Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã gửi công văn tới các bộ, ngành chức năng xin rút khỏi danh sách hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán và thời kỳ giáp hạt 2024 với số lượng hơn 1.700 tấn gạo.
Trước đó, địa phương này nằm trong số 15 tỉnh đề nghị trung ương cấp gạo cứu đói dịp Tết Nguyên Đán và thời kỳ giáp hạt 2024 cùng với các tỉnh gồm: Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Sóc Trăng... Tổng số lượng hỗ trợ trên 14.100 tấn gạo cứu đói cho hơn 181.000 hộ với khoảng 935.000 nhân khẩu.
Theo lý giải, sau khi cân đối lại nguồn lực, Quảng Bình có thể bố trí đủ kinh phí để bảo đảm đời sống cho nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách, vì vậy “nhường lại” số gạo cứu đói để Chính phủ hỗ trợ các địa phương khác khó khăn hơn.
Như hai năm qua, gần 10.500 hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng vào dịp Tết Nguyên đán, giúp bà con đón Tết ấm áp, vui tươi. Tỉnh cũng dành gần 8 tỷ đồng để tặng 24.557 suất quà cho người có công, thân nhân người có công với cách mạng.
Cùng với các phần quà của Chủ tịch nước, tổng các nguồn kinh phí chăm lo tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh khoảng 37 tỷ đồng.
Đối với Tết Nguyên đán năm 2024, bên cạnh việc hỗ trợ các hộ dân như mọi năm, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo Tết cho nhân dân đã được tổ chức như “Tết sum vầy - xuân chia sẻ”, “Xuân Biên phòng - ấm lòng dân bản”, “Phiên chợ 0 đồng”… với kinh phí nhiều tỷ đồng!
Những năm gần đây, Quảng Bình còn ban hành nhiều chính sách thể hiện tính nhân văn sâu sắc nhằm đồng hành, hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, học sinh, sinh viên… có hoàn cảnh khó khăn yên tâm lao động, sản xuất, học tập, vươn lên thoát nghèo.
Gần đây nhất là chính sách miễn học phí ở tất cả các cấp học trong năm học 2023 – 2024 đã làm “dậy sóng” dư luận. Một hành động đã nhận được sự đồng tình và phấn khởi của các bậc phụ huynh, học sinh trên địa bàn, cả nước hoan nghênh và trân trọng.
Quảng Bình không phải là một tỉnh giàu có, kinh tế phát triển vượt bậc đến mức… không cần hỗ trợ. Thậm chí đây còn là tỉnh mới phát triển ở mức độ trung bình. Một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Diện tích tự nhiên tuy lớn, nhưng chiếm hơn 85% là đồi núi, lại phải thường xuyên hứng chịu, ứng phó với thiên tai, bão lụt nên việc thu hút đầu tư khó khăn, hạn chế hơn so với các địa phương khác trong cả nước.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ. Người dân ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... chiếm số lượng không ít và hạn chế nhiều mặt. Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vẫn gặp nhiều rào cản….
Khó là vậy nhưng vì sao Quảng Bình vẫn từ chối hỗ trợ?
Có ý kiến cho rằng điều này xuất phát từ lòng tự trọng của người Quảng Bình, một đức tính cao quý của người Việt Nam nói chung. Trong một quốc gia, dân tộc, lòng tự trọng chính là thể hiện lòng yêu nước và sự tự tin trong việc đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Theo cách nhìn nhận này, cũng có thể lý giải việc từ chối là bởi Quảng Bình muốn khẳng định sự quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của chính quyền và nhân dân địa phương.
Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng tỉnh Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.
Và tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế bắc - nam, đông - tây (hướng ra biển), đồng thời là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng với những hành động đẹp vừa qua thì chắc chắn, chính quyền Quảng Bình sẽ nhận được sự đồng lòng, chung sức của nhân dân.
Khi đó việc khó thành dễ, việc không thể thành có thể và các mục tiêu sẽ nằm trong tầm tay.