Nhiều nhà vườn trồng hoa lan Tết cho biết, trong năm, tiêu thụ hoa lan mạnh nhất là vào dịp lễ, tết, thế nhưng Tết Giáp Thìn 2024 này, lượng hoa lan bán ra chỉ 30 – 40% so với mọi năm. Chủ vườn trồng hoa lan Tết đang đứng trước cảnh cầm vàng lại để vàng rơi, thay vì bội thu.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, chủ vườn trồng hoa lan tại xã An Nhứt (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đang rầu rúi ruột. Thời điểm này vào Tết năm ngoái, ông đã bán được 50% lượng giò lan trong vườn, nhưng năm nay mới bán được 20%.
"Khách hàng rất ít, không được nhiều như mọi năm. 20% lượng giò lan vừa bán chủ yếu là khách lẻ, không có khách lớn đặt hàng như Tết năm rồi", ông Thanh ngao ngán.
Để cứu vớt vườn trồng hoa lan Tết tránh thua lỗ nặng ông Thanh đã cho hạ giá hoa lan. Ví như mọi năm giá hoa lan là 150.000/giỏ thì năm nay chỉ còn 120.000 đồng/giỏ. Thế nhưng, thương lái mua hoa lan vẫn bặt vô âm tính.
Theo ông Thanh, hiện không chỉ riêng ông, nhiều nhà vườn trồng hoa lan Tết trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng trong tình cảnh cầm vàng lại để vàng rơi do người dân thắt chặt chi tiêu khi thu nhập giảm sút.
"Đã dự đoán được làm ăn vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 rất khó khăn, nên nhiều nhà vườn trồng hoa lan đã hạn chế số lượng làm lan Tết, thậm chí đưa ra giá hoa lan thấp hơn so với mọi năm, nhưng tình hình mua bán vẫn không sáng sủa", ông Thanh thổ lộ.
Ông Cao Quốc Nhân, chủ vườn trồng hoa lan (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, Tết năm nay ông cung ứng ra thị trường chủ yếu hoa lan hồ điệp với mức giá hoa lan bằng 50% so với Tết năm ngoái.
"Nhưng đến thời điểm này cho thấy sức tiêu thụ hoa lan tại vườn giảm bằng 50% so với năm ngoái. Nhìn chung năm nay tiêu thụ hoa lan rất khó khăn", ông Nhân nhận định.
Cùng chung số phận với dòng hoa lan thị trường, nhiều nhà vườn trồng hoa lan rừng, dòng hoa lan cao cấp của giới chơi lan, cũng khá thất vọng với thị trường hoa Tết Giáp Thìn 2024.
Chị Nguyễn Hà Y Chiêu, chủ vườn trồng hoa lan rừng ở xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, dự đoán tình hình tiêu thụ hoa lan dịp Tết Giáp Thìn 2024 khó khăn, chị chỉ làm 120 chậu hoa lan rừng, như giả hạc, hạc vĩ, chớp mỹ cho mối lái quen. Đồng thời, chị giảm giá giò lan xuống một nửa cho khách hàng.
"Tết Nguyên đán năm nay khách hàng than lắm. Tôi làm chủ yếu để giữ mối lái quen thôi. Đồng thời, tôi cũng giảm mạnh giá hoa lan. Nếu như Tết mọi năm trước giá một giò lan rừng 100.000 - 600.000 đồng, thì Tết Giáp Thìn 2024 này chỉ còn 50.000 – 120.000 đồng/giò (bụi)", chị Chiêu chia sẻ.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện trên địa bàn có khoảng 100 hộ trồng hoa lan. Trước tình cảnh các hộ trồng hoa phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn khó khăn đầu ra, rơi vào cảnh thua lỗ, UBND huyện Châu Đức đã ban hành văn bản số 27 vận động cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương, doanh nghiệp… mua hoa Tết ủng hộ các làng trồng hoa Tết trên địa bàn huyện.
UBND huyện Châu Đức giao UBND xã Láng Lớn, Bình Trung làm đầu mối hỗ trợ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp liên hệ với 2 làng hoa nêu trên khi có nhu cầu đặt hàng.
UBND huyện Châu Đức cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân mua hoa tết tại địa phương, chung tay chia sẻ khó khăn, đẩy mạnh tinh thần trách nhiệm cộng đồng, đồng hành cùng các hộ trồng hoa của địa phương.
Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, Hội Nông dân huyện đã có văn bản gửi các cơ sở, vận động người dân mua nông sản Tết hỗ trợ bà con nông dân trồng hoa.
Được biết, phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024, nông dân huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) sản xuất 150.000 chậu hoa Tết, trong đó có hoa lan.
Trong khi đó, tại TP.HCM, Sở Du lịch TP và quận 8 sẽ thí điểm mua hoa Tết bán không hết của tiểu thương tại bến Bình Đông để tránh cảnh đập hoa và chia sẻ khó khăn với người bán.
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Lê Trương Hiền Hòa cho biết, hoa được thu mua sẽ dùng trang trí đường hoa xuân nghĩa tình ở bến Bình Đông, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.