Thời vua Lê Đại Hành thời Tiền Lê (980-1009), nhà vua xuất thân là một quan võ, tên húy là Lê Hoàn. Vì được sự tín nhiệm của quan lại, dân chúng mà được đưa lên ngôi vua trị vì.
Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, mà ông còn là vị vua có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.
Thời nhà Trần từng có một nơi tên Lạc Thanh Trì nuôi rất nhiều loài cá độc đáo. (Ảnh minh họa. Nguồn: baohanam).
Lê Hoàn là một vị vua gắn liền với những giai thoại gần gũi đời dân chúng lúc bấy giờ. Như trong sử sách ghi lại câu chuyện vua xắn quần, kéo trâu cày ruộng với người dân ngày đầu năm mới.
Sử sách không miêu tả kỹ về cung cấm thời Tiền Lê, nhưng qua một số ghi chép, có thể biết rằng thời đó, nhà vua nuôi những con thú hoang dã ví dụ như trăn, rắn, hổ,…
Thời nhà Lý (1009-1025) “thú cưng” của vua chúa đã được thay thế bằng những con rùa, voi, hươu nai độc đáo.
Đặc biệt, trong thời đại thịnh trị, các vị vua nhà Lý được người Chiêm Thành, các châu, quận và bề tôi dâng lên nhiều động vật quý hiếm.
Nhà Lý trong ba đời vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông được coi là thời kỳ Đại Việt phồn thịnh và phát triển. “Đại Việt sử ký toàn thư”, ghi lại vào năm 1061, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) được Châu La Thuận dâng voi trắng, quận Gia Lâm dâng con rùa ba chân, mắt có 6 con ngươi.
Đến thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), sử cũng ghi lại việc vua được bề tôi tên Nguyễn Viễn vào mùa xuân năm 1086 dâng con rùa 6 chân có khắc chữ trên mai. Sang thời Lý Thần Tông (1128-1138) việc “sưu tầm” vật nuôi quý hiếm ngày càng thịnh hành.
Biết được ý vua, nhiều người dâng những vật lạ lên như hươu trắng, rùa có chữ trên mai, chim sẻ, cá sấu, cá sông, cây cảnh...; nhiều người như Lý Lộc, Lý Tự Khắc tuy chỉ là quan hèn mọn nhưng do dâng hươu trắng quý hiếm mà cho làm Đại liêu ban, Minh tự. Ngoài ra xuất hiện nhiều quan lại có ý xu nịnh, nhân ý vua còn ham vui mà hùa theo nhà vua.
Nếu như ở thời Lý, nhà vua có thú chơi voi quý, rùa lạ, thì đến thời nhà Trần (1225-1293), có lẽ vì xuất thân từ ngư dân ở vùng biển, nên hoàng cung nhà Trần có cả một ao hồ rộng lớn để thả những loài cá quý hiếm.
Sử sách ghi chép về một hồ nước ở vườn ngự nối liền với hậu cung tên là Lạc Thanh Trì. Trong hồ có nhiều cây trúc, thông và loài hoa lạ.
Bốn mặt khai thông cho sông nước thông vào. Lại đào các hồ nhỏ hơn, trong đó hồ nước mặn có nhiều loại cá bắt ở biển về như đồi mồi, ba ba, cá biển,... Ở hồ nước ngọt có các loại cá như cá diếc đuôi đỏ vảy bạc, có hồ lại nuôi cá sấu.
Ngoài nuôi cá, thì tông thất nhà Trần còn có sở thích nuôi… hổ. Trong thời nhà Trần từng diễn ra sự kiện một con hổ đã gây kinh hoàng đến vị vua này, theo đó thì có tù trưởng vùng sơn cước dâng triều đình một con hổ lớn vằn đen vàng, lưng thẳng, bụng thon.
Con hổ đói khi vừa ra khỏi lồng lập tức lao vào vua và hoàng hậu khiến cận thần, cùng phi tần được một phen khiếp hãi.
Vào thời nhà Hậu Lê (1428-1527), việc nuôi “thú cưng” vẫn được tiếp diễn. Cụ thể sử sách ghi lại thời Lê Thánh Tông (1460-1497) trị vì, ông cho xây thêm 8 cung điện và lập ra Thượng Lâm uyển để nuôi bách thú. Sử sách không ghi rõ tất cả loại thú chỉ biết rằng có nai, hươu, thỏ,…
Cũng trong thời Hậu Lê là lần đầu tiên, hình ảnh của loài chó được xuất hiện rõ rệt. Đó là đội quân khuyển thiện chiến của Nguyễn Xí vào thời Lê Lợi, đây có lẽ những “binh tốt” bốn chân có sức mạnh to lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thời Nhà Lý, con voi đóng một vai trò rất quan trọng. Voi từng giúp Đại Việt đổi được đất, kết nối giao bang với nước Tống và thậm chí từng là niên hiệu của đất nước trong thời Lý Thần Tông.
