Cũng là cà phê, nhưng cà phê của những nông dân này ở Gia Lai chế biến lạ lắm, giá bán cao vẫn hút hàng

Song Lộc Thứ hai, ngày 15/01/2024 18:50 PM (GMT+7)
Một số nông dân Gia Lai đã mày mò, sản xuất ra những hạt cà phê chất lượng cao. Điều này giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giá bán lại cao hơn so với ngoài thị trường.
Bình luận 0

Nâng cao chất lượng hạt cà phê

Cà phê được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với tổng diện tích gần 100.000 ngàn ha. Loại cây trồng này cũng chiếm diện tích lớn nhất của địa phương này.

Thông thường, cà phê sau khi thu hoạch thì người nông dân sẽ bán quả tươi hoặc phơi, sấy bằng lò rồi xay xát và bán sản phẩm cho các thương lái, doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá cà phê nhiều năm trở lại đây vô cùng bấp bênh cộng thêm việc các vật tư đầu vào tăng cao khiến thu nhập của bà con bị sụt giảm.

Cũng là cà phê, nhưng cà phê của những nông dân này ở Gia Lai chế biến lạ lắm, giá bán cao vẫn hút hàng- Ảnh 1.

Nông dân chọc lọc những quả cà phê chín để đem đi chế biến

Trước tình cảnh đó, để nâng cao giá trị hạt cà phê, bằng các phương pháp khác nhau, nhiều năm trở lại đây, một số nông dân đang chú trọng trồng, chăm sóc và chế biến cà phê theo hướng chất lượng cao.

Nhiều phương pháp đã được bà con áp dụng như chế biến tự nhiên (natural), chế biến ướt (washed/wet) và chế biến mật ong (honey).

Gia đình anh Vương Đình Đức (trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) có 5 ha cà phê cho thu hoạch với sản lượng 10 tấn tươi/ha. Chọn hướng đi theo phương pháp honey, anh Đức hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, vườn cây luôn được phủ bóng và thu hoạch quả chín từ 80% trở lên.

Sau khi lựa chọn được những quả cà phê chín đều, anh Đức làm sạch để loại bỏ các tập chất rồi đưa vào thiết bị để tách vỏ, chỉ giữ lại phần nhân hạt và lớp nhầy (đường).

Những hạt cà phê đã tách vỏ được đóng chặt vào bao nilon, để yểm khí cho lên men từ 3-7 ngày rồi mang ra phơi trên giàn cho đến khi đạt độ ẩm nhất định. Sau đó, anh Đức đem ra xay lấy nhân rồi bán cho các cơ sở rang xay cà phê trong miền nam.

"Để cho ra hạt cà phê chất lượng cao thì đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe như hạt cà phê phải chín, kiểm soát quá trình lên men và kiểm soát thời gian phơi. Trong quá trình lên men, người nông dân phải theo dõi theo sát để tránh lúc xay nhân không cóc mùi quá chua. 

Đặc biệt, lúc phơi ngoài trời, hạt cà phải được đảo thường xuyên để đạt được độ ẩm mong muốn, nếu chậm quá thì xay nhân hạt sẽ đen lại. 

Nhìn chung, để tạo ra được những hạt cà phê chất lượng cao rất kỳ công nhưng bù lại giá báo cao hơn so với ngoài thị trường. Trung bình mỗi năm tôi làm ra được 6 tấn cà phê nhân theo phương pháp honey, giá bán khoảng 100 ngàn đồng/kg", anh Đức chia sẻ.

Cũng là cà phê, nhưng cà phê của những nông dân này ở Gia Lai chế biến lạ lắm, giá bán cao vẫn hút hàng- Ảnh 3.

Cà phê sau khi được phân loại, làm sạch sẽ được phơi trong nhà màng để đảm bảo chất lượng, đạt được hương vị như ý

Trong khi đó, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (trú tại thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) lựa chọn thêm phương pháp chế biến cà phê theo phương pháp natural bên cạnh phương pháp honey.

Với phương pháp natural, chị Thảo chú trọng đến vụ việc thu hái cà phê đạt độ chín từ 90% trở lên và hái thành nhiều đợt. Quá trình canh tác, gia đình chị cũng chú trọng theo hướng hữu cơ, nói không với phân bón hóa học. Đồng thời, chỉ chủ động sử dụng các phương pháp tự nhiên để bảo vệ vườn cây khỏi sâu bệnh chứ không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

Toàn bộ trái cà phê chín sau khi thu hoạch đầu tiên được phân loại, làm sạch và sau đó được đặt lên giàn phơi dưới ánh mặt trời để vừa tận dụng được lượng dinh dưỡng ở ngoài vỏ, vừa giúp hạt cà phê trở nên đặc biệt hơn.

Cũng là cà phê, nhưng cà phê của những nông dân này ở Gia Lai chế biến lạ lắm, giá bán cao vẫn hút hàng- Ảnh 4.

Cà phê nhân được chế biến theo phương pháp honey có mức giá thu mua 100 ngàn đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 2 lần

Cà phê sau khi phơi khô nguyên quả sẽ được chị Thảo bảo quản trong túi nilong kín và được xát dập, bóc vỏ trong vòng 1 tháng. Đây cũng được xem là phương pháp lưu giữ lượng đường cao nhất có trong hạt cà phê để từ đó đem lại dòng sản phẩm có hương vị phong phú.

"Trung bình mỗi năm, tôi chế biến được khoảng 1 tấn cà phê bằng phương pháp natural với mức giá 120 ngàn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ của tôi chủ yếu ở TP.HCM, Đồng Nai…Chế biến cà phê theo phương pháp này dù mất nhiều thời gian hơn nhưng bù lại nâng cao được chất lượng của hạt cà phê, giá trị kinh tế cũng được nâng lên", chị Thảo nói.

Xây dựng thương hiệu cà phê

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, ngành nông nghiệp địa phương đã ban hành nhiều văn bản để khuyến cáo bà con như thu hái cà phê khi đạt đủ độ chín; sử dụng sân phơi tránh tiếp tục với mặt đất; sử dụng các vật tư đầu vào theo hướng hữu cơ để bón cho cây cà phê; chăm sóc cây cà phê theo đúng các tiêu chuẩn đã đạt chứng nhận quốc tế. 

Về cơ bản, hầu hết hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp đều đã chú trọng thu hoạch, bảo quản, sơ chế cà phê đúng kỹ thuật.

Cũng là cà phê, nhưng cà phê của những nông dân này ở Gia Lai chế biến lạ lắm, giá bán cao vẫn hút hàng- Ảnh 6.

Nhiều nông dân ở Gia Lai đã dần chú trọng hơn đến việc chế biến ra hạt cà phê chất lượng cao

Theo ông Có, tỉnh Gia Lai có khoảng 46.000 ha cà phê đạt các tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rainforest…Sản phẩm cà phê thuộc các tiêu chuẩn này luôn có giá bán cạnh tranh hơn rất nhiều so với cà phê thông thường.

"Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê đạt các chứng nhận để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản nhằm thâm nhập các thị trường có tiềm năng trong nước và hướng đến xuất khẩu", ông Có nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem