Sau khởi công đường Vành đai 3, đến nay Bình Dương đã hoàn tất quy trình công bố chủ trương đầu tư, lấy ý kiến người dân tại các địa bàn mà Vành đai 4 đi qua để giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án trong năm 2024.
Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn (giai đoạn 1) dài 47,8 km. Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Dự án được chia làm 2 dự án thành phần, gồm giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp, với tổng mức đầu tư 18.247 tỷ đồng, thời gian hiện từ năm 2023 đến năm 2026.
Đối với Dự án thành phần 1 về giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư dự án, và phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng đoạn Thủ Biên – Đất Cuốc.
Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh (gọi tắt Ban giao thông) đang triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa.
Tổng Công ty Becamex IDC đang lập hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng trên phạm vi xây dựng của dự án thành phần 2, chuẩn bị trình Sở Giao thông vận tải để tổ chức thẩm định.
Dự án thành phần 2 về xây lắp, Tổng Công ty Becamex IDC đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu kỹ thuật. Hiện Hội đồng thẩm định đang chuyển lấy ý kiến các thành viên hội đồng.
Đối với đoạn Thủ Biên – Đất Cuốc, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng. Ban Giao thông cũng đã trình thẩm định điều chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu kỹ thuật dự án này.
Sở Giao thông vận tải cho biết, công tác thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở sẽ hoàn thành ngày 30/1. "Theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sẽ thực hiện khởi công đường Vành đai 4 trong dịp 30/4. Dự án sẽ hoàn thành ngày 30/12/2026", ông Minh cho biết.
Đường Vành đai 4 đi qua địa bàn 12 trên 12 phường xã của tỉnh Bình Dương. Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động nhân dân trên địa bàn dự án đi qua. Người dân bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4.
Theo báo cáo ĐTM, dự án chiếm dụng hơn 2 triệu m2 đất; trong đó đất ở đô thị 104.000m2; đất trồng cây lâu năm trên 1,8 triệu m2 và đất sản xuất kinh doanh 53.290m2.
TX.Bến Cát là địa phương đầu tiên được công bố quy hoạch. Riêng xã An Tây, xã An Điền có 460 hộ dân bị ảnh hưởng với chiều dài 8,3 km.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, ở xã An Điền (TX.Bến Cát), khi thực hiện đường Vành đai 4, người dân mong chính quyền thực hiện các công đoạn như đo đạc, uốn nắn tuyến phải đảm bảo sự đồng thuận của mọi người.
Ngụ cùng xã An Điền, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, khi nhà nước chủ trương mở rộng đường, người dân cũng có điều kiện hưởng lợi.
Người dân mong muốn chính quyền tỉnh sớm cắm mốc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, đồng thời quan tâm đến đời sống các hộ dân bị ảnh hưởng.
"Giá đền bù giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng để người dân có khoản đầu tư mới, hoặc có vị trí định cư mới sớm ổn định cuộc sống" bà Thanh đề nghị.
Ông Võ Ngọc Sang - Phó Giám đốc Ban Giao thông cho biết, đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm kết nối vùng. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác chuẩn bị, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo có mặt bằng để thi công theo kế hoạch đề ra.
Khi hoàn thành, tuyến Vành đai 4 sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Bình Dương đến sân bay quốc tế Long Thành và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tăng cường trao đổi, liên kết hàng hóa giữa các vùng. Đây là một trong những trục giao thông đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế vùng và kinh tế Bình Dương phát triển trong tương lai.