Làng cổ làm gốm 500 tuổi ở Quảng Nam đỏ lửa xuyên đêm, dân vọc đất nặn linh vật bán dịp Tết
Làng cổ làm gốm 500 tuổi ở Quảng Nam đỏ lửa xuyên đêm, dân vọc đất nặn linh vật bán dịp Tết 2024
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ ba, ngày 16/01/2024 05:36 AM (GMT+7)
Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cơ sở sản xuất tại làng gốm Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) tất bật đỏ lửa lò nung để làm gốm.
Thời tiết nắng ấm lên cũng là lúc người dân làng gốm truyền thống Thanh Hà tất bật với các công đoạn sản xuất để phục vụ người dân trong sinh hoạt, trang trí nhà cửa dịp Tết Nguyên đán. Các cơ sở sản xuất gốm chủ yếu làm tò he (con thổi), linh vật rồng, nồi, niêu đất, đồ trang trí để cung ứng ra thị trường.
Từ sân vào đến góc nhà, nơi đâu cũng có những món đồ muôn hình muôn vẻ, ông Nguyễn Văn Xê (66 tuổi) chia sẻ: "Người làng Thanh Hà sản xuất đa dạng các mặt hàng, nhưng cứ dịp Tết đến Xuân về thì chủ yếu làm tò he 12 con giáp, nồi, niêu đất, bùng binh. Năm nay là năm con rồng, nên tôi cũng sáng tạo nhiều sản phẩm có hình rồng, tò he con rồng cũng được du khách thích thú và bán chạy hơn.
Dịp cận Tết mọi năm, vợ chồng tôi cũng tất bật nhồi đất, in khuôn để làm tượng Táo quân. Nhưng quá trình làm ra một bức tượng Táo quân mất nhiều công đoạn và rất công phu, tỉ mỉ, giá thành thấp không có lời nên hiện nay tôi không làm nữa".
Trung bình mỗi ngày, ông Xê nặn được 100 con tò he, đa dạng hình thù 12 con giáp. Có những con vật ít chi tiết được ông nặn nhanh hơn, nhưng đổi lại có những con đòi hỏi người nặn phải cầu kỳ tạo kiểu dáng thì mới giống thật, tinh xảo và hút khách.
Là một nghệ nhân thâm niên trong nghề làm gốm ở Thanh Hà, ông Xê tạo ra nhiều sản phẩm gốm không chỉ đơn thuần sử dụng trong đời sống, mà còn mang lại giá trị nghệ thuật sống động.
Chỉ tay về bộ sản phẩm lư hương và chân đèn gốm kết hợp tứ linh, ông Xê tâm sự: "Đối với các nước phương Đông, con rồng là kiệt tác sáng tạo nghệ thuật có lịch sử lâu đời. Trên thực tế, rồng chỉ là sản phẩm của nghệ thuật, vì nó không tồn tại trong tự nhiên mà là sự sáng tạo nghệ thuật siêu tự nhiên. Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối, đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng".
Cũng trong dịp này, nhiều thợ trẻ được địa phương đặt hàng làm các tượng linh vật rồng để trưng bày dịp Tết Nguyên đán 2024.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (40 tuổi) cho biết, anh mất khoảng 20 ngày để hoàn thiện 2 linh vật hình rồng. Hiện anh đã xong khâu tạo hình cho 2 tượng rồng có chiều dài 90cm, cao 55cm. Sau khi đem phơi nắng và nung hoàn thiện thì 2 linh vật rồng này sẽ được trưng bày ở đầu làng gốm Thanh Hà, để người dân và du khách có thể đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
"Phần đầu của con rồng là công đoạn khó làm nhất, bởi vì nó tập trung nhiều chi tiết tạo nên cái "hồn" của linh vật, từ mắt, mũi, râu, miệng, sừng... đều phải sắc nét, tinh xảo, toát lên được vẻ đẹp hình tượng thiêng liêng, cao quý, đầy vẻ uy quyền.
Thêm vào đó, việc đắp tạo phôi cũng rất quan trọng, yêu cầu người thợ phải cẩn thận, không vội vàng, có như thế mới tạo dựng được phôi tượng chắc chắn, để đảm bảo an toàn trong quá trình nung và sản phẩm dùng được lâu", anh Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh làm tượng linh vật rồng, anh Hoàng và các thành viên trong gia đình còn tăng năng suất nặn tò he 12 con giáp dịp cận Tết, ước tính sản lượng đạt 6.000 con, cho thu nhập khoảng 18 triệu đồng.
Cũng nặn tò he như anh Hoàng, nhưng chị Lưu Hương Thảo (36 tuổi) lại chọn hướng đi mới là khoác lớp áo tráng men cho tò he gốm truyền thống. Chị Thảo chia sẻ: "Sản phẩm tò he giữ nguyên màu gốm đỏ sau nung đã quá quen thuộc với du khách, vì vậy tôi chọn tô vẽ chi tiết và tráng men cho tò he để sản phẩm sinh động, mới mẻ và phù hợp với thị hiếu mới của khách hàng.
Hiện nay, bộ sản phẩm tò he tráng men 12 con giáp bán rất chạy, đặc biệt là tò he hình con rồng rất được khách hàng yêu thích. Để kịp các đơn hàng dịp Tết, tôi đang tăng cường sản xuất, hi vọng thời tiết cận Tết sẽ thuận lợi, nhiều nắng để công đoạn sản xuất không bị gián đoạn".
Khéo léo chuốt gốm tạo hình chiếc bùng binh, bà Nguyễn Thị Thủy vui vẻ nói: "Dịp cận Tết khách du lịch đến tham quan làng nghề nhiều hơn, tôi vừa làm gốm vừa trình diễn cho mọi người xem.
Sau khi tạo hình sản phẩm cân đối, mượt mà, tôi mang ra phơi 2 ngày nắng thì đưa vào lò nung. Vài ngày sau được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành, với giá bán từ 5.000-30.000 đồng/cái (tùy cỡ). Đặc biệt là các sản phẩm nồi, niêu đất vào dịp cuối năm bán chạy hơn, nên tôi cũng có thêm nguồn thu nhập để đón Tết".
Làng gốm Thanh Hà hiện có trên 30 cơ sở sản xuất gốm thủ công với 3 dòng gốm: sản phẩm lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm truyền thống, giữ đặc điểm chung là gốm thô mộc có màu đất nung tự nhiên. Sự hồi sinh của du lịch sau dịch bệnh đã tiếp thêm động lực để những nghệ nhân nơi đây gìn giữ, phát huy nghề gốm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.