Ngày Tết không thể thiếu món gia vị được làm từ loại củ trắng nõn, hăng hăng này

Duy Hoàng Thứ năm, ngày 25/01/2024 06:00 AM (GMT+7)
Củ kiệu - thứ nguyên liệu tuy dân dã nhưng lại có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon, lạ miệng. Mỗi món mang hương vị độc đáo riêng nhưng đều khiến mâm cơm gia đình thêm phần phong phú và hấp dẫn.
Bình luận 0

Dịp này củ kiệu bắt đầu được thu hoạch, và dịp cận Tết có lẽ đâu đâu cũng có thể nhìn thấy loại củ trắng nõn này. Củ kiệu có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo mỗi vùng miền, có nơi gọi là cò kiệu, giới căn, giới kiệu, dã toán…, trong Đông y gọi là giới bạch. Đây là một loại cây thuộc họ hành, có tính ấm, vị cay, đắng. Củ kiệu màu trắng, hình tròn hoặc dài giống như củ hành nhưng nhỏ hơn, phần củ kiệu chính là phần cuối của thân lá tạo nên.

Trong các món ngon từ củ kiệu có lẽ quen thuộc nhất là dưa món củ kiệu, và dịp ngày Tết ắt hẳn nhà nào cũng có cho mình hũ dưa món củ kiệu chua giòn thơm ngon. Nhưng ngoài ra củ kiệu còn làm được nhiều món ngon hấp dẫn khác.

Ẩm thực Việt Nam: Gỏi củ kiệu – ngon giòn hấp dẫn

Ngày Tết không thể thiếu món gia vị được làm từ loại củ trắng nõn, hăng hăng này- Ảnh 1.

Gỏi củ kiệu thơm ngon hấp dẫn, ăn miếng gỏi quyện cái vị hăng ngọt của kiệu, giòn thơm riêng biệt quyện với cái ngọt bùi của tôm khô, mực khô. Ảnh: D.H

Củ kiệu để làm gỏi cần ngâm qua đêm với muối và giấm để cho bớt hăng. Cắt dọc củ kiệu làm đôi, hoặc cắt làm ba nếu củ kiệu to, canh cho đều nhau. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, xắt sợi nhỏ, bóp với chút đường, muối rồi vắt ráo. Có thể cho thêm dưa leo (bỏ ruột, xắt thành thanh dài, cũng xóc với ít đường, muối và vắt ráo). Hoặc có thể dùng tôm khô, mực khô, tai heo, thịt gà hoặc nguyên liệu tùy thích khác để trộn gỏi củ kiệu. Và chuẩn bị thêm một ít rau thơm xắt sợi nhỏ và ngò rí để trang trí; đậu phộng rang vàng, bóc vỏ, giã dập và hành tím bào mỏng, phi vàng để tạo sự hấp dẫn thêm cho món ăn.

Cho củ kiệu, cà rốt, dưa leo và các loại cá khô, tôm khô, khô mực hoặc thịt gà… vào cái tô lớn, rưới từng ít nước mắm trộn gỏi vào. Sau đó thêm rau răm cắt nhỏ, hành phi và đậu phộng rang đập giập, trộn tiếp một lần nữa rồi gắp ra dĩa, trang trí với ít ngò rí lên mặt đĩa. Có thể dùng kèm với bánh phồng tôm chiên.

Gỏi củ kiệu thơm ngon hấp dẫn, ăn miếng gỏi quyện cái vị hăng ngọt của kiệu, giòn thơm riêng biệt quyện với cái ngọt bùi của tôm khô, mực khô. Cùng với các loại rau mùi và cái phồng rộp của bánh phồng tôm càng làm món ăn trở nên cuốn hút với nhiều thực khách khi món này được một số nhà hàng làm, phục vụ trong dịp Tết.

Ẩm thực Việt Nam: Kiệu xào măng – trứng

Ngày Tết không thể thiếu món gia vị được làm từ loại củ trắng nõn, hăng hăng này- Ảnh 2.

