Bưởi Bạch Đằng là tên gọi dùng chung cho 5 loại bưởi đặc sản của mảnh đất cù lao Bạch Đằng. Đó là bưởi đường da láng (hay còn gọi là bưởi đường núm), bưởi đường lá cam, bưởi ổi, bưởi thanh và bưởi da xanh. Trong đó, bưởi đường lá cam là giống bưởi được nông dân chọn trong nhiều nhất.
Vườn của lão nông Dương Văn Minh có khoảng 2.300m2 trồng bưởi đường lá cam. Ông Minh cho biết giống bưởi này chỉ nặng chừng 1-1,3kg mỗi trái.
Quả bưởi có lớp vỏ bóng, mỏng và xanh. Lá bưởi nhỏ, thanh mảnh, nhìn giống như là cái lá cam chứ không to, bầu như lá của các giống bưởi khác. Khi ăn, bưởi đường lá cam có vị ngọt thanh, hương đậm đà hơn so với những loại vơi khác.
Để bưởi có hương vị tốt nhất, ông Minh chăm bón bằng phân hữu cơ. Cùng với cách chăm sóc để cây bưởi cho trái luân phiên, vườn bưởi của ông Minh có trái quanh năm.
Nhiều năm về trước, những trái bưởi không đạt tiêu chuẩn, ông phải bán với giá rất rẻ. Sau khi tìm tòi nghiên cứu, ông Minh đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ ruột bưởi và vỏ trái bưởi. Đó là rượu bưởi, tinh dầu bưởi và mứt vỏ bưởi.
Việc chế biến sản phẩm xuất phát từ thực tế là trái bưởi trong vườn không bao giờ đồng đều nhau. Đa dạng hóa sản phẩm bằng cách chế biến là giải pháp để khai thác hết tài nguyên đang có ở trong vườn.
Hiện tại, ông Minh đang xây dựng cho mình một quy trình quảng bá sản phẩm bài bản. Hầu hết các hội chợ giới thiệu nông sản Bình Dương đều có mặt các sản phẩm làm từ trái bưởi đường lá cam của lão nông dân Dương Văn Minh.
Cách xây dựng thương hiệu cho trái bưởi và đa dạng hóa các sản phẩm của ông Minh cũng được nhiều nông dân khác trong vùng trồng bưởi Bạch Đằng áp dụng. Cách làm này vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.
Vườn bưởi của anh Võ Ngọc Tài ở xã Bạch Đằng có diện tích khoảng 2ha. Anh đang trồng cả 2 loại là bưởi đường lá cam và bưởi da xanh. Cả vườn bưởi được đầu tư theo hướng hữu cơ để cho chất lượng trái ngon và an toàn.
Với những trái bưởi không đạt chuẩn, thay vì loại bỏ, anh Tài mua máy về chiết xuất tinh dầu nguyên chất từ vỏ bưởi. Phần ruột bưởi thì anh ủ men vi sinh để làm phân, tưới ngược lại cho cây bưởi. Giá trị trị từ bưởi được tận dụng theo quy trình khép kín, mình không bỏ gì hết.
Với cách làm này, mỗi năm vườn bưởi của anh Tài cho thu hoạch từ 40-50 tấn trái. Sau khi trừ chi phí, anh thu lời 500 triệu đồng.
Cả cù lao Bạch Đằng có diện tích hơn 1.000ha, riêng diện tích trồng bưởi đã hơn phân nửa. Mùa bưởi rộ nhất là vào dịp Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên đán.
Bưởi Bạch Đằng là một trong những đối tượng điển hình cho việc triển khai và thụ hưởng lợi thế từ dự án Làng thông minh của tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Tấn Quốc - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Tân Uyên, cho biết xã Bạch Đằng đang triển khai các ứng dụng giao dịch trực tuyến, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước để người sản xuất tiếp cận.
Đồng thời những vườn bưởi của địa phương cũng được đầu tư để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Vườn bưởi của ông Dương Văn Minh và anh Võ Ngọc Tài được chọn làm điểm để phát triển du lịch sinh thái gắn với làng thông minh Bạch Đằng.
Cù lao Bạch Đằng đang mang lại một thiên đường bưởi bạt ngàn, trĩu cành với hương vị đậm đà, cây xanh trái ngọt quanh năm. Theo ông Quốc, thương hiệu bưởi Bạch Đằng cũng đang khẳng định vị thế riêng so với bưởi Tân Triều của Đồng Nai, bưởi da xanh của Bến Tre và bưởi Năm Roi của Vĩnh Long.