Ba ngày nay, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại. Tại Hà Nội có lúc nhiệt độ giảm sâu xuống 7 độ C khiến nhiều người co ro khi bước ra đường.
Gần nửa đêm, từng cơn gió lạnh buốt cứ thế thốc từng hồi, len lỏi qua khe cửa vào khu xóm trọ của những người chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Để chống lại cái rét như cắt da, cắt thịt, người xóm chạy thận tìm đủ mọi cách. Họ nhặt nhạnh những tấm bạt cũ, bìa các-tông, vài chiếc ô đã hỏng về nhà, rồi chằng buộc, vá víu, che chắn cho gió khỏi lùa theo tinh thần "được chỗ nào hay chỗ đó". Thế nhưng lạnh vẫn hoàn lạnh, một phần bởi những căn phòng trọ trống trải, xập xệ và đã xuống cấp quá nhiều.
Cởi bỏ chiếc áo mưa treo phía trước cửa nhà, bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, quê Thái Bình) lóng cóng mở khoá. Bàn tay khô gầy, nổi những u cục to do chạy thận lâu năm tấy đỏ lên vì lạnh.
19 năm gắn liền với xóm chạy thận, bà Mai cho biết, đã rất lâu rồi mới chứng kiến một đợt lạnh sâu đến thế này. Ngoài những ngày phải nghỉ ngơi sau khi chạy thận thì bà Mai tranh thủ mang nước ra bán nước trong Bệnh viện Bạch Mai để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, mấy ngày nay trời lạnh buốt, cơ thể vốn ốm yếu, mệt mỏi như bà Mai càng trở nên nặng nề hơn. Vì vậy bà đành ở trong nhà để giữ ấm cơ thể trong ngày lạnh giá này.
Bà Mai hiện đang sinh sống cùng cháu trai mới học lớp 8 trong căn nhà trọ chừng 10m2. Trước khi có bệnh, bà làm nông không có lương thưởng nên hầu hết chi phí đều phụ thuộc vào người con trai đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
Khoản chạy chữa trong bệnh viện được bảo hiểm chi trả, nhưng bà vẫn phải lo tiền thuê trọ hơn 1 triệu đồng/tháng, tiền học cho cháu và tiền ăn uống cùng nhiều chi phí phát sinh khác.
"Nghỉ ngày nào là khó khăn ngày ấy nhưng lạnh thế này tôi cũng đành phải chấp nhận. Gặp đợt rét đậm, rét hại với những người bình thường còn thường xuyên đau ốm. Với những người chạy thận như chúng tôi càng cảm thấy yếu hơn. Tay chân cứng đờ, khô khốc và nứt nẻ", vừa nói bà ngồi im trong nhà, chân tay run cầm cập.
Ngay bên cạnh, chị Vũ Thị Thu (35 tuổi) cũng vừa đi chạy thận từ Bệnh viện Bưu Điện trở về. Ngồi rửa bát, mặt chị đỏ lựng khi vừa vì mới truyền nước, vừa vì lạnh.
Chị Thu đã có tới 15 năm chạy thận. Chị trải lòng, trời giá rét khiến cho các bệnh nhân tại xóm nghèo gặp rất nhiều khó khăn. "Lạnh quá, ít hoạt động nên chân tay và cả người chúng tôi đều bị tích nước. Có ngày tăng tới tận 2kg. Do đó, làm việc gì chậm chạp. Ngay cả việc tự đi bộ sang bệnh viện cũng rất nặng nề. Từ hôm trời lạnh buốt, tôi đã phải đi xe ôm cho đỡ mệt", chị Thu kể.
Ngay cả những việc đơn giản như rửa bát, giặt quần áo, chị cũng phải đi tới tận 2 lớp găng tay cho thêm ấm. Mỗi khi cần ra ngoài, dù trời tạnh ráo, chị Thu cũng phải khoác thêm chiếc áo mưa để cản gió.
"Đi 2 lớp găng tay, tôi cảm giác tay như nhúng đá lạnh khi rửa bát đũa ngoài trời", chị Thu than và cho biết, để kiếm thêm thu nhập, chị nhận làm thêm tranh giấy. Nhưng từ đợt rét, công việc đều chị chậm lại do "người lúc nào cũng mệt mỏi, tay chân cứng đờ"."Bình thường, mỗi tháng tôi làm được khoảng 2 triệu đồng nhưng lạnh thế này thu nhập chỉ còn 2/3", chị nói.
Cũng chung tình cảnh như bà Mai, chị Thu, anh Nguyễn Văn Hiểu (51 tuổi) không dám ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp. Ngồi co ro trong chiếc chăn bông, anh cho biết đã có 20 năm chạy thận. Từng phải phẫu thuật cả tim, mỗi khi trời rét đậm, anh đều rất khó thở và thường xuyên tụt huyết áp.
"Mấy hôm nay, nhiệt độ chỉ khoảng 7-10 độ C khiến tôi không thể sinh hoạt được như ngày thường. Ăn uống, ngồi không cũng cảm thấy mệt", anh Hiểu mệt mỏi nói.
Rét đậm kéo dài cũng khiến cho công việc của bà Mai Thị Hường (57 tuổi) tại xóm đình trệ. Vốn vừa chăm chồng ốm bệnh, vừa chạy thêm xe ôm giá rẻ cho những người cùng cảnh ngộ, từ hai hôm nay, bà Hường đã phải tạm dừng những chuyến đi của mình.
"Chồng tôi gặp trời rét chân tay đều sưng hết lên, sinh hoạt rất khó khăn nên tôi cũng đành ở nhà để chăm anh ấy. Cả mấy xóm trọ, số nhà có máy sưởi đếm được trên đầu ngón tay. Chúng tôi chỉ mong đợt rét sớm qua cho bà con này đỡ khổ", chị Hường chia sẻ thêm.