Đây sẽ là nơi đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, và là biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương.
Áo mới cù lao
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, xã Bạch Đằng tiếp tục kiên trì hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng 2, bắc qua sông Đồng Nai, nối liền xã Bạch Đằng của (TX.Tân Uyên) với xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).
Cầu Bạch Đằng 2 được khởi công sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông xã Bạch Đằng. Đồng thời cây cầu còn mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch sinh thái cho vùng chuyên canh bưởi đặc sản của tỉnh Bình Dương.
Lão nông Dương Văn Minh ở xã Bạch Đằng nhớ lại, chặng đường dây dựng nông thôn mới ở xã Bạch Đằng gắn liền với nhiều dấu mốc quan trọng. Năm 2010, xã Bạch Đằng được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới.
Cũng trong năm 2010, cầu Bạch Đằng đưa vào sử dụng, đã phá vỡ thế cô lập của xã cù lao bỡi sông Đồng Nai bao bọc.
"Việc xây dựng cầu Bạch Đằng thời điểm đó không chỉ tạo điều kiện cho việc đi lại mà còn là bước đệm đưa văn minh, hiện đại về với vùng nông thôn bị tách biệt", ông Dương cho biết.
Về thăm xã Bạch Đằng hôm nay, du khách sẽ dễ dàng nhận ra bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét. Đường xá được được mở rộng, thảm nhựa phẳng lỳ.
Các tuyến đường hẻm và đường nông thôn cũng thẳng tắp, 2 bên đường màu hoa rực rỡ. Các công trình phúc lợi cũng được nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Năm 2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2949, phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, giai đoạn 2020-2025.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, xã Bạch Đằng là một trong những xã nông thôn mới đầu tiên trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng làng thông minh.
Xã cù lao Bạch Đằng sẽ trở thành nơi đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, và biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương
"Không những thế, việc xây dựng thí điểm làng thông minh sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đưa thương hiệu đặc sản bưởi Bạch Đằng ngày càng vươn xa", ông Minh tin tưởng.
Làng thông minh
Chương trình xây dựng NTM đã đổi thay toàn diện diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Năm 2020, 49/49 xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM năm 2021 đạt 71 triệu đồng/ người/năm (cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 41,76 triệu đồng/năm).
Theo TS. Nguyễn Văn Điển - Học viện Chính trị Khu vực II, làng thông minh là nơi tập trung nhiều ứng dụng của cách mạng 4.0, và các sáng kiến về những vấn đề cấp thiết hiện nay cho cộng đồng nông thôn.
Các công nghệ sẽ phục vụ trực tiếp cho hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động nông thôn, cho đến các vấn đề y tế, giáo dục.., để có môi trường giàu đẹp, đáng sống.
Như thế, làng thông minh là nơi tiên phong chuyển đổi số, hướng đến phát triển nông nghiệp số và công dân số ở khu vực nông thôn. Đây cũng là nơi hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, bền vững.
Tại Hội thảo khoa học Tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ - Thành tựu và triển vọng, tổ chức ngày 19/4, TS. Điển đánh giá, Bình Dương là lá cờ đầu của cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Bình Dương cũng đi đầu trong xây dựng làng thông minh ở các xã nông thôn mới. Tuy nhiên, Bình Dương phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển khu vực nông thôn thông minh trong xây dựng nông thôn mới.
Nguyên nhân là hiện tượng di dân từ thành thị về nông thôn sau đại dịch Covid-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ do đại dịch Covid-19 sẽ làm gia tăng áp lực lên khu vực nông thôn.
Để đạt mục tiêu đó, TS. Điển đề nghị, Bình Dương cần đi đầu phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng cẩm nang Quy hoạch phát triển nông thôn thông minh trong thực hiện xây dựng NTM.
Bình Dương cần thí điểm xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông nghiệp số sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho nông thôn.
Làm chủ khoa học công nghệ chính là điểm mấu chốt giúp nông thôn tỉnh Bình Dương bứt phá và tiệm cận với tăng trưởng xanh.
"Vì thế, quá trình dịch chuyển từ tăng trưởng dựa trên tài nguyên sang tăng trưởng xanh đòi hỏi thay đổi cơ bản cách thức học tập, và tiếp cận thông tin kỹ thuật, thông tin thị trường cho nông dân", TS. Điển nói.
Nông dân chuyển mình cùng làng thông minh
Xã Bạch Đằng có diện tích chỉ hơn 1.090ha, được bao bọc bởi sông Đồng Nai hiền hòa. Đây là số ít những làng quê còn giữ được không gian yên bình, không có nhà máy sản xuất và nước thải công nghiệp.
Toàn xã Bạch Đằng có gần 500 hộ trồng bưởi với diện tích 400ha. 2 giống bưởi đặc sản truyền thống của địa phương được người dân giữ gìn và phát triển là bưởi đường lá cam và bưởi ổi.
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương, làng thông minh sẽ bao gồm các hợp phần về thiết chế thông minh, con người thông minh, chính quyền thông minh và nông nghiệp thông minh.
Với lợi thế chủ lực là vùng bưởi đặc sản, bưởi Bạch Đằng là một trong những đối tượng điển hình trong việc triển khai và thụ hưởng lợi thế từ kế hoạch làng thông minh.
Còn với lão nông Dương Văn Minh, người trồng bưởi cũng phải "thông minh" hơn để theo kịp thời đại thông minh.
Vườn bưởi đường lá cam của ông Minh rộng 2.300m2. Nhờ tiếp cận với sách báo và internet, ông hiểu ra rằng phải trồng bưởi sạch thì sản phẩm làm ra mới được người tiêu dùng tin tưởng.
Từ nhiều năm nay, ông chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ. Nhờ thế, vườn bưởi nhà ông mới có chỗ đứng trên thị trường.
Ông Minh còn đầu tư thêm cả trăm triệu đồng cho hệ thống chiết xuất tinh dầu từ vỏ bưởi, và làm rượu bưởi để đa dạng hóa sản phẩm.
Đồng thời, ông cho cải tạo lại toàn bộ lại cây trong vườn, làm đường nội bộ, nhà nghỉ chân để sẵn sàng phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn.
Ông Minh đánh giá: "Làng thông minh sẽ đưa xã Bạch Đằng trở thành điểm đến của sinh thái nhà vườn, từ đó nâng cao toàn diện đời sống cư dân ở đất cù lao".
Ông Đoàn Hồng Tươi - Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết, địa phương sẽ tiếp tục phát huy thành quả trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nâng cao, kiểu mẫu; nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng làng thông minh Bạch Đằng.
UBND thị xã chỉ đạo UBND xã Bạch Đằng tổ chức thực hiện Đề án Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, trong đó lồng ghép các nội dung thí điểm Làng thông minh.
Trong giai đoạn 2021-2023, TX Tân Uyên, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung đầu tư hạ tầng. Sang giai đoạn 2023-2025, địa phương sẽ gắn với phát triển chuyển đổi số.
"Hiện xã Bạch Đằng là xã nông thôn mới nâng cao. Theo kế hoạch phấn đấu, cuối 2025, Bạch Đằng sẽ đạt xã kiểu mẫu, trong đó có làng thông minh", ông Tươi chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.