xuất khẩu sản phẩm mít sấy dẻo sang thị trường Mỹ.
"Do sản xuất không kịp nên công ty phải từ chối đơn hàng khác để tập trung cho đơn hàng bên Mỹ. Công ty phải tăng gấp đôi số lượng nguyên liệu, nhân công để sản xuất lịp đơn đặt hàng của khách hàng", bà Thy thổ lộ.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thêm, dù giá nguyên liệu tăng cao do cận Tết, sản lượng nông sản ít… nhưng công ty vẫn giữ giá ổn định cho sản phẩm xuất khẩu, nhằm giữ khách hàng và đảm bảo có việc làm cho lao động địa phương.
Tại doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Ngọc Lan (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cũng đang xuất khẩu các sản phẩm OCOP 3 sao, như muối ớt, tắc xí muội, sốt me, đá me sang Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024.
"Vào dịp lễ, Tết, bà con Việt Nam ở nước ngoài tìm mua những sản phẩm tự nhiên, vùng miền, thân thiện môi trường ở trong nước để vừa thưởng thức vừa đỡ nhớ hương vị quê hương", bà Trần Thị Ngọc Lan, chủ doanh nghiệp cho biết.
So sánh sức mua thị trường Tết trong và ngoài nước, bà Lan cho rằng sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gần như nhau. Vào mỗii dịp Tết, doanh nghiệp này bán ra khoảng 500 thùng sản phẩm (48 – 60 chai/thùng).
Thị trường Tết Giáp Thìn 2024 trong nước, doanh nghiệp này giới thiệu 11 mặt hàng OCOP 3 sao, như đá me, chanh muối, tắc xí muội, sốt me; 5 dòng muối ớt, gồm ớt xanh, ớt đỏ, muối tiêu rau răm, muối chanh ớt xanh; và cà na sấy dẻo, cà na ngâm đường. Các mặt hàng Tết cây nhà, lá vườn này đều thuần chay.
Theo các đơn vị làm sản phẩm OCOP xuất khẩu trên, nguyên liệu chế biến được các đơn vị thu mua tại chỗ cho nông dân địa phương. Đây là những củ, quả của nông dân tiêu thụ không hết, hoặc không tiêu thụ được, và các doanh nghiệp này thu mua lại để vừa chế biến vừa hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân. Tất nhiên, theo các doanh nghiệp, các mặt hàng nông sản của nông dân phải được sản phẩm an toàn, không lạm dụng phân thuốc hóa học và đảm bảo chất lượng.
"Tại Tiền Giang có nhiều sản phẩm trái cây chất lượng tốt, như chuối xiêm (TP.Mỹ Tho), xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè), xóm (huyện Tân Phước), mãng cầu (huyện Tân Phú Đông)… Khi thu nông sản của nông dân để làm mứt, tôi chỉ chọn sản phẩm chất lượng thì mới cho ra sản phẩm mứt đạt chất lượng tốt nhất", bà Thy cho biết.
Doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm Ngọc Lan đang thu mua chanh, tắc, khóm, muối ớt tại huyện Bến Lức; mua me, cà na của nông dân ở huyện Vĩnh Hưng…
"Tận dụng nông sản tại chỗ và hỗ trợ bà con nông dân tăng thêm thu nhập, doanh nghiệp đã tập trung thu mua nông sản địa phương để chế biến", bà Lan chia sẻ.
Các nông sản thu mua về được các đơn vị sản xuất sơ chế sạch và đưa vào chế biến thủ công giữ nguyên hương vị, không phẩm màu và hóa chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó, sản phẩm được đóng gói bao bì, nhãn mác… cho sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.