Dân Việt

Ai ngờ thứ lá rừng tên gọi như phát ra âm thanh, ở Bình Phước, dân ăn vào khỏe hẳn người ra

cattiennationalpark 31/01/2024 16:14 GMT+7
Lá nhíp còn có tên gọi khác là lá bép, rau bét, rau lá bướm, rau danh, rau gắm, là một trong những cây rau đặc sản ẩm thực núi rừng miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ nước ta, trong đó có đồng bào S'tiêng tỉnh Bình Phước tạo nên những món ăn đặc sản ngon lành và bổ dưỡng.

Bao đời nay, mỗi khi lên rẫy lên nương, đồng bào dân tộc thiểu số thường tranh thủ làm xong việc đồng áng để tìm thêm mớ tép suối, nắm rau rừng về làm tươi mâm cơm nhà. 

Ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, bà con người Châu Mạ, người S’tiêng đã quen thuộc với hương vị cây măng, đọt mây, lá nhíp, dớn choại, cà đắng… 

Ngày nay, xu thế phát triển du lịch sinh thái tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên, việc du khách tìm đến Tân Phú nghỉ dưỡng, khám phá rừng, tìm hiểu văn hóa bản địa đã đưa các món rau quả rừng nơi đây thành đặc sản được nhiều người thưởng thức.

Cây rau nhíp còn có tên gọi khác là cây lá bép, rau bét, rau lá bướm, rau danh, rau gắm. Nhíp là loại cây dại cỡ nhỏ, thấp, dạng dây leo chuyển hóa thành gỗ, thường mọc ở bìa rừng, nơi ẩm thấp.

Cây nhíp, cây rau nhíp hay còn gọi là cây lá bép là một trong những loài rau rừng có thể tìm gặp không chỉ ở rẻo đất cuối cùng của địa phận Đồng Nai mà còn tản mác tại nhiều tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, như Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Thuận và Côn Đảo… 

Hiện nay, cây lá nhíp cũng đã được trồng thành công ở nước ta và bắc Ấn Độ, Myanmar, Indonesia và bán đảo Mã Lai ở độ cao 200 – 900m.

Ai ngờ thứ lá rừng tên gọi như phát ra âm thanh, ở Bình Phước, dân ăn vào khỏe hẳn người ra- Ảnh 2.

Cận cảnh lá nhíp rừng-một loại rau rừng ngon, có công dụng bồi bổ sức khỏe, giàu Protein, giàu năng lượng. Rau lá bép, rau nhíp là một loại lá rừng ngon miệng, chế biến, phối trộn, ăn kèm với nhiều món đặc sản của đồng bào dân tộc S'tiêng ở Bình Phước, Đồng Nai...

Cây rau nhíp là loài cây thân gỗ mảnh (thân trườn phát triển từ dây leo), kích thước từ nhỏ đến trung bình, thân cao từ 5 – 20m và có nhiều nhánh. 

Lá bép thuộc loại thường xanh, lá đơn mọc đối, không có lá kèm, mép lá nguyên, gân lá lông chim, dài 8 – 20cm và rộng 3 – 10cm; lúc mới mọc có màu đồng.

Khi lá bép trưởng thành có màu lục sẫm và bóng mặt, có mũi nhọn ở chóp, thon dẹp dần ở gốc, gân lá 5-7 cặp dính nhau; lá có hình dạng, kích thước gần giống với lá chôm chôm, lá nhãn. Hoa có cấu tạo hoa nguyên thủy dạng nón, đơn tính khác gốc. 

Quả cây bép giống như quả hạch, hình bầu dục, dài 2 – 5cm, có mũi ngắn, lấm tấm lông như nhung, lúc non màu vàng, rồi chuyển dần sang màu đỏ, tới tía khi chín, chỉ có một hạt trong mỗi quả. – theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước

Lá nhíp mọc quanh năm. Thời điểm lá nhíp ngon nhất là sau khoảng 5 – 6 trận mưa đầu mùa khiến đọt mầm bung nở, tươi mát nhất. 

Những lộc nhíp màu đồng hung và những lá non xanh mướt cho vị ngọt nhẹ, béo bùi, không chỉ làm ngon miệng thực khách, mà lá nhíp còn là món ăn bổ dưỡng, giàu năng lượng, và đặc biệt có tác dụng lợi sữa cho các bà mẹ sau sinh. 

Nghiên cứu cho biết lá nhíp giàu dưỡng chất, hàm lượng protein cao, nhiều khoáng chất và vitamin A, vitamin C và có một lượng đường nhất định, tất cả hòa quyện mang tới hương vị dẻo thơm, béo bùi và hậu vị đậm đà cho món ăn.

Ai ngờ thứ lá rừng tên gọi như phát ra âm thanh, ở Bình Phước, dân ăn vào khỏe hẳn người ra- Ảnh 4.

Nghiên cứu cho biết lá nhíp (lá bép) giàu dưỡng chất, hàm lượng protein cao, nhiều khoáng chất và vitamin A, vitamin C và có một lượng đường nhất định, tất cả hòa quyện mang tới hương vị dẻo thơm, béo bùi và hậu vị đậm đà cho món ăn.

Đã từ rất lâu, người đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’Tiêng, M’Nông… dùng lá nhíp để xào, nấu canh với cá suối, tép suối, nhúng lẩu, là nguyên liệu chính nấu món canh thụt…, tạo ra những món ăn dân dã nổi tiếng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 

Ngày nay, khai thác hái lượm từ rừng mãi khiến lá nhíp mọc dại ngày càng khan hiếm, nguồn rau nhíp trồng ngon không kém đã góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, đặc biệt là người dân ở các xã vùng đệm tiếp giáp các cánh rừng, các vườn quốc gia.

Việc trồng rau rừng như cây lá bép (rau nhíp rừng) còn giúp giảm tình trạng khai thác tài nguyên rừng mà vẫn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức những món ăn tươi xanh, đậm đà hương vị thiên nhiên của du khách từ nhiều tỉnh thành khác trên cả nước và cả du khách nước ngoài.

Đến với Vườn quốc gia Cát Tiên, đĩa lá nhíp xào tỏi, xào thịt bò hay lòng gà, tô canh lá nhíp nấu tép đồng, hay rổ lá tươi nõn nhúng lẩu cá lăng sông, cùng với nhiều món ăn hấp dẫn khác như đọt mây, măng tươi, rau cánh bướm, các loại cá suối nhỏ chiên giòn cuốn rau rừng.

Lá bép (lá nhíp rừng) xào là những món ăn tiêu biểu cho ẩm thực đặc sản xứ non ngàn, tuy dân dã đơn sơ nhưng lại rất thơm ngon và bổ dưỡng, ai ai đến đây cũng nên một lần thưởng thức.