Tối 26/12, tại Không gian sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ, Sở NN và PTNT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024.
Tại đây, Ban tổ chức đã tái hiện không gian Tết Xưa với nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo, thu hút đông đảo du khách nước ngoài và người dân Thủ đô đến tìm hiểu, chụp ảnh và trải nghiệm. Bên cạnh đó, Lễ hội còn trưng bày bộ sưu tập cây cảnh nghệ thuật độc đáo; tìm hiểu phong tục thờ cúng gia tiên, nghệ thuật bài trí đồ thờ, sắp xếp mâm ngũ quả, mâm cỗ truyền thống; trải nghiệm các trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc, thưởng trà, khai bút đầu xuân và các chương trình nghệ thuật đặc sắc...
Tham gia lễ hội, riêng quận Tây Hồ đã mang tới hơn 100 cây hoa đào của phường Nhật Tân, phường Phú Thượng; trên 50 cây quất cảnh Tứ Liên; trưng bày các loại xôi của làng nghề truyền thống Phú Thượng… Sắc thắm của đào, quất vùng đất kinh kỳ - Thăng Long – Hà Nội đã đưa du khách đến với mùa xuân không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết: Toàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 5.922 di tích lịch sử; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề và làng có nghề. Đây là tiềm năng to lớn để Hà Nội khai thác, phát triển du lịch. Năm 2023, thành phố đã đón 24,72 triệu lượt khách du lịch, tăng 30,2% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với kế hoạch).
Theo ông Đại, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học… của đất nước, do đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, thời gian qua đã có nhiều làng nghề phải thu hẹp diện tích sản xuất để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, đô thị, trong đó có làng nghề trồng hoa đào Nhật Tân, làng quất cảnh Tứ Liên, làng hoa Quảng Bá...
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đô thị hoá, song người dân ở các làng vẫn miệt mài giữ nghề truyền thống. Đây không chỉ là nét đẹp riêng có của quận Tây Hồ mà còn là niềm tự hào của TP. Hà Nội về đào, quất mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Để bảo tồn, phát triển nghề trồng hoa đào và quất cảnh, thời gian qua, lãnh đạo TP. Hà Nội, Sở NNPTNT, UBND quận Tây Hồ đã rất quan tâm hỗ trợ phát triển làng nghề; kết nối với các chuỗi du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh để đón khách tham quan, trải nghiệm.
Đáng chú ý là năm nay cũng là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền nhân địp xuân Giáp Thìn. Trước đó, Sở NNPTNT Hà Nội đã tổ chức 2 hội thi hoa đào và quất cảnh nhằm tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi đã luôn đau đáu, tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đây cũng là một trong những cơ sở để sau này thực hiện các nội dung công nhận nghệ nhân cho những hộ trồng hoa đào, quất cảnh tại quận Tây Hồ.
"Sau 2 hội thi, chúng tôi đã chọn được 55 tác phẩm hoa đào (của 28 tác giả) và 68 tác phẩm quất cảnh (của 31 tác giả) để vinh danh, theo đó có 2 tác phẩm giải Nhất, 4 tác phẩm giải Nhì, 10 tác phẩm giải Ba và 20 tác phẩm giải Khuyến khích" - ông Nguyễn Xuân Đại thông tin.
Bên cạnh việc tôn vinh các nghệ nhân và làng nghề truyền thống hoa đào và quất cảnh, Hà Nội cũng có hàng nghìn sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với số lượng lớn nhất cả nước. Hà Nội đã lựa chọn Tây Hồ là điểm đến không thể thiếu trong công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước.
Từ ý nghĩa đó, tại Lễ hội, Ban tổ chức đã bố trí 100 gian hàng quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền. Đây là cơ hội để các chủ thể OCOP của Hà Nội và các địa phương trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng; khẳng định thương hiệu OCOP với công chúng tiêu dùng của Thủ đô, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế…
Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra đến hết ngày 1/2/2024 tại Không gian Văn hoá sáng tạo quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn).