Thôn Tân Thọ là nơi nổi tiếng với nghề làm các loại bánh truyền thống như: bánh nổ, bánh tổ, bánh in, bánh tét, bánh ú. Đặc biệt, đây là địa phương duy nhất ở tỉnh Quảng Nam còn giữ nghề làm bánh nổ truyền thống. Từ đầu tháng 10 âm lịch, người dân làng Tân Thọ đã khẩn trương làm bánh nổ phục vụ thị trường dịp Tết.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề làm bánh nổ, bà Nguyễn Thị Phương (57 tuổi, chủ cơ sở bánh Phương Sơn) bộc bạch: "Làm bánh nổ rất cực nhọc, trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thiện sản phẩm nhưng giá thành lại thấp, người làm bánh chủ yếu lấy công làm lời.
Nguyên liệu làm bánh gồm có nếp, đường cát, gừng, muối. Nếp được phơi khô, loại bỏ những hạt lép để khi rang trên bếp củi, hạt nếp nở bung lớp vỏ trấu ra ngoài và chỉ còn lại những bỏng nếp thơm, giòn, trắng ngần.
Sau công đoạn rang nếp, hạt nổ phải được nhặt sạch vỏ trấu còn sót. Tiếp đến là khâu thắng đường, phải làm sao để đường sên với gừng không bị già lửa. Sau khi đường nguội sẽ trộn nổ vào, tiếp đó cho hỗn hợp này vào khuôn in thành hình vuông và đưa đi sấy bằng than cho khô đường".
Vẫn như mọi năm, gia đình bà Phương chuẩn bị gần 1 tấn nếp để làm bánh nổ. Cả nhà quây quần bên nhau làm bánh để kịp cung cấp cho các bạn hàng. Vì là bánh truyền thống nên khách hàng rất ưa chuộng, mua về thờ cúng ông bà tổ tiên ngày Tết cổ truyền.
Làm bánh nổ trong hơn 2 tháng, gia đình bà Phương có thêm nguồn thu nhập khoảng 30 triệu đồng để trang trải đời sống, nhờ đó cuộc sống ngày càng khấm khá hơn trước.
Dậy từ 2 giờ sáng, gia đình bà Thu (hiệu bánh Năm Thu) cũng đang tất bật làm bánh nổ cổ truyền.
Bà Thu cho hay, để làm ra những chiếc bánh nổ thơm ngon thì khâu chọn nếp rất quan trọng. Bà chọn loại nếp cũ từ vụ mùa trước để cho ra những chiếc bánh nổ ngon hơn, đậm đà hơn. Nếp được phơi khô từ tháng 3, đến ngày gần làm bánh thì mới đem ra phơi khô một lần nữa. Nếp càng khô thì khi rang sẽ nổ càng to và bung rất đẹp.
Bà Thu tâm sự: "Làm bánh nổ rất nhiều công đoạn công phu, vợ chồng tôi phải dậy từ 2 giờ sáng, làm quần quật đến chiều tối, lúc cao điểm thì thuê thêm 1 người phụ. Tuy làm bánh nổ vất vả, nhưng cũng phù hợp với công việc đồng áng nhàn rỗi và đem lại nguồn thu nhập khá giúp tôi trang trải kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học tử tế".
Do tình hình kinh tế chung nhiều khó khăn, nên cơ sở của bà Thu chỉ làm theo đơn hàng đặt trước, không dám sản xuất nhiều như những năm trước. Dù giá nguyên liệu từ nếp đến đường, gừng, than đốt đều tăng hơn so với mọi năm, nhưng các hộ làm bánh nổ vẫn không thay đổi giá bán.
"Năm nay kinh tế khó khăn, nếu tăng giá bánh thì đầu ra gặp khó, từ khách sỉ đến tay người tiêu dùng giá bánh sẽ tăng thêm. Vì thế tôi vẫn giữ giá bán như mọi năm, chủ yếu lấy công làm lời. Và hơn hết, tôi mong rằng những người con xứ Quảng ở bất cứ nơi đâu cũng có thể mua được bánh nổ cổ truyền để dâng lên bàn thờ ông bà ngày Tết", ông Thái Công Sơn (62 tuổi) chia sẻ.
Dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và giữ gìn nghề làm bánh truyền thống, nhưng người dân làng Tân Thọ vẫn miệt mài bên bếp lửa ngày cuối năm, hi vọng sẽ có thêm nguồn thu nhập khá để đón Tết sung túc hơn.