Tiêu biểu trong lĩnh vực điện gió là Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc tập đoàn Petrovietnam (PVN) và CS Wind, nhà sản xuất tháp điện gió từ Hàn Quốc.
Trong khi đó, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) với vốn đầu tư lên đến 5,1 tỷ từ "đại gia" Thái Lan SCG và nhà máy hóa chất Hyosung Vina của tập đoàn Hyosung Hàn Quốc đã giúp Việt Nam được biết đến là một nguồn cung các loại nhựa gốc hóa dầu.
Theo dự kiến, CS Wind Hàn Quốc sẽ hoàn thành dự án mở rộng nhà máy sản xuất tháp điện gió đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 trong tháng 2 để bắt đầu sản xuất cho giai đoạn mới này vào tháng 4. Tổng vốn đầu cho dự án mở rộng sản xuất khoảng 80 triệu USD, theo thông tin từ CS Wind.
Là một trong những nhà sản xuất tháp điện gió dẫn đầu thế giới, CS Wind khai trương nhà máy trong KCN Phú Mỹ 3 vào năm 2003. Phần mở rộng hiện nay có diện tích khoảng 240.000 m2 tại nhà máy này, mục tiêu là tập trung sản xuất các tháp gió ngoài khơi (cao hơn và đường kính của tháp lớn hơn so với các trụ trên đất liền).
Theo hợp đồng cung cấp tháp gió ngoài khơi trị giá gần 3,4 tỷ USD ký với Siemens Gamesa (nhà sản xuất tua-bin gió ngoài khơi số 1 thế giới) vào tháng 11/2022, CS Wind sẽ cung cấp tháp cho Siemens Gamesa từ tháng 5/2024 đến tháng 12/2030 để thực hiện nhiều dự án điện gió ngoài khơi cho nhiều nước tại châu Âu, Mỹ và châu Á. Theo hợp đồng, nguồn cung của CS Wind đến từ Việt Nam và Bồ Đào Nha.
Kế hoạch sản xuất phục vụ hợp đồng là CS Wind tăng đường kính tháp gió ngoài khơi từ 6,5m lên tối đa 10m, khối lượng mỗi tháp tăng từ 400 tấn lên hơn 800 tấn. Ngoài Siemens Gamesa, khách hàng của CS Wind cũng bao gồm Vestas, GE và Goldwind.
Đối với PTSC của Việt Nam, thành viên của PVN ký bản ghi nhớ với công ty LS Cable & System Hàn Quốc vào tháng 10/2023 để LS sẽ tham gia xây dựng các dự án cáp điện ngầm dưới biển phục vụ mục tiêu xuất khẩu điện gió của Việt Nam và kết nối mạng lưới năng lượng ASEAN.
Theo thỏa thuận, LS Cable & System sẽ khảo sát đáy biển ở những khu vực cần thiết cho công tác xuất khẩu điện của PTSC, và sẽ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho ngành dầu khí và năng lượng gồm giàn khoan dầu, các kết cấu phụ cho tua-bin điện gió ngoài khơi.
Được biết LS đang mở rộng phạm vi hoạt động của công ty ở Đông Nam Á và châu Á, và hợp tác với PTSC là một phần trong chiến lược này. Về phía PTSC, doanh nghiệp này được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giấy phép tại Hà Nội ngày 29/8/2023 (dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long) để PTSC khảo sát phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore. Tỉnh BR-VT là nơi PTSC đặt trung tâm sản xuất của công ty.
Đồng thời, đối tác của PTSC là công ty Sembcorp Utilities Ltd. thuộc tập đoàn Sembcorp của Singapore trong dự án cũng được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao ý định thư về việc cấp phép có điều kiện nhập khẩu điện sạch từ Việt Nam.
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) tại Vũng Tàu là dự án trọng điểm quốc gia, sản xuất các sản phẩm hóa dầu đa dạng, gồm các nguyên liệu nhựa thiết yếu phục vụ cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Sản phẩm của LSP sẽ giúp Việt Nam giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh và bảo đảm nguồn cung cho các ngành sản xuất trong nước. Công suất thiết kế của LSP là 1,35 triệu tấn olefin và 1,4 triệu tấn polyolefin mỗi năm.
Tập đoàn SCG vừa hoàn thành toàn bộ tổ hợp trong thời gian gần đây. Trong chuyến thăm và làm việc tại LSP ngày 2/1/2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Lãnh đạo Bộ Xây dựng lưu ý Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước hoàn tất nghiệm thu trước Tết Nguyên đáp Giáp Thìn 2024 để dự án vận hành thương mại vào tháng 3/2024.
Được biết, SCG trước đây dự kiến chỉ đầu tư 3,7 tỷ USD cho dự án nhưng đã rót tới 5,1 tỷ USD cho tổ hợp quy mô lớn và hiện đại này.
Khi nói đến ngành hóa chất của BR-VT, không thể không nhắc đến "đại gia" Hàn Quốc Hyosung, tập đoàn đã đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD vào dự án công ty hóa chất Hyosung Vina (tổ hợp nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG) tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ. Công suất là 650.000 tấn nhựa PP mỗi năm.
Đối với khí hóa lỏng, tổ hợp bao gồm cảng tiếp nhận tàu chở LPG trọng tải 60.000 tấn và kho ngầm LPG (nằm ở độ sâu từ 110m đến gần 200m so với mực nước biển, chiều dài gần 5km) với sức chứa 240.000 tấn.
Hiện nay, Hyosung đang xây dựng nhà máy sản xuất sợi carbon quy mô lớn tại KCN Phú Mỹ 2 cũng tại thị xã Phú Mỹ, và dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2025. Dự kiến của Hyosung là sẽ đầu tư tổng cộng hơn 1 tỷ USD để sản xuất sợi carbon tại đây.
Vốn đầu tư của Hyosung tại Việt Nam đang tiếp tục tăng. Tại tọa đàm về cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam ngày 17/1 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì nhân việc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024 tại Thụy Sĩ, ông Cho Huyn-sang, Phó Chủ tịch Hyosung, cho biết tập đoàn của ông có kế hoạch bơm thêm 2 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay.