Dân Việt

Các bệnh viện ở Gaza biến thành chiến địa và mồ chôn tập thể như thế nào?

V.N (Theo CNN) 13/01/2024 16:16 GMT+7
Theo phân tích của CNN, việc bắn phá liên miên, mất điện và thiếu hụt trang thiết bị đã khiến gần như mọi bệnh viện ở phía bắc Dải Gaza ngừng hoạt động. CNN cũng đưa bằng chứng về các cuộc tấn công liên tục vào và ở khu vực lân cận các bệnh viện dù đang có mặt các bác sĩ, bệnh nhân, dân thường bên trong.
Các bệnh viện ở Gaza biến thành chiến địa và mồ chôn tập thể như thế nào?- Ảnh 1.

Bệnh viện Mắt quốc tế và Bệnh viện Balsam ở Gaza đã bị ném những quả bom nặng tới 900kg. Ảnh: CNN.

Ít nhất 20 trong số 22 bệnh viện được CNN xác định ở phía bắc Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy trong hai tháng đầu cuộc chiến của Israel chống lại Hamas, từ ngày 7/10 đến ngày 7/12, theo đánh giá từ 45 hình ảnh vệ tinh và khoảng 400 video từ mặt đất, cũng như các cuộc phỏng vấn với các bác sĩ, nhân chứng và các tổ chức nhân đạo. 14 vụ bị tấn công trực tiếp, dựa trên những bằng chứng được CNN thu thập, xác minh và được các chuyên gia phân tích.

Israel đã tiến hành ném bom và xâm lược trên bộ vào Dải Gaza sau vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas, khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng và hơn 240 người khác bị bắt làm con tin. Theo Bộ Y tế Gaza do Hamas điều hành, trong hai tháng đầu của cuộc chiến, ít nhất 17.100 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào dải đất này. Vào thời điểm hiện nay, con số đó là hơn 23.400.

Israel nói rằng Hamas hoạt động bên trong và bên dưới các bệnh viện, đồng thời sử dụng chúng cho các hoạt động quân sự, bao gồm làm trung tâm chỉ huy, kho vũ khí và che giấu con tin. Người Israel đã công bố đoạn phim mà họ nói là bằng chứng về các hoạt động của Hamas. Các video không đưa ra bằng chứng dứt khoát và Hamas đã bác bỏ các tuyên bố này.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các miệng hố gần 11 bệnh viện giống với những miệng hố do bom nặng 2.000 pound (900kg) để lại. Bom đạn được thả gần đủ để các bệnh viện nằm trong bán kính phân mảnh gây chết người, lên tới 365 mét.

Mười bốn bệnh viện bị tấn công trực tiếp. Một số, bao gồm Al-Shifa và Al-Quds, dường như đã bị Israel tấn công.

Hình ảnh mà CNN thu được cho thấy hai bệnh viện đã bị san phẳng hoàn toàn. Các cuộc tấn công vào và xung quanh ba bệnh viện nhi trên dải đất đã buộc họ phải ngừng dịch vụ. Các bệnh viện duy nhất chuyên điều trị ung thư và tâm thần cũng ngừng hoạt động sau khi bị hư hại. Theo OCHA, cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc, sau 2 tháng đầu của cuộc chiến chỉ có 4 bệnh viện hoạt động một phần. Không nơi nào có khả năng phẫu thuật.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/12 cho biết không có bệnh viện nào hoạt động ở phía bắc Gaza và những bệnh nhân bị thương không thể di chuyển đang “chờ chết”. Theo WHO, tính đến ngày 10/1, 6 bệnh viện ở phía Bắc đã hoạt động một phần.

2 bệnh viện lớn nhất và lớn thứ hai của Gaza là Al-Shifa và Al-Quds đã ngừng hoạt động vào tháng 11. Al-Shifa đã nối lại một số dịch vụ.

Chính quyền Israel nói rằng cả hai bệnh viện đều đã được Hamas sử dụng cho mục đích quân sự song Hamas và các bác sĩ đều phủ nhận.

Phân tích các hình ảnh, CNN cho rằng các bệnh viện lẽ ra cần được bảo vệ đã bị ném bom, bị xe tăng bao vây và bắn phá, và cơ sở hạ tầng xung quanh, xe cứu thương và đường sá đang bị phá hủy, ảnh hưởng đến nỗ lực điều trị bệnh nhân, sơ tán cơ sở và cung cấp viện trợ.

Một cuộc điều tra trước đó của CNN xác định rằng một tên lửa thất bại của người Palestine bắn từ Gaza có thể là nguyên nhân gây ra vụ nổ chết người tại Bệnh viện Al-Ahli al-Arabi, còn gọi là Bệnh viện Baptist, vào ngày 17/10.

Trong các trường hợp khác, không thể xác định được trách nhiệm đối với các vụ tấn công.

IDF nhiều lần cho biết họ không nhắm vào các bệnh viện nhưng thừa nhận đã bắn trả tại một số cơ sở, bao gồm cả Al-Quds. Đáp lại phân tích của CNN, IDF cho biết các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu gần bệnh viện “trải qua một quá trình lập kế hoạch kỹ lưỡng” để đảm bảo các loại đạn dược được chọn giảm thiểu thiệt hại cho dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, “nhưng suy cho cùng, chừng nào Hamas còn tiếp tục sử dụng những bệnh viện và cơ sở vật chất này cho các hoạt động quân sự, và mục tiêu của chúng tôi là đánh bại Hamas về mặt quân sự, thì hoàn toàn không có lựa chọn nào khác".

