Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Khắc Tiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu cho biết: Nhiều năm trở lại đây, tình trạng trâu, bò bị chết do rét buốt vào mùa đông đã không còn; nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương và người dân, đàn trâu, bò, dê trên địa bàn huyện Sìn Hồ được bảo đảm an toàn. Những ngày qua, hiện tượng giá rét vẫn duy trì tại vùng cao huyện Sìn Hồ, nhiệt độ phổ biến từ 4 đến 8ºC, có nơi xuất hiện sương giá.
Trước thực trạng trên, cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, thị trấn đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống rét đảm bảo an toàn cho đàn gia súc.
Đa phần các hộ có nhiều trâu, bò trong bản về mùa này thường di chuyển chúng về vùng thấp nơi có nhiệt độ ấm hơn để đảm bảo sức khỏe cho gia súc. Các hộ gia đình có ít thì đưa về nhà chăm sóc. Nếu trời tiếp tục rét sâu và kéo dài, các hộ gia đình nuôi trâu, bò tại nhà sẽ tính phương án đốt lửa sưởi ấm, nếu vẫn không ổn, có thể tổ chức đưa trâu xuống địa bàn vùng thấp tránh hết mùa rét.
Theo thống kê của UBND huyện Sìn Hồ đến thời điểm này trên địa bàn có tổng đàn gia súc hơn 78.000 con. Trong đó đàn trâu có 24.300 con, đàn bò gần 4.000 con…
Hiện tại mặc dù Sìn Hồ đang có rét đậm, rét hại, kéo dài trên diện rộng, tuy nhiên tình hình chăn nuôi của huyện vẫn cơ bản ổn định, nhờ chủ động triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc của chính quyền các cấp và người dân nên đến nay trên địa bàn huyện chưa có trường hợp gia súc bị thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Hiện chính quyền huyện đã đưa ra một số biện pháp chủ yếu để bảo vệ gia súc khỏi tác động của rét đậm rét hại như: triển khai tuyên truyền, khuyến cáo và hướng dẫn người dân dùng bạt quây chuồng trại bảo vệ gia súc khỏi gió lạnh và mưa rét, đặc biệt là vào những thời kỳ thời tiết khắc nghiệt. Sử dụng các phương tiện hỗ trợ như bếp lửa giữ ấm cho chuồng trại. Ngoài ra, trước mùa rét chúng tôi đã thực hiện chiến dịch tiêm phòng cho gia súc giúp tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc trước các bệnh lý liên quan đến thời tiết lạnh. Đồng thời khuyến khích người dân trồng thêm cỏ xanh để cung cấp thức ăn duy trì nguồn thức ăn tươi cho gia súc.
Mùa lạnh ở vùng cao huyện Sìn Hồ, Lai Châu thường rất khắc nghiệt, việc nuôi trâu, bò theo đàn về mùa này không thể chủ động được nguồn thức ăn lớn cho chúng. Trời lạnh bò không được ăn đủ để có sức kháng lạnh thì dễ bệnh, yếu, có thể bị chết, đặc biệt là bò con. Do đó các gia đình nuôi nhiều trâu, bò, buộc phải đưa về vùng thấp tìm bãi chăn thả, đồng thời phải trồng thêm cỏ voi để phục vụ cho đàn trâu, bò tránh rét vào mùa đông. Để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, ngay từ đầu mùa rét huyện Sìn Hồ đã có các văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan và chính quyền các xã tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống rét cho gia súc. Trong đó, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm, nếu địa phương nào lơ là sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và những cá nhân liên quan.
Theo Ông Tẩn A Khé, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ: Hầu hết các hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa... số lượng nhiều ở 6 bản vùng cao của xã Tả Phìn đã di chuyển gia súc về vùng thấp tránh rét. Những hộ gia đình có ít thì để lại chăm sóc tại xã. Tuy nhiên, giờ bà con đều nhận thức được trâu, bò, ngựa, dê… đều là tài sản có giá trị. Trước đây năm nào mùa rét, cán bộ xã cũng phải vất vả đến từng nhà vận động, tuyên truyền; giờ cứ vào đầu mùa rét là bà con chủ động đưa gia súc về vùng thấp tránh rét hoặc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét tại chỗ cho đàn gia súc.
Để bảo đảm cho đàn gia súc tránh dịch bệnh, có được sức đề kháng tốt chống chọi với cái rét, các xã chủ động phối hợp với cán bộ thú y huyện làm tốt công tác tiêm phòng thường xuyên. Khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân có đàn gia súc phát triển vùng thức ăn, hoàn thiện chuồng trại để có nơi tránh rét khi có những đợt rét đậm, rét hại và sương muối kéo dài. Trên cơ sở Công văn chỉ đạo về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản vụ đông xuân năm 2023-2024 của UBND Tỉnh. Huyện Sìn Hồ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống đói rét, dự trữ thức ăn cho vật nuôi... Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, bản, thị trấn cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là các bản nằm trên địa hình núi cao nơi dễ bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại, sương muối...
Chị Giàng Thị Mai, bản Ma Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ cho biết: Hiện gia đình tôi đang nuôi 3 con trâu. Trong mấy ngày trời rét, nhiệt độ giảm sâu, để bảo vệ gia súc của nhà, vợ chồng tôi đã đưa trâu từ lán nương về nhốt tại nhà để phòng, chống rét. Ngoài việc dùng bạt quây kín nơi nhốt trâu, vợ chồng tôi còn chủ động cắt cỏ và bổ sung thức ăn tinh bột để tăng sức đề kháng cho trâu. Do đây là tài sản lớn của gia đình nên vợ chồng tôi rất quan tâm đến khâu chăm sóc.
Hiện nay tại các xã vùng cao huyện Sìn Hồ, thời tiết mưa mù cả ngày, nhiệt độ giảm sâu, ban đêm tại một số xã có sương muối, mặc dù đã chủ động trước, song chính quyền các địa phương vẫn yêu cầu cán bộ phụ trách bản theo dõi sát sao, phối hợp cán bộ ở các khu dân cư nhắc nhở, hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi gia súc lớn chưa thực hiện việc đưa gia súc về vùng thấp tránh rét, nếu để ở vùng cao thì nhất thiết phải đảm bảo che chắn chuồng trại, lấy các quần áo cũ để khoác cho trâu, bò, ngựa con, đốt lửa sưởi ấm và quan trọng hơn là bảo đảm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn gia súc.