Dân Việt

Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở TP.HCM giúp ấp đảo nghèo "thay áo"

Quang Sung 14/01/2024 17:03 GMT+7
Giai đoạn 2 mô hình du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng có thêm 8 hộ tham gia với các lĩnh vực về lưu trú, trải nghiệm bảo vệ môi trường; nâng tổng số hộ tham gia lên 24 hộ.

Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM phối đã phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và Du lịch tiến hành điều tra và khảo sát để xây dựng, hoàn thiện và phát triển điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2.

Cuối năm 2023, Sở Du lịch TP.HCM, UBND huyện Cần Giờ phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế du lịch đã chính thức ra mắt giai đoạn 2 mô hình du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng.

Mô hình du lịch cộng đồng duy nhất của TP.HCM có 24 hộ tham gia

Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở TP.HCM giúp ấp đảo nghèo "thay áo"- Ảnh 1.

Du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng là mô hình du lịch cộng đồng duy nhất của TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Thay vì giai đoạn 1 chỉ phát triển du lịch dựa vào những tài nguyên mà các hộ dân có sẵn, giai đoạn 2 có thêm nhiều hoạt động, trải nghiệm mang tính phổ biến, tiếp cận được nhiều du khách hơn. Trong đó đề cao vai trò của rừng và môi trường - một điểm mạnh của Cần Giờ.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: “Trong giai đoạn 2 chúng tôi mong muốn gia tăng sự trải nghiệm cho du khách và kéo dài thời gian lưu trú nên đã vận động bà con xây dựng thêm homestay Hoàng Tử Nhím, homestay view sông Ba Huyền, không gian hội tụ Út Ngọc... Đặc biệt mở rộng không gian du lịch cộng đồng đến khu vực núi Giồng Chùa, hộ giữ rừng Út Đẹp. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, chúng tôi đã nâng tổng số điểm đến từ 16 ở giai đoạn 1 lên thành 24 điểm đến”.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc HTX nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch Thiềng Liềng cho biết, du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở TP.HCM giúp ấp đảo nghèo "thay áo"- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc HTX nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch Thiềng Liềng đang chia sẻ về mô hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng. Ảnh: Quang Sung

Huyện Cần Giờ nói chung và xã đảo Thạnh An nói riêng đều có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa bản địa, tập tục và lối sống, ẩm thực phong phú của vùng miền... Đây là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng, từ đó góp phần cùng với huyện Cần Giờ phát triển toàn diện về du lịch.

Được biết, ngày 28/12/2022, mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 1 chính thức được công bố, được xem là sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa đầu tiên của TP.HCM. Ở giai đoạn này có 16 hộ tham gia, tất cả các sản phẩm du lịch đều do chính các hộ dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện.

Bà Bùi Thị Giạ - chủ hộ du lịch Mười Giạ (tổ 37, ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM) cho biết, mô hình du lịch cộng đồng của gia đình bà được triển khai từ đầu năm 2023 đến nay.

Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở TP.HCM giúp ấp đảo nghèo "thay áo"- Ảnh 4.

Du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng đã nhiều lần đón các đoàn khách quốc tế. Ảnh: Quang Sung

“Được chính quyền địa phương khuyến khích làm du lịch nên gia đình tôi tham gia với mô hình homestay và nước mát. Hiện tại, gia đình trồng được một vài cây siro, nên kinh doanh nước siro và các sản phẩm chế biến từ cây siro. Du khách đến đây có thể trải nghiệm tự làm nước từ trái siro tươi”, bà Giạ cho biết.

Gia đình bà Giạ đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng để xây một chòi mái lá, trang trí không gian để phục vụ du khách. Do những loại cây trái tại đây phụ thuộc vào thời tiết, nên mỗi mùa, gia đình bà Giạ sẽ phục vụ mỗi loại thức uống khác nhau.

Du lịch cộng đồng giúp ấp đảo thoát nghèo

Sau 1 năm thí điểm, điểm du lịch Thiềng Liềng đón khoảng 3.000 lượt khách, đem lại thu nhập cao so với nghề truyền thống của bà con ở đây là làm muối. Điểm du lịch Thiềng Liềng được bình chọn là 1 trong 100 điều thú vị của TP.HCM.

Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở TP.HCM giúp ấp đảo nghèo "thay áo"- Ảnh 5.

Dịch vụ ngâm chân bằng muối thảo dược làm từ muối biển Thiềng Liềng được du khách thích thú trải nghiệm. Ảnh: B.T

Bà Tuyết cho biết, về phía địa phương mô hình du lịch cộng đồng đã giúp cho hội viên nông dân và người dân đang làm dịch vụ du lịch cộng đồng có thêm phần thu nhập để trang trải cuộc sống. Các gia đình có điều kiện đưa con em đến trường, tránh tình trạng bỏ học. Mô hình cũng giúp cho địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, trên địa bàn ấp Thiềng Liềng không còn hộ nghèo và Thiềng Liềng trở thành ấp điển hình của huyện Cần Giờ.

Giai đoạn 2 du lịch Thiềng Liềng được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, trở thành điểm đến lý tưởng trong các dịp lễ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở TP.HCM giúp ấp đảo nghèo "thay áo"- Ảnh 6.

Du khách tham quan, tìm hiểu về quá trình làm muối thủ công tại Thiềng Liềng. Ảnh: B.T

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết điểm khó của du lịch Thiềng Liềng là ấp cách biệt với đất liền và du khách chỉ di chuyển bằng đường thủy. Hiện chưa có tuyến đò cố định hàng ngày, chỉ đón khách đoàn có tour đặt trước với hợp tác xã, còn khách lẻ thì chưa có.

"Huyện đang lên kế hoạch kêu gọi xã hội hóa xây dựng tuyến đò cố định hàng ngày, phục vụ đưa đón người dân và khách du lịch. Đồng thời, huyện đầu tư đường sá, tạo không gian tự nhiên như trồng cây xanh và hoa phục vụ đón khách", ông Xuân nói.

Ấp đảo Thiềng Liềng nằm cách trung tâm xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) khoảng 7km, là ấp đảo duy nhất của TP.HCM. Ấp Thiềng Liềng có khoảng 211 hộ với hơn 10.000 người, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối và đánh bắt thủy hải sản, nuôi hàu ở cửa sông.

Cả ấp đảo Thiềng Liềng chỉ có một đường độc đạo hình oval dài 4km uốn quanh ruộng muối, sông rạch và rừng ngập mặn. Đời sống người dân trên ấp những năm gần đây đã được cải thiện nhiều, nhờ vào các chương trình thúc đẩy phát triển của thành phố.