Long An là địa phương nằm ở cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh, có một vị trí chiến lược quan trọng, ảnh hưởng nhiều mặt về đời sống, kinh tế, văn hóa… của cư dân nơi đây.
Trong quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ cư dân đã để lại nhiều di sản văn hóa giá trị, với nhiều địa điểm di tích lịch sử nổi bật của nền văn hóa Óc Eo, nền văn hóa cổ, nổi tiếng lâu đời ở Nam Bộ.
Những di chỉ khảo cổ phát lộ vô vàn minh chứng cho những trầm tích lịch sử của hơn ngàn năm trước, đây là thành quả, là kết tinh truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, tạo nên những dấu ấn thiêng liêng không thể phai mờ trên xứ sở này.
Cụm di tích Bình Tả huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An thuộc nền văn hóa truyền thống Óc Eo – Phù Nam có niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.
Long An, hiện có 121 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 99 di tích lịch sử cấp tỉnh.
Các di tích của Long An khá tiêu biểu trên lĩnh vực khảo cổ, di tích nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng, như: Di tích khảo cổ học Gò Chùa (Kiến Tường), di tích khảo cổ học Bình Tả và An Sơn (Đức Hòa), di tích khảo cổ Gò Ba Cảnh (Tân Hưng), di tích Nhà Trăm Cột, Đồn Rạch Cát, Ngã tư Rạch Kiến (Cần Đước), Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo ( Tân Trụ), Di tích lịch sử Bình Thành ( Đức Huệ), Di tích Gò Bắc Chiêng ( Mộc Hóa),…
Du khách đến tham quan bảo tàng tỉnh Long An, nơi trưng bày các hiện vật cổ, cổ vật qua các thời kỳ văn hóa, lịch sử...
Các di tích lịch sử, di tích khảo cổ của tỉnh Long An đa dạng và phong phú, là kho tàng di sản văn hóa có giá trị, mang đặc trưng riêng, tạo được nhiều hứng thú cho du khách đến tham gia, tìm hiểu về quá khứ vàng son tồn tại trên mảnh đất Long An anh hùng, có cơ hội được tìm về cội nguồn, hiểu các giá trị lịch sử truyền thống, văn hóa,….
Một vùng đất mang trong mình khá nhiều tiềm năng, giá trị to lớn về lịch sử và khoa học di sản cổ, chính là những nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà.
Các di tích khảo cổ học ở Long An với việc phát lộ nhiều hiện vật cổ, cổ vật có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, nhất là là di tích khảo cổ học và phát triển du lịch, đòi hòi cần có những bước đi đúng đắn, định hướng chiến lược thiết thực và hiệu quả, có như vậy mới phát huy được giá trị, đánh thức tiềm năng lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương.
Đặc biệt, trong thời kì hội nhập và phát triển, các di tích khảo cổ này chính là những di sản văn hóa giá trị, hứa hẹn là nguồn tài nguyên du lịch đặc thù, nhằm đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.