Bệnh viện và các cơ sở y tế khác là các đối tượng dân sự được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, việc tấn công bệnh viện, xe cứu thương hoặc các cơ sở y tế khác hoặc ngăn cản họ cung cấp dịch vụ chăm sóc là bất hợp pháp. Bệnh viện chỉ có thể mất tình trạng được bảo vệ đặc biệt nếu bị một nhóm vũ trang lợi dụng để thực hiện hành vi “có hại cho kẻ thù”. Nhưng, ngay cả khi bệnh viện mất đi vị thế đặc biệt, những người bị thương và bệnh tật bên trong vẫn được bảo vệ theo nguyên tắc cân xứng. Phải đưa ra cảnh báo và thời gian để sơ tán an toàn trước khi thực hiện một cuộc tấn công.

Cordula Droege, giám đốc pháp lý của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), nói với CNN: “Trong nhiều trường hợp, không thể sơ tán tất cả mọi người khỏi bệnh viện, vì vậy vẫn còn nhân viên y tế và bệnh nhân bên trong”. “Trách nhiệm thuộc về kẻ tấn công… thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để tránh bị tổn hại.”

Tại bệnh viện lớn nhất Gaza, bệnh viện Al-Shifa, khi giao tranh nổ ra, hàng ngàn người Gaza phải di tản đã tìm kiếm sự an toàn tại đây. 

Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu nói rằng không có lý do gì mà bệnh nhân không thể sơ tán khỏi Al-Shifa sau khi IDF mở hành lang sơ tán ở phía đông bệnh viện. Nhưng các bác sĩ cho biết họ đã từ chối lệnh sơ tán của IDF vì lo ngại cho sức khỏe và tính mạng của 700 bệnh nhân có nguy cơ cao.

Vào ngày 15/11, xe tăng Israel đã bao vây Al-Shifa. Hình ảnh vệ tinh cho thấy phần lớn phía bắc và phía nam của bệnh viện đã bị san phẳng trước cuộc đột kích. Một bác sĩ nói với CNN rằng IDF đã đưa ra cảnh báo 30 phút trước khi họ tràn vào khu phức hợp. Nhà báo người Palestine, Al Za'anoun, cho biết lực lượng Israel đã "xâm chiếm bệnh viện với số lượng lớn binh lính và phương tiện quân sự, bao gồm xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân và máy ủi", đồng thời nói thêm rằng họ đang ngăn cản bất kỳ ai rời đi.

IDF không trả lời yêu cầu bình luận của CNN về báo cáo này, nhưng nói rằng hoạt động của họ tại Al-Shifa có sự tham gia của quân đội tiến vào từ mặt đất “để giảm thiểu” sự can thiệp vào việc chăm sóc y tế và hạn chế gây hại cho bệnh nhân hoặc nhân viên y tế.

Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng Mỹ đã chứng thực thông tin độc lập cho thấy Hamas và các chiến binh Gaza khác đang sử dụng Bệnh viện Al-Shifa làm trung tâm chỉ huy, nhưng nói thêm rằng các thành viên Hamas phần lớn đã sơ tán vài ngày trước cuộc đột kích của IDF.

Vài ngày sau, binh lính Israel vẫn ở bên trong khu phức hợp để tiến hành khám xét và thẩm vấn, đồng thời các sĩ quan cho biết họ đã tìm thấy súng trường, đạn dược và các thiết bị quân sự khác bên trong. “Bây giờ họ đang ở trong bệnh viện, họ là quân đội, đứng trước mặt tôi khi tôi đang nói chuyện. Chúng tôi có thể thấy họ đang kiểm tra và lục soát khu vực này của bệnh viện”, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cấp cao tại Al-Shifa, Tiến sĩ Ahmed El Mokhallalati, cho biết và nói thêm rằng nhân viên đang bị thẩm vấn về Hamas.

Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Mohammed Abu Salmiya, đã bị giam giữ và sau đó bị bắt cùng với một số nhân viên y tế khác.

Ngày 19 tháng 11, IDF công bố đoạn phim cho thấy một đường hầm và lối vào cái mà họ gọi là “cơ sở ngầm”, nơi họ cho biết sẽ phá hủy. IDF cũng đưa phóng viên CNN và các tổ chức tin tức khác  xem hầm trong khuôn viên Al-Shifa. Nhưng bằng chứng không thể khẳng định chắc chắn rằng có một trung tâm chỉ huy bên dưới bệnh viện.

Đoạn phim cho thấy sau nhiều tuần sống trong tình trạng bị bao vây, những thường dân bị mắc kẹt bên trong Al-Shifa cuối cùng cũng bắt đầu rời đi, chạy trốn về phía nam Gaza. PRCS cho biết 31 trẻ sinh non đã được sơ tán thành công từ bệnh viện đến Ai Cập để điều trị y tế.

Volker Türk, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền, nói rằng các sự kiện tại Al-Shifa đã làm mất đi niềm tin và trong khi hàng trăm người đã chạy trốn khỏi bệnh viện, thì “không nơi nào an toàn ở Gaza”.

Ông Türk nói: “Các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế, bao gồm các nguyên tắc phân biệt, tính cân xứng và biện pháp phòng ngừa khi thực hiện các cuộc tấn công phải được tuân thủ nghiêm ngặt… Việc không tuân thủ các quy tắc này có thể cấu thành tội ác chiến tranh”.