Ẩm thực Hà Nội: Quán bánh đúc lâu đời, có gì ngon mà thực khách đến thưởng thức
Quán bánh đúc lâu đời tại Hà Nội, có gì ngon mà thực khách đến 4 thế hệ vẫn qua thưởng thức?
Huy Hoàng
Thứ sáu, ngày 19/01/2024 06:03 AM (GMT+7)
Hà Nội nổi tiếng là điểm đến với nhiều món quà vặt ngon, tinh tế và mang đậm nét văn hóa của người Tràng An như phở Hà Nội, bún chả, bún ốc, bún riêu, bún thang… Trong những món ăn dân dã nhưng lại trở thành đặc sản mà mỗi khi du khách đến Thủ đô đều thưởng thức một lần, có bánh đúc nóng.
Ẩm thực Hà Nội: Khách Tây liên tục thốt lên điều này sau khi ăn món bánh đúc nóng gia truyền
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ đầu phố Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) có một quán bánh đúc nóng gia truyền đã hơn 30 năm làm nghề, đó là quán của bà Phạm Thị Nội.
Đúng như thương hiệu của quán bánh đúc nóng gia truyền, quán lúc nào cũng đông khách, từ sáng tới tối muộn, chủ quán và nhân viên không lúc nào ngơi tay.
Chia sẻ với Dân Việt, bà chủ quán, Phạm Thị Nội nói: "Tôi học nghề nấu bánh đúc từ mẹ tôi, mẹ tôi học từ mẹ của bà và giờ đến con tôi nối tiếp, vậy là gia đình tôi đến nay đã 4 đời làm nghề nấu, bán bánh đúc.
Tôi bắt đầu nghề này bằng bán bánh đúc dạo quang gánh dọc phố Lê Ngọc Hân, rồi sau đó khách biết đến, ăn đông dần tôi thuê cửa hàng cũng tại phố này. Tuy nhiên vì nhiều lý do tôi phải chuyển vào bán trong ngõ nhưng rồi cũng không được lâu vì khách đông, ngôi chật lối nên tôi quyết định bán hàng tại chính nhà mình.
Cũng mừng, dù tôi chuyển về bán tại nhà, đi vào ngõ hẹp, nhưng khách quen quán tôi khá đông nên mọi người theo vào ăn tại nhà. Mặc dù món bánh đúc chỉ là một món ăn chơi của người Hà Nội, thậm chí xuất phát xa xưa, món bánh đúc nóng là món ăn dành cho người nghèo, người lao động không có tiền. Thế nhưng, món ăn này ngày càng được nhiều thực khách yêu thích, lựa chọn, thậm chí họ ăn bất kể sáng, trưa, chiều, tối.
Ngày trước, món bánh đúc nóng chỉ có bột gạo và mấy miếng đậu phụ nhỏ, nhưng rồi để món bánh ăn trở nên hấp dẫn, ngon và phong phú hơn tôi đã nghĩ làm thêm nhân thịt lợn và nhiều thực khách đến ăn đã rất thích, khen ngon. Kể từ đó tôi cứ thế làm, nhiều hàng quán cũng vì thế mà làm theo".
Ẩm thực Hà Nội: Bốn thế hệ ăn bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân
Theo bà Nội, thực khách đến quán của bà không chỉ du khách trong nước mà còn có cả khách nước ngoài và họ không chỉ ăn một món bánh đúc nóng, họ ăn cả miến trộn, bún ốc chuối đậu. Sau khi ăn xong, họ trả tiền và giơ ngón tay, cười tươi và khen ngon.
"Thực khách đến quán của tôi nhiều thế hệ, thành phần khác nhau. Từ người già, kiều bào Việt sống ở nước ngoài cho tới các bạn trẻ sinh viên. Từ người có tiền tới những người lao động cũng đều đến quán tôi thưởng thức bánh đúc.
Có những gia đình đưa cả nhà đến đây ăn, hay mới đây có một nhóm khách đến ăn và chia sẻ, họ là Việt kiều mới về Việt Nam, điều đầu tiên họ thực hiện khi ở Hà Nội là đi ăn bánh đúc của quán tôi. Họ nói ăn bánh đúc khiến họ nhớ về tuổi thơ, nhớ về thuở thanh xuân của họ.
