Bánh chưng không chỉ thể hiện nét văn hóa ẩm thực độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc trong hương vị mà còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu bánh. Bánh chưng gấc vừa dẻo, có vị mặn ngọt và màu đỏ đẹp tượng trưng cho phú quý phát tài, mang lại nhiều may mắn. Cách gói bánh chưng gấc như gói bánh chưng xanh, nhưng khi bóc ra, ruột bánh chưng gấc đỏ.
Bánh chưng gấc được làm từ các nguyên liệu tươi ngon như nếp, đậu xanh, gấc, thịt heo, gia vị… bề ngoài vẫn xanh như bánh chưng xanh, nhưng khi bóc ra, ruột đỏ au, gạo dẻo, nhuyễn lại có vị mặn ngọt của gấc và các gia vị truyền thống của người Việt, tạo nên một mùi vị đặc biệt.
Trong ngày tết, gia đình nào cũng chuộng màu đỏ với quan niệm màu đỏ sẽ mang lại may mắn. Do đó bánh chưng gấc rất được yêu thích. Màu sắc đỏ của bánh chưng gấc mang đến cho người Việt sự "May mắn, hạnh phúc, thịnh vượng".
Bánh chưng gấc từ các làng nghề nổi tiếng như Bờ Đậu, Tranh Khúc, Lỗ Khê... ở Hà Nội nức tiếng thơm ngon là lựa chọn để mua làm quà Tết cho mọi người.
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ là món ăn đặc sản vô cùng nổi tiếng của đất Tây Đô. Đây là món bánh không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến Xuân về ở miền Tây. Việc gói và nấu bánh tét đã trở thành một tập quán văn hóa của người dân miền Tây. Trong đó, Bánh tét lá cẩm Cần Thơ nổi tiếng là có hương vị thơm ngon, tạo được sự khác biệt so với các vùng quê khác.
Để Bánh tét lá cẩm Cần Thơ được ngon, đòi hỏi một quá trình chế biến vô cùng công phu. Công đoạn đầu tiên là lựa nếp không bị lẫn tẻ và ngâm 6 tiếng rồi để ráo. Sau đó mới đem nếp đi trộn với nước lá cẩm để lên màu tím đẹp mắt. Lá cẩm được chọn cũng phải là lá cẩm tươi, không bị úa. Bánh phải được gói trong lá chuối tươi, không được quá non cũng không quá già.
Lá chuối sau khi cắt phải được lau sạch, thoa một lớp dầu để tránh bị dính khi nấu. Công đoạn quan trọng và không thể thiếu đó chính là gói bánh. Khi gói phải để sao cho nhân bánh phải nằm đúng vị trí chính giữa thì mới tạo nên được một chiếc bánh đẹp. Ngoài ra, Bánh tét lá cẩm Cần Thơ muốn ngon còn phải được luộc bằng củi để bánh không bị lại gạo, vớt ra ráo nước để bảo quản bánh được lâu hơn.
Bởi vì quy trình làm bánh vô cùng công phu và tỉ mỉ kết hợp với màu sắc tự nhiên của bánh tạo nên sự thích thú cho người ăn. Bạn chỉ cần cắn một miếng bánh là sẽ cảm nhận được sự dẻo dai của nếp, vị ngọt của thịt, hương thơm của trứng muối ở trong đầu lưỡi. Bánh tét lá cẩm Cần Thơ dẻo, thơm dễ dàng làm hài lòng tất cả những ai được thưởng thức nó, cho dù bạn là người khó tính đến đâu đi chăng nữa.
Hiện nay, tại Cần Thơ còn khá nhiều lò Bánh tét lá cẩm hoạt động. Một số lò Bánh tét lá cẩm Cần Thơ nổi tiếng như lò của nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng, bánh tét Tư Đẹp, bánh Chín Cẩm… đều là những thương hiệu lâu đời.
Ẩm thực Việt Nam: Bánh rò màu xanh cốm hi vọng
Tuy còn xa lạ với nhiều người, nhưng bánh rò là một đặc sản của người xứ Quảng, là thành phần không thể thiếu trong các ngày tết.
