Từ rất lâu rồi, đất nước mới trải qua một năm với nhiều khó khăn đến vậy. Nguyên nhân khách quan, nền kinh tế thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19 đã lâm vào khủng hoảng với lạm phát tăng cao, xung đột vũ trang từ Âu sang Á. Sức mua toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Thiên tai, lũ lụt cũng gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.
Về chủ quan, chưa có năm nào nền kinh tế và cả xã hội chịu tác động lớn từ những chính sách đã lạc hậu không được bổ sung điều chỉnh kịp thời. Cuối năm 2022, một loạt các trung tâm đăng kiểm bị khám xét, nhiều lãnh đạo và đăng kiểm viên bị khởi tố bắt giam, các trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Nhưng theo luật giao thông đường bộ, đăng kiểm phương tiện là dịch vụ công bắt buộc. Đến hẹn lại lên, các phương tiện phải được đăng kiểm mới được phép hoạt động. Nhưng các trung tâm đăng kiểm sau khi bị khởi tố phải đóng cửa, có địa phương, cả tỉnh chỉ có một trung tâm đăng kiểm. Vậy mà bị đóng cửa, các phương tiện đến hạn đăng kiểm phải chạy sang các tỉnh còn trung tâm hoạt động, ăn chực nằm chờ để được đăng kiểm gây mệt mỏi, tốn kém. Ai cũng biết, đăng kiểm là dịch vụ công bắt buộc, dù bất cứ sự cố gì đều không được đóng cửa. Những người vi phạm có thể bị khởi tố, nặng có thể bắt giam, nhưng phải giữ cho các trung tâm đăng kiểm hoạt động, cũng là giúp cho nền kinh tế không bị xáo trộn, vì giao thông là mạch máu của nền kinh tế.
Thị trường Bất động sản có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Nhưng năm 2023 là năm thị trường BĐS đóng băng, các DN kinh doanh BĐS lâm vào thảm cảnh, các sản phẩm nhà ở xây dựng xong tiêu thụ rất chậm. Có nhiều nguyên nhân, người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, các ngân hàng thắt lại việc cho vay mua nhà. Mua bán nhà đất là hoạt động thường xuyên trên thị trường. Lâu nay, khi có nhu cầu mua bán nhà đất, người mua người bán ra công chứng, rồi nộp thuế trước bạ, thuế thu nhập, sau đó đến văn phòng đăng ký đất đai sang tên sổ đỏ là xong. Nhưng đến năm con Mèo, ngành thuế cho rằng, việc mua bán nhà do bên mua và bên bán thỏa thuận ghi thấp hơn giá thị trường, nên yêu cầu các bên phải ghi đúng giá thị trường.
Khổ nỗi, giá thị trường thì luôn biến động, ghi kiểu gì cũng vẫn dễ bị nghi ngờ, rồi không được chấp nhận. Người dân chỉ còn biết kêu trời. Vì hàng năm tại các địa phương đều có bảng giá đất do HĐND thông qua. Lâu nay, bên thuế chỉ việc tra theo bảng giá đất rồi áp thuế, từ đó người nộp thuế nhận thông báo chuyển tiền là xong. Bảng giá đất còn được dùng để áp cho các hộ dân khi đền bù giải phóng mặt bằng. Người dân lâu nay vẫn chấp nhận. Sao ngành thuế lại không chấp nhận? Việc không chấp nhận giá mua bán nhà đất, mà không hề có bảng giá chuẩn cho người dân nộp thuế đang gây quá nhiều phiền hà cho người dân và phát sinh nhiều tiêu cực.
Những quy định về đấu thầu thuốc và vật tư sinh phẩm y tế được xây dựng không theo kịp với thực tiễn phát triển. Quy định đấu thầu thuốc và sinh phẩm y tế giá đấu thầu năm sau phải thấp hơn năm trước, trong khi giá nguyên liệu thế giới năm sau lại tăng hơn năm trước, giá ngoại tệ tăng so với tiền đồng. Tại cuộc gặp trao đổi với cử tri huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) hồi tháng 10/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định: "Chúng ta mong muốn có thuốc rẻ cho nhân dân, nhưng cũng phải tuân theo quy luật thị trường. Đấu thầu thuốc chữa bệnh thì không thể năm sau thấp hơn năm trước mà phải bảo đảm chất lượng, giá cả, nguồn cung. Phải mạnh dạn sửa đổi, công khai minh bạch trong vấn đề quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc".
