Các hộ dân cho biết, trồng tre Tứ Quý là mô hình “làm chơi, ăn thiệt” vì cây tre Tứ Quý không chỉ bán được măng tre mà lá, thân, cây giống đều có thể “hái ra tiền”.
Khởi phát từ 1 tổ hợp tác trồng tre Tứ Quý, với 3 thành viên, nay phường Tân Phú đã nhân rộng lên 3 tổ hợp tác, với 16 thành viên, tổng diện tích 27ha.
Là một trong những hộ dân trồng tre Tứ Quý sớm nhất, với cây tre Tứ Quý, hộ ông Nguyễn Văn Cua (phường Tân Phú, quận Cái Răng (Tp Cần Thơ) có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm từ cây trồng này.
Tre Tứ Quý có đặc tính dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, lại ít nhiễm bệnh nên đỡ tốn chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi bụi tre trồng cách nhau khoảng 2,5-3m, mùa nắng cách 2 ngày tưới nước 1 lần, bón phân 2 tháng/lần.
Từ lúc trồng đến cho vụ măng đầu tiên chỉ mất 8 tháng. Tre Tứ Quý cho măng quanh năm. Mỗi cây tre Tứ Quý cho thu hoạch từ 6-8 mầm măng, trọng lượng mỗi mầm măng từ 1,5kg trở lên.
Là một trong những hộ dân bén duyên sớm nhất với cây tre Tứ Quý, hộ ông Nguyễn Văn Cua có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm từ cây trồng này.
Theo Hội Nông dân phường Tân Phú, (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), Hội đang vận động các hộ dân trên địa bàn tiếp tục nhân rộng mô hình trồng tre Tứ Quý ở những vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả.
Đồng thời, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với Hội Nông dân quận, thành phố tăng cường kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành phía Bắc, kênh thương mại điện tử; đa dạng hóa sản phẩm (măng chua, hàng thủ công mỹ nghệ…) để gia tăng giá trị cho cây tre Tứ Quý.
Măng tre Tứ Quý có vỏ xanh, không có lông, thịt trắng, không có hậu đắng như các loại măng khác nên được thị trường ưa chuộng.
Ngoài bán măng tre, các hộ dân còn có thể bán lá tre dùng gói bánh; thân tre để làm nhà, hàng thủ công mỹ nghệ… và cây tre giống. Hiện măng tre có giá 30.000 đồng/kg, thân tre 20.000 đồng/cây, lá tre 6.000-10.000 đồng/kg và cây tre giống 25.000 đồng/cây.