Cả làng nghề ở Cần Thơ làm thứ bánh phải qua lửa, hóng nắng, càng giáp Tết càng nhộn nhịp
Đến phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ vào thời điểm giáp Tết, không khí ở làng nghề sản xuất bánh tráng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đi đâu cũng bắt gặp những vỉ phơi bánh tráng được xếp thẳng hàng, chạy dài theo khắp con lộ, đường làng, ngõ xóm.
Được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2023, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng 200 năm tuổi tọa lạc tại quận Thốt Nốt, cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 40km. Đây là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là những du khách thích tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa khi đặt chân đến vùng đất Tây Đô. Ảnh: Thúy Vy
Trên cung đường quê, những vỉ phơi bánh tráng được xếp thẳng hàng, chạy dài theo khắp con lộ, đường làng, ngõ xóm hòa cùng tiếng cười nói rôm rả của các ông bà, các anh chị làm bánh tráng nơi đây. Người thì nhóm lửa, người khuấy bột, người phơi vỉ, không khí tưng bừng nhộn nhịp những ngày cận Tết. Ảnh: Thúy Vy
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng “đỏ lửa” suốt cả năm, nhưng trong không khí những ngày giáp Tết càng trở nên sôi động khi nhu cầu tiêu thụ hàng Tết tăng cao. Bất kể là làm máy hay thủ công, việc tráng bánh của các hộ dân cũng bắt đầu từ 2h sáng và chỉ kết thúc khi trời tắt nắng. Ảnh: Thúy Vy
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (35 tuổi, ngụ khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) là đời thứ 3 tiếp nối truyền thống nghề này. Năm 16 tuổi, chị đã bắt đầu tráng những chiếc bánh đầu tiên. Theo chị Tuyền, để làm ra chiếc bánh tráng đúng chuẩn hương vị miền Tây, nhìn đơn giản là thế, nhưng người làm bánh phải có sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ từng công đoạn. Ảnh: Thúy Vy
Theo chị Tuyền, bánh được tráng lên một tấm vải được cán trên một chiếc nồi, lửa tráng bánh chỉ được để liu riu, tráng đều tay thì bánh mới tròn, mỏng, đều và khi lấy bánh sẽ còn bị nát. Đợi tầm 20 - 25 giây cho bột chín rồi dùng ống trúc được bện vải bên ngoài, cẩn thận sắp trên vỉ đem đi phơi nắng khoảng 30 phút là đạt yêu cầu. Sau đó đưa vào nhà để gỡ ra, xếp vào túi cho khách. Ảnh: Thúy Vy
Sống bằng nghề tráng bánh nên lò bánh nhà bà Hà Thị Sáu (55 tuổi) ở khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt "đỏ lửa" quanh năm. Bà Sáu chia sẻ: "Bánh tráng Thuận Hưng chủ yếu sản xuất 3 loại bánh: bánh tráng ngọt ăn liền; bánh tráng lạt dùng làm món cuốn; bánh tráng dừa dùng để nướng giòn. Trung bình một lò bánh mỗi ngày cho ra lò khoảng 10.000 chiếc bánh". Ảnh: Thúy Vy
Bà Sáu cho biết thêm, năm nay do giá nguyên liệu tăng nên giá bán mỗi kg bánh tráng cũng tăng lên khoảng 1.000 đồng. Cụ thể, bánh tráng lạt dao động khoảng 65.000 - 70.000 đồng/70 chiếc; bánh tráng ngọt có giá 140.000 đồng/100 chiếc; bánh tráng dừa là 350.000 đồng/100 chiếc. Ảnh: Thúy Vy
Hai tháng cận Tết là đơn hàng nhiều nhất, ai cũng tập trung “tăng tốc” để kịp sản xuất bánh. Vì thế, lò bánh nhà bà Sáu đã đầu tư máy móc để tráng bằng máy để kịp giao cho khách. Bánh tráng bằng máy có độ dày vừa phải, bóng và bánh tròn đều đẹp, năng suất cũng tăng 3 - 4 lần nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Ảnh: Thúy Vy
Những ngày Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần, làng bánh tráng Thuận Hưng lại rộn ràng, hối hả để kịp sản xuất bánh, cung ứng cho thị trường. Bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm của ông bà truyền lại, con cháu nối nghiệp và phát huy. Cứ từ đời này sang đời khác, nghề bánh tráng làng Thuận Hưng đã tồn tại hơn 200 năm qua. Ảnh: Thúy Vy
Bánh tráng không biết từ khi nào đã trở thành một món ăn không thể thiếu của người dân xứ Tây Đô mỗi dịp Tết đến, xuân về. Dù bận rộn đến đâu, thực đơn ngày Tết cũng không thể thiếu những chiếc bánh tráng. Tuy không phải là món chính nhưng bánh tráng là một món ăn chơi bắt miệng, đôi lúc dùng để cuốn thịt, cá, ăn kèm trong một số món ăn. Ảnh: Thúy Vy