Trong nhiều năm, Việt Nam tập trung xây dựng nguồn điện đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Nhưng tầm nhìn trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành điện đã không theo kịp sự phát triển và những biến động của dân cư. Điều này dẫn đến, mặc dù công suất điện dư thừa, nhưng hệ thống truyền tải không theo kịp. Mùa hè năm 2023 sau nhiều năm, miền Bắc lại thiếu điện cục bộ, các thành phố và các khu công nghiệp lại luân phiên cắt điện, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việc đàm phán mua điện tái tạo từ các DN được tiến hành chậm chạp và tiêu cực làm cho nhiều cán bộ của ngành điện và Bộ Công Thương dính vòng lao lý cũng như làm nản lòng các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Thời gian cuối năm, nhiều người dân lại mệt mỏi với việc định danh biển số ô tô, xe máy. Đặc biệt là với phương tiện xe cũ đã qua sử dụng. Trước đây, buôn bán xe máy, ô tô đã qua sử dụng là một ngành rất phát triển. Nhưng giờ ngành kinh doanh này đang đóng băng sau khi có các quy định về thu hồi biển số từ người bán, phải đích thân người bán mang nộp cho công an. Nhưng nhiều người sau khi bán phương tiện đã không còn ở nơi cũ, qua đời hoặc ra nước ngoài. Nhiều người mua đã không thể tìm được người bán, không thể sang tên đăng ký mới.
Đáng chú ý, còn có cả việc quy định người đăng ký xe cũ phải xuất trình phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất. Trong khi đăng ký lần đầu, chủ xe trước đã nộp cho bên công an. Việc định danh biển số cũng còn nhiều hạn chế, chưa cập nhật kịp thời các dữ liệu, nên người dân phải chờ đợi và đi lại rất nhiều lần vẫn không đăng ký được. Giá như với một vấn đề khá mới và phức tạp như thế này, cơ quan chức năng nên làm thí điểm ở phạm vi hẹp, rồi điều chỉnh, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà trên cả nước. Như vậy thì đỡ biết bao cho các bên, từ ngành công an đến các đơn vị kinh doanh và đặc biệt là người dân.
Năm 2023, cuộc khủng hoảng nước sạch tại khu vực Tây Nam Hà Nội đẩy hàng chục ngàn dân tại khu đô thị Thanh Hà vào vấn nạn mất nước triền miên trong nhiều ngày. Nó cho thấy, lỗ hổng trong việc quy hoạch, xây dựng và cung cấp nước sạch cho thủ đô. Điển hình như với nhà máy nước mặt sông Hồng thi công gần chục năm chưa xong. Đường ống dẫn nước từ nhà máy nước đến các khu dân cư nhiều nơi không đảm bảo dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng mất nước hoặc không đảm bảo chất lượng...
Qua khó khăn, cần ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành địa phương. Thủ tướng Chính phủ liên tục đi cơ sở, ra các chỉ thị gỡ vướng cho giải ngân đầu tư công, giảm lãi suất ngân hàng khơi thông nguồn vốn cho sản xuất. Bộ GTVT giãn đăng kiểm cho xe không kinh doanh, đã giảm áp lực tại các Trung tâm đăng kiểm. Bộ Công an gỡ khó cho các DN trong cấp phép PCCC. Bộ Y tế trình Chính phủ và Quốc hội ra nghị quyết sửa đổi tháo gỡ kịp thời đấu thầu thuốc và vật tư sinh phẩm y tế, tạo điều kiện cho các bệnh viện có đủ thuốc và sinh phẩm y tế phục vụngười bệnh. Chủ tịch TPHCM với quyết định táo bạo gửi các sở ngành quận huyện, hãy mạnh dạn đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chủ tịch TP sẽ cùng chịu trách nhiệm. Xóa bỏ tình trạng lâu nay cán bộ đùn đẩy, sợ sai không dám làm, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử.
Rất mong Chính phủ và các bộ, ngành địa phương sẽ làm tốt hơn nữa trong năm mới 2024 để thúc đẩy nền kinh tế và đất nước phát triển. Cần mạnh dạn đề xuất sửa đổi những quy định đã lạc hậu với thực tế, để cán bộ và người dân làm việc, tuân thủ luật pháp. Thay vì bảo vệ những người dám lách các quy định cũ lạc hậu, thì hãy sửa (hay loại bỏ) những quy định không còn phù hợp để cán bộ và người dân thực hiện theo luật mà không nơm nớp sợ sai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.