Nhân bánh được làm từ đậu xanh, đây cũng là thành phần rất quan trọng làm nên chất lượng của chiếc bánh rò. Đậu xanh phải chọn hạt chắc, ngâm mềm, đãi thật sạch vỏ, nấu chín. Giã thật nhuyễn đậu với các gia vị như muối, tỏi, hành, tiêu để phần nhân được đậm đà và thơm ngon.
Tương tự như bánh chưng, bánh rò cũng được gói bằng lá chuối. Những lá chuối tươi thường được phơi nắng cho héo, lau sạch. Khi gói bánh, khoảng hai, ba lớp lá chuối được xếp chồng lên nhau, múc một chén nếp rải lên trên, sau đó là một lớp nhân đậu và trên cùng là một lớp nếp. Sau khi gói xong, bánh được buộc bằng các sợi lạt, đây là một nghệ thuật của người dân ở đây.
Chiếc bánh được buộc không quá chặt vì như vậy hạt nếp sẽ không thể nở dẫn đến chiếc bánh không chín đều, ngược lại nếu buộc lỏng quá, khi nấu nước sẽ vào bên trong làm hỏng bánh. Cột bánh thành từng cặp, cho vào nồi và nấu như cách nấu bánh chưng. Trong suốt quá trình nấu, luôn phải canh đều lửa và châm nước thường xuyên để giữ chiếc bánh được ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng sáu giờ nấu, vớt ra, để ráo nước và thưởng thức.
Chiếc bánh rò bình dị nhưng thơm ngon, bóc lớp vỏ bên ngoài, phần nếp bên trong khô ráo và có màu xanh của lá chuối. Ăn một miếng bánh rò để cảm nhận cái mềm dẻo của hạt nếp còn thoang thoảng hương thơm của lá chuối, cùng với đó là cái bùi của đậu xanh, cái béo của dầu phộng (dầu lạc) cùng gia vị được ướp vừa ăn làm cho món bánh trở nên đậm đà và không ngán. Trong những ngày tết, bánh rò càng trở nên hấp dẫn khi được ăn kèm thêm với củ kiệu, dưa món.
Ẩm thực Việt Nam: Bánh dầy xanh
Bánh dầy xanh hay còn gọi là bánh ngải là loại bánh của người dân tộc Tày ở các vùng trung du phía bắc như Thái Nguyên, Lạng Sơn,…Bánh có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên.
Bánh có hương vị thơm dẻo của bột nếp, điều đặc là ngải cứu không còn vị đắng. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được vị bùi, ngọt ngào của nhân vừng hòa trong cái dẻo mềm, vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải, thơm tho của bánh được bọc lá chuối. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể quên mùi vị của loại bánh dân dã này.
Ẩm thực Việt Nam: Bánh tổ thơm ngon
Bánh tổ – Món bánh truyền thống và là một trong những món đặc sản của tỉnh Quảng Nam trứ danh. Là món ăn tinh thần không thể thiếu vào những ngày Tết. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, mâm lễ cúng của người xứ Quảng không thể thiếu bánh tổ.
Ở Quảng Nam có rất nhiều nơi làm bánh tổ, nhưng ngon nhất và có từ lâu đời nhất có lẽ vẫn là bánh tổ Hội An. Món bánh cổ truyền này đi qua bao nhiêu tháng năm cùng với phố cổ, vậy nên mới có câu:
"Nem chả Hòa Vang
Bánh tổ Hội An
Khoai lang Trà Kiệu
Thơm rượu Tam Kỳ"
Ý nghĩa cái tên của bánh tổ là tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng cho cả năm. Theo quan niệm của những người dân phố Hội, ăn bánh tổ như một lộc lành nhận từ ông bà tổ tiên. Những miếng bánh cũng mang một ý nghĩa giúp cho cả gia đình cùng gắn kết, sum vầy với nhau. Ngày nay có thể mua bánh tổ tại Phố Cổ Hội An hoặc tại các chợ quê trên khắp xứ Quảng.