Đặc biệt, những ngày đông giá rét bên bát bánh đúc nóng hôi hổi, tỏa khói nghi ngút thơm mùi thịt, mùi gạo mới, quyện lẫn hương vị rau mùi, mộc nhĩ. Múc một thìa bánh đúc đưa vào miệng mọi hương vị như tan chảy, xóa đi cái giá rét của mùa đông.
Họ bảo chưa ăn bánh đúc thì chưa về đến Hà Nội. Tôi nghe vậy thấy thật ấm lòng. Bởi những gì tôi làm cũng chỉ là cố gắng cho món ăn của quán mình được ngon, khách ăn hài lòng nhất.
Rồi có những gia đình đã ăn ở quán tôi đến 4 thế hệ, từ thế hệ ông bà, đến bố mẹ và giờ là con, cháu. Thú vị lắm, có nhiều người cả cuộc đời gắn với quán bánh đúc nhà tôi từ khi còn học tiểu học cho tới lớn lên tìm hiểu bạn cũng dẫn ra đây ăn, rồi khi lấy chồng, sinh con cũng lại dẫn con ra đây ăn.
Điều này khiến tôi cảm thấy vui và một chút tự hào. Không cảm thấy nản, thậm chí còn hăng say, phục vụ hết sức mình. Tôi gần như không có lúc nào dừng, nghỉ tay, mà luôn chân tay từ sáng sớm cho đến đêm muộn. Có thể với nhiều hàng quán, khi họ nói đóng cửa thì họ sẽ từ chối bán hàng thêm, hoặc họ chỉ bán từng đó, không làm thêm nếu như có khách đến.
Nhưng với tôi, tôi không muốn thực khách khi đến đây phải thất vọng quay về mà không được thưởng thức các món ăn của quán tôi. Nên dù quán đề rất rõ là bán đến 21h nhưng khi khách đến và bảo ở xa đến đây muốn thưởng thức món này, món kia thì tôi lại không nỡ và cứ thế thường thì đến 12h đêm tôi mới đóng cửa", bà Phạm Thị Nội cho biết.
Và quả thật, quán của Bà Nội lúc nào cũng tấp nập khách đến. Khách ngồi các bàn ngoài sân cho đến trong nhà, mặc dù bàn ghế, đồ dùng của quán đều cũ kỹ và dân dã.
Chia sẻ với Dân Việt, một nhóm thực khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi ra Hà Nội kết hợp công tác và đi chơi. Tôi được mọi người kể nhiều về món bánh đúc nóng, đặc biệt là ăn vào mùa đông thì rất tuyệt. Lần này tôi ra đúng dịp mùa đông, nên tôi đã nhờ bạn đưa đi ăn. Lần đầu tiên tôi ăn bánh đúc nóng và cảm thấy khá lạ, nhưng rất ngon. Lần sau ra Hà Nội tôi sẽ lại đến đây để thưởng thức món này".
Còn anh Hoàng Thanh, đến từ quận Ba Đình thì cho hay, anh thích ăn bánh đúc nóng từ bé, nên gần như tuần nào anh cũng lên đây ăn.
"Nhìn nồi bánh đúc nóng đặc quánh, trắng ngà đang tỏa mùi thơm của gạo tẻ lẫn với gạo nếp mới. Bên trên là khay thịt lợn băm được xào chín với mộc nhĩ thái nhỏ, nấm hương, cùng những miếng đậu rán vàng ruộm được cắt nhỏ trông thật bắt mắt.
Bát bánh đúc được múc lên dẻo quánh, rắc thêm thịt rang và mục nhĩ cùng với rau thơm và hành khô, bên cạnh là vài miếng đậu phụ rán, cùng nước dùng sóng sánh, nóng hổi, múc một thìa bánh đúc nóng đưa lên miệng cảm nhận vị ngọt thơm, vừa đậm đà, béo ngậy mà vẫn thanh nhẹ, không hề bị ngấy cực kỳ gây nghiện. Tôi hầu như tuần nào cũng lên ăn bánh đúc nóng ở đây, thậm chí có tuần lên ăn mấy lần", anh Hoàng Thanh cho hay.