Kiệu xào măng – trứng. Ảnh: D.H

Cứ ngỡ kiệu, măng và trứng chẳng liên quan tới nhau. Nhưng khi kết hợp cùng nhau trong món xào lại hợp cạ khó cưỡng. Kiệu, măng sơ chế sạch đem xào thơm với dầu ăn. Trứng rán sơ rồi chao vào xào nhanh, xong nêm nếm gia vị cho vừa ăn, thêm ít rau mùi là đã xong món ngon kiệu xào măng trứng. Món ngon này chế biến rất nhanh, thích hợp cho bữa cơm chiều. Miếng măng tươi giòn giòn ngọt ngọt, ăn kèm với chút trứng béo ngậy lại thơm vị kiệu, trong cái mưa lạnh quả thật là một trải nghiệm tuyệt vời cho vị giác của du khách.

Ẩm thực Việt Nam: Củ kiệu xào với thịt bò

Ngày Tết không thể thiếu món gia vị được làm từ loại củ trắng nõn, hăng hăng này- Ảnh 3.

Củ kiệu xào thịt bò, du khách sẽ cảm nhận được vị thịt bò rất đậm đà, mềm, béo hòa cùng củ kiệu giòn giòn, ăn ngon vô đối. Ảnh: D.H

Đây là món ăn dân dã, quen thuộc với nhiều người ở nhiều vùng miền nhưng nó lại mang đến một hương vị vô cùng độc đáo và lạ miệng. Củ kiệu xào thịt bò sẽ gây ấn tượng với người thưởng thức bởi màu sắc món ăn bắt mắt và hương thơm hấp dẫn. Đặc biệt nhất, mùi hương quyến rũ và hương vị đậm đà của thịt bò, hòa cùng với vị ngọt của cà rốt, củ kiệu và hành tây sẽ khiến ai nấy đều thích thú.

Khi ăn du khách sẽ cảm nhận được vị thịt bò rất đậm đà, mềm, béo hòa cùng củ kiệu giòn giòn, ăn ngon vô đối.

Ẩm thực Việt Nam: Thịt kho củ kiệu

Ngày Tết không thể thiếu món gia vị được làm từ loại củ trắng nõn, hăng hăng này- Ảnh 4.

Thịt kho củ kiệu à sự kết hợp gần gũi nhưng cho món ăn thơm ngon, rất hợp cho bữa cơm ấm nồng. Ảnh: D.H

Món thịt kho củ kiệu là sự kết hợp gần gũi nhưng cho món ăn thơm ngon, rất hợp cho bữa cơm ấm nồng. Chế biến món này cần điều chỉnh để lửa nhỏ liu riu, cho thịt kho nhừ từ từ. cùng với đó củ kiệu cũng quyện hương thịt thơm ngon. Sau khi thịt, củ kiệu chín thì cho hành lá và tiêu xanh vào, đậy nắp nồi lại kho trong khoảng cho nước sánh lại thì tắt bếp, rắc lên một ít tiêu và bày món ăn ra dĩa.

Thịt kho mềm, đậm đà hoà quyện cùng vị thơm của tiêu xanh và vị chua nhẹ của củ kiệu, tất cả đem đến một món ăn hấp dẫn, cực kì bắt cơm cho cả gia đình cùng thưởng thức.

Ẩm thực Việt Nam: Ếch xào củ kiệu

Ngày Tết không thể thiếu món gia vị được làm từ loại củ trắng nõn, hăng hăng này- Ảnh 5.

Món ếch xào củ kiệu với màu vàng ươm của nghệ, xanh xanh của hành lá vô cùng bắt mắt. Ảnh: D.H

Món ếch có mùi tanh nhưng khi xào với củ kiệu thì mất đi mùi tanh, không những thế hương vị lại vô cùng thơm ngon. Ếch sau khi mua về bạn bỏ nội tạng, rửa ếch thật sạch, sau đó cắt thành từng miếng vừa ăn. Củ kiệu, hành lá nhặt bỏ lá hư, lá già, bỏ rễ. Mang đi rửa sạch và để ráo nước riêng. Sau đó cắt khúc hành lá, củ kiệu bạn đập dập. Xào thịt ếch chín tới rồi cho củ kiệu vào xào.

Món ếch xào củ kiệu với màu vàng ươm của nghệ, xanh xanh của hành lá vô cùng bắt mắt. Thịt ếch mềm, thơm, thấm đẫm gia vị nêm nếm đậm đà. Củ kiệu giòn và ngọt, ăn kèm với cơm nóng nữa thì thơm ngon chuẩn vị cơm nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem