Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định truy thăng cấp bậc hàm từ đại úy lên trung tá đối với anh Trần Duy Hùng, Phó trưởng Công an phường Thủy Vân, TP Huế.
Trước đó, khoảng 18h ngày 12/1, đối tượng Nguyễn Tấn Sang (SN 1999), trú tại phường Thủy Vân có biểu hiện loạn thần và có hành vi gây rối, anh Trần Duy Hùng lập tức đến hiện trường để xử lý vụ việc.
Tại đây, khi phát hiện tổ công tác, đối tượng Sang chạy vào nhà. Tuy nhiên, ngay sau đó, Sang bất ngờ lao ra dùng dao tấn công tổ công tác.
Thấy Sang manh động, sử dụng hung khí nguy hiểm, anh Hùng dũng cảm lao vào khống chế Sang, không để đối tượng đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân trong khu phố.
Trong quá trình khống chế Sang, anh Hùng đã bị đối tượng dùng dao đâm liên tiếp vào vùng cổ. Sau đó, Sang tiếp tục lao vào tấn công những người khác trong tổ công tác.
Dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng anh Hùng hy sinh do vết thương quá nặng. Sau khi xảy ra vụ việc, đối tượng Nguyễn Tấn Sang đã bị cảnh sát bắt giữ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là sự việc rất đáng tiếc khi hậu quả khiến một cán bộ công an hy sinh.
Cán bộ công an hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn cho người dân nên trường hợp này được công nhận là liệt sĩ, thân nhân được hưởng chế độ liệt sĩ theo quy định về người có công.
Chính quyền địa phương và ngành công an sẽ giải quyết các chế độ chính sách đối với thân nhân của liệt sĩ, đồng thời có những giải pháp hỗ trợ về kinh tế, đời sống cho gia đình vượt qua đau thương mất mát.
Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính của người gây rối trật tự công cộng và sát hại cán bộ công an để làm rõ mức độ, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người này.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng có dấu hiệu tâm thần, có thể trưng cầu giám định tâm thần để xác định năng lực nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm.
Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy, đối tượng này mất hoàn toàn khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì không xử lý hình sự nhưng sẽ bắt buộc chữa bệnh.
Còn trường hợp kết quả giám định tâm thần mà xác định đối tượng còn có khả năng nhận thức nhưng chỉ bị hạn chế, sẽ vẫn xử lý hình sự về tội giết người với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết người thi hành công vụ.
Ngoài ra, gia đình cán bộ công an hy sinh cũng có quyền yêu cầu đối tượng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng gây ra. Trong trường hợp đối tượng có tài sản, có thể đề nghị cưỡng chế tài sản đó để bồi thường thiệt hại.