Sáng nay (31/1), theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình ở nhiều tỉnh thành dưới 10 độ C. Đây là mức theo thông báo của các Sở GDĐT để nhà trường, phụ huynh chủ động cho học sinh nghỉ học ở nhà. "Bao giờ miền Bắc hết rét đậm rét hại?" đang là câu hỏi của nhiều phụ huynh.
Theo bản tin dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vào lúc 6h sáng nay, một số tỉnh thành dưới 10 độ C như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Ninh Bình...
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, đại diện Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo đợt rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/1; ở khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh có khả năng kéo dài đến hết ngày 24/1. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 7-10 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-11 độ. Đây có thể là đợt rét kỷ lục từ đầu mùa đông đến nay.
Đồng thời, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đưa ra dự báo chi tiết nhiệt độ thấp nhất và nhiệt độ trung bình của từng khu vực để nhà trường và phụ huynh lưu ý để chủ động trong việc nghỉ học/đi học và giữ ấm cho học sinh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định 10 ngày tới, các đợt không khí lạnh mạnh sẽ liên tiếp tăng cường nên nền nhiệt miền Bắc và Bắc Trung Bộ duy trì thấp.
Cũng đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các trường và phụ huynh học sinh có thể tham khảo nhiệt độ dự báo và nhiệt độ thời gian sáng sớm trên website của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Những ngày xảy ra rét đậm, rét hại Trung tâm sẽ cập nhật nhiệt độ sáng sớm vào lúc 6-6h15.
Trường Mẫu Giáo Số 7, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo và triển khai phương án phòng chống rét đậm nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Cụ thể, đôn đốc kiểm tra các điều kiện về phòng chống rét cho trẻ; Che chắn kịp thời các vị trí có gió lùa; Rèm bạt che gió lùa cuối hành lang.
Tại 100% các lớp tại trường đã được trang bị điều hòa hai chiều, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Các lớp có đủ bình nước nóng lạnh để rửa tay, cây nước ấm để uống. Tủ hấp sấy khăn. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp cho việc chăm sóc trẻ đảm bảo sức khỏe trong mùa rét.
Trường cũng chỉ đạo giáo viên không cho trẻ ra chơi ngoài trời. Linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động trong ngày. Đảm bảo cho trẻ hoạt động trong môi trường ấm áp, ăn ấm, uống ấm, rửa tay nước ấm, lau mặt bằng khăn ấm (sau khi hấp khăn xong); Trẻ học tập, vui chơi ấm áp tại lớp; Bên cạnh đó các cô còn dạy trẻ các kỹ năng giữ ấm cơ thể như mặc ấm, đi tất giữ ấm đôi chân.
Đối với phụ huynh, nhà trường cũng tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về việc phối hợp chăm sóc trẻ trong những ngày rét đậm; Mặc ấm khi cho trẻ đến trường; Thường xuyên xem thông báo để nắm bắt lịch học của con có thể thay đổi theo diễn biến của thời tiết; Cùng phối hợp thực hiện công văn chỉ đạo của Sở GDĐT Hà Nội trong công tác phòng chống rét và phòng chống dịch bệnh cho trẻ.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, để ứng phó với thời tiết trở rét đơn vị cũng đã yêu cầu các nhà trường sẵn sàng các điều kiện về nước ấm, khăn ấm, thức ăn ấm nóng cũng như kiểm tra lại các lớp học đảm bảo kín gió.
Trường học thông báo cho phụ huynh chủ động cho con nghỉ học khi thời tiết dưới 10 độ đối với mầm non, tiểu học. "Tuy nhiên, tại Hà Nội nhiều gia đình không có điều kiện trông con nên dù dưới 10 độ, các trường học cũng được chỉ đạo luôn mở cửa đón học sinh tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đi làm. Sau đó, tùy số lượng học sinh nghỉ học nhiều hay ít để có kế hoạch dạy bù kiến thức cho các em. Những em vì lý do thời tiết đi học muộn trong những ngày này, trường học đều linh hoạt đón vào lớp", bà Hằng cho hay.
Về việc điều chỉnh thời gian học khi trời trở rét, bà Hằng nói rằng, hiện nay trường học các cấp chủ động quyết định thời gian vào học, thời gian tan trường. Tuy nhiên, tại địa bàn, đa số trường THCS đang vào lớp trong khoảng thời gian từ 7h15 - 7h30; bậc tiểu học từ 7h45 - 8h và bậc mầm non đón trẻ từ 7h - 8h30.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đưa bản tin về xu thế khí hậu từ tháng 1 đến tháng 12/2024, trong đó thông tin: Năm 2024, không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại (từ tháng 1 đến tháng 3/2024) ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, có thể xuất hiện đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ. Hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa 3 tháng đầu năm 2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm.
Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong các đợt gió mùa Đông Bắc tràn xuống nước ta. Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đề phòng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong các tháng chuyển mùa...