Ông Nguyễn Thái Hòa (thôn Tân Lập, xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) quyết định nuôi ốc bươu đen, vì đây là mô hình phù hợp với đồng đất của gia đình, vốn đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thái Hòa, nông dân thôn Tân Lập, xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định có thu nhập tốt hơn, từ 8 - 10 triệu đồng/tháng từ mô hình nuôi ốc bươu đen. Ảnh: Diệp Diệu.
Ông Hòa cho biết: "Trước đây gia đình tôi có 200m2 ao nằm trong trang trại 10.000m2 dùng để lấy nước tưới cho cây ăn trái, rau xanh và vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.
Trong ao, tôi có thả một ít cá trắm cỏ, rô phi để tận dụng chất thải của chăn nuôi nhưng hiệu quả mang lại không cao. Đầu năm 2020 sau khi tìm hiểu kỹ thuật, tôi quyết định chuyển sang thả nuôi thử ốc bươu đen".
Để thực hiện mô hình nuôi ốc đặc sản, ông Hòa chỉ bỏ ra 800.000 đồng để mua hơn 2kg giống ốc về nuôi. Ông được hướng dẫn chi tiết về cách ấp trứng, thời kỳ nở, cách chăm sóc ốc con, thời gian để chuyển ra ao nuôi.
Sau khi bắt tay vào nuôi và nhận thấy có hiệu quả nên ông Hòa mở rộng thêm diện tích nuôi ốc bươu. Đến nay, ông có 4 ao nuôi ốc bươu với diện tích hơn 800m2.
Với hình thức nuôi thả gối, nuôi 2 tầng, một tầng ốc lứa trước, một tầng ốc con nên hàng tháng ông Hòa thu hoạch hơn 100kg ốc thương phẩm, thương lái đến cân tại nhà với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Mỗi tháng, ông Hòa có thu nhập đều đặn từ 8 - 10 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm sau 3 năm nuôi ốc bươu đen thành công, ông Hòa cho biết: Loài ốc bươu đen tuy sống ở dưới bùn nhưng lại rất ưa sạch.
Vì vậy, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh. Thức ăn của ốc có sẵn trong tự nhiên như bèo tấm, lá cây, các phế phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả thả trên mặt nước nên không phải tốn tiền mua thức ăn, chỉ mất tiền giống ban đầu.
Nuôi ốc cũng không mất nhiều công chăm sóc. Mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn một lần khi thấy lượng thức ăn đã hết, không nên cho quá nhiều thức ăn bởi sẽ bị ô nhiễm nguồn nước, ốc sinh bệnh.
So với những loài vật nuôi dưới nước khác, ốc bươu đen dễ chăm sóc và cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Bà Võ Thị Lệ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân, huyện An Lão (tỉnh Bình Định) cho biết: Ông Nguyễn Thái Hòa là người đầu tiên của xã thực hiện thành công mô hình nuôi ốc bươu đen.
Nhận thấy đây là mô hình khá nhàn rỗi, không cần công lao động và vốn nhiều, thức ăn chủ yếu là các loại thức ăn có sẵn như bèo, các loại rau, củ tự nhiên...nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Thời gian tới Hội Nông dân sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.