Như vào năm 1068, thời vua Lý Thánh Tông, ông được châu Lạng cống nộp 2 con voi trắng tuyệt đẹp. Coi đây là một vật mang đến điều may mắn, Lý Thánh Tông đã nổi niên hiệu thành Thiến Huống Bảo Tượng, tức trời ban voi quý, mang điềm lành đến để đất nước ngày càng phồn thịnh.
Gần mười năm sau, khi nhà Tống sai tướng Quách Quỳ đem quân xâm lược nước ta nhưng bị danh tướng Lý Thường Kiệt đánh tan trên phòng tuyến sông Như Nguyệt. Quách Quỳ lui về vùng biên giới và chiến giữ châu Quảng Nguyên của ta.
Năm 1078, Vua Lý Nhân Tông sai Đào Tông Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi và xin trả lại các châu Quảng Nguyên, cũng như những người ở các châu ấy bị bắt đi trước đó. Từ các cuộc thương lượng này, nhà Tống trả châu Quảng Nguyên cho Đại Việt.
Đến thời nhà Trần, trong những thời kỳ đầu, con cháu nhà Trần đều được đặt theo tên các loài cá như: Trần Lý (cá chép), Trần Thừa (cá Dưa), Trần Liễu (cá Leo), Trần Thị Dung (cá Ngừ)…
Sở dĩ có điều này là bởi tổ tiên của nhà Trần vốn làm nghề đánh cá nên họ đặt tên con cháu theo các loài cá. Cũng vào thời nhà Trần, tục xăm hình rồng vào nếp đùi rất phát triển.
Trong “Đại Việt sử ký”, kỷ nhà Trần có đoạn chép: “Thượng hoàng nói: “Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu (miền biển), đời đời ưa chuộng hùng dũng, thường thích hình rồng vào đùi; nếp nhà theo nghề võ, nên thích rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”.
Tục xăm mình này bắt nguồn từ thời xa xưa, theo sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) chép lại, vào thời xưa (có lẽ là thời kỳ Bách Việt) người dân thường bị loài Giao Long làm hại.
Cho rằng giống loài ở dưới nước không làm hại những “kẻ” giống mình, vua nước liền lệnh cho dân chúng xăm mình, từ đấy không ai bị các loài cá dữ tấn công nữa. Tục xăm mình này kéo dài đến thời Trần Anh Tông thì dần đến hồi “suy tàn”.
Còn nói về thời nhà Lê, hình ảnh đội quân khuyển (chó) gồm 100 con, đã lưu danh trong sử sách đến tận ngày nay. Nguyễn Xí (1396-1465) là một trong những vị tướng tài ba của Lê Lợi, ông và anh trai đi theo Lê Lợi cùng “vào sinh ra tử” với vị vua nổi tiếng này.
Nhận thấy Nguyễn Xí nhanh nhẹn, thông minh, cảm thấy tin dùng được, Lê Lợi giao cho Nguyễn Xí nuôi đàn chó săn lớn tới hơn 100 con. Khi đó, ông dùng tiếng nhạc làm hiệu lệnh, đàn chó nghe theo, lúc đến lúc đi đều nhau như một. Lê Lợi có ý khen ngợi, và cho là có tài năng làm tướng.
Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn ghi rằng: “Vua sai Nguyễn Xí nuôi một đàn chó săn gồm hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp.
Trong bước đường chiến chinh, đàn chó của Nguyễn Xí trở thành một đội quân đặc biệt, do được huấn luyện chu đáo, điều khiển bằng tiếng nhạc nên từ ăn, ngủ, tấn công chúng đều theo hiệu lệnh phát ra”.
Đoàn quân khuyển của Nguyễn Xí còn lợi hại đến mức những lúc bị vây hãm tuyệt lương thì đàn chó được lệnh đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn cho nghĩa quân. Khi xung trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào cắn xé làm quân giặc rất hoảng sợ.
Giai thoại dân gian có kể lại, đội quân chó săn của Nguyễn Xí có lúc lên đến 500 con và trở thành một những “người lính” tiên phong tấn công gây rối loại đội hình địch. Những chú chó này khi đó được đối đãi công bằng như những người lính khác, thậm chí còn được trang bị áo giáp gai để bảo vệ cơ thể.