Bà Nội cho hay, nấu những món này không quá khó nhưng đòi hỏi cầu kỳ, tinh tế. Thành phần chính của món bánh đúc nóng đó là gạo và phải là gạo mới, nếu gạo cũ sẽ có mùi hôi, nấu lên sẽ không còn thơm.
"Để làm được món bánh đúc nóng, khó nhất chính là công đoạn quấy bánh. Để có cốt bánh mềm, dẻo với độ lỏng vừa phải, không bị đứt ra khi chan nước, người làm bánh phải chọn gạo rất kỹ lưỡng. Tiếp đến là quá trình ngâm gạo trong một khoảng thời gian vừa đủ rồi đem đi xay thành bột. Phần nhân bánh làm từ thịt và mộc nhĩ băm nhuyễn rang chín. Tuy nhiên, đó mới là công thức chung, còn mỗi quán, mỗi người lại có nêm nếm, bí quyết riêng để tạo sự khác biệt cho quán của mình", bà Phạm Thị Nội nói.
Ẩm thực Hà Nội: Vui và hạnh phúc khi lưu giữ được nét văn hóa ẩm thực Hà Nội
Hỏi bà, một ngày bán được 100 bát bánh đúc nóng? Hết bao nhiêu kg gạo? bà cười cho biết: "Tôi không đếm xem mình bán được bao nhiêu bát, hết bao nhiều kg gạo, cũng chẳng biết mình thu bao nhiều tiền. Tuy nhiên điều tôi quan tâm là cứ gần hết nồi bánh đúc thì tôi sẽ tiếp tục nồi mới.
Tôi không bao giờ nấu sẵn, hoặc để lưu cữu nồi bánh đúc từ hôm nay sang ngày hôm sau và bán cho khách. Và không chỉ có món bánh đúc, các món khác như bún ốc, bún riêu, miến trộn tôi cũng đều làm mới. Nhân cho bát bánh đúc cũng vậy. Tôi sẽ tính toán và xào thịt cho vừa đủ một nồi, nếu gần hết mà thời gian bán còn sớm thì tôi mới tiếp tục đi xào, vì vậy các món ăn luôn mới, tươi".
Nổi tiếng với quán bánh đúc nóng gia truyền 4 thế hệ, vừa ngon vừa rẻ là thế nhưng ít ai biết rằng, để duy trì được quán bánh đúc nóng gia truyền này, bà đã phải trải qua những thăng trầm trong cuộc đời. Bà một mình chăm chồng bị thương binh hạng một với những mảnh đạn nhỏ nằm ở những vị trí nguy hiểm trong não, thi thoảng lại đi cấp cứu. Một mình xoay xỏa với con nhỏ, rồi làm hàng, bán hàng….
"Chồng tôi là thương binh, đã từng tham gia chiến trường tại Quảng Trị, thuộc đơn vị E95-F325. Khi về phục viên, chồng tôi mang trong đầu vài mảnh đạn nhỏ, vì vậy mà vài tháng lại lên cơn co giật lại vào bệnh viện nằm điều trị. Mỗi lần chồng tôi kêu đau đầu là tôi lại nín thở lo sợ. Đến hiện tại, tôi không mong ước gì ngoài khỏe, bởi chỉ có sức khỏe thì tôi mới lo được cho người chồng của mình", bà Nội nói.
Theo bà Phạm Thị Nội, tiền kiếm được cũng rất đáng quý, cũng là để lo được cho chồng, cho con, cháu, thế nhưng còn nhiều thứ đáng quý và trân trọng hơn, trong những điều đó thì sức khỏe của bà, của chồng và các con cháu.
Sau nữa là, duy trì nghề bán hàng mà bà và mẹ mình để lại. Vui hơn nữa thì đó còn là lưu giữ nét văn hóa ẩm thực của Hà Nội. Chính vì vậy mà bà Nội cho hay, dù vật giá tăng nhưng giá các món ăn của bà vẫn không thay đổi.
"Hiện nay, các con tôi đều đã theo nghề và đã dần thành thạo với công việc bếp núc. Đó là điều khiến tôi cũng cảm thấy rất yên tâm khi nghề gia truyền đã tránh được nỗi lo mai một", bà Nội cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.