Dân Việt

Nhóm hàng gương, kính kéo lợi nhuận sau thuế quý 4 của Viglacera về mức âm

Vũ Khoa 01/02/2024 17:18 GMT+7
Cơ cấu vốn của Viglacera dành cho các sản phẩm gạch, sứ đều giảm thì giá vốn nhóm kính, gương tăng cao trong khi đây lại là nhóm hàng có doanh thu sụt giảm sâu nhất.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Viglacera – CTCP (MCK: VGC), kết quả kinh doanh Quý 4/2023, VGC đạt doanh thu thuần 3.020 tỷ đồng, giảm 61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng hóa ghi nhận ở mức 2.455 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 565 tỷ đồng.

Trong kỳ, VGC báo lỗ 16 tỷ đồng ở các công ty liên kết, liên doanh. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức tăng trưởng âm 11 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong Quý IV/2023 của VGC chỉ đạt 10% so với cùng kỳ, tương ứng 18,2 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát âm 67 tỷ đồng, dẫn đến kết thúc kỳ cuối của năm 2023, lợi nhuận sau thuế của VGC rơi thẳng xuống mức âm 48,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 222 tỷ đồng.

Nhóm hàng gương, kính kéo lợi nhuận sau thuế quý 4 của Viglacera về mức âm- Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Viglacera. Ảnh chụp màn hình.

Giải trình về kết quả nêu trên, VGC cho biết lợi nhuận sau thuế Quý IV/2023 giảm 121,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 270 tỷ đồng nguyên nhân do nhóm hàng gương, kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm, doanh thu giảm.

Bên cạnh đó, VGC trích 100 tỷ Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ theo chủ trương đã được Đại Hội đồng cổ đông thông qua. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 1.602 tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch được Đại Hội đồng cổ đông giao trước đó. Hết năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VGC là 1.162 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Viglacera ở mức 24.099 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 1.842 tỷ đồng, chi phí rót vào các dự án dang dở và hàng tồn kho là 10.969 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại ngày 31/12/2023 là 6.229 tỷ đồng, tăng 7,9%. Chủ yếu ở các dự án KCN lớn như Thuận Thành, Yên Mỹ, Phú Hà và Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải.

Cơ cấu doanh thu, mảng đóng góp lớn nhất cho VGC vẫn là cho thuế đất đã phát triển cơ sở hạ tầng, đạt gần 4.514 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán các sản phẩm kính, gương và doanh thu gạch ốp lát lần lượt giảm 31% và 3,3% về còn 2.005 tỷ đồng và 3.459 tỷ đồng. Năm 2023, VGC chi 2.087 tỷ đồng giá vốn hàng bán các mặt hàng kính, gương nhưng chỉ thu về doanh thu thuần 2.004 tỷ đồng.

Công ty cũng ghi nhận 4.964 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 13% so với đầu kỳ. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thành phẩm kính, sứ, sen vòi,... 2.603 tỷ đồng cùng 55 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, 30 tỷ đồng hàng hóa. Tồn kho bất động sản xây dựng dở dang là 1.537 tỷ đồng, 17 tỷ đồng thành phẩm.

Kết thúc năm 2023, nợ xấu của VGC giảm từ 378 tỷ đồng xuống còn 349 tỷ đồng. Trong đó khoản giảm trừ lớn nhất là 64 tỷ đồng, ngoài ra không có khoản thu nào đáng chú ý. Ngược lại, phần nợ xấu của các đối tượng khác, VGC ghi nhận tăng thêm 37 tỷ đồng từ con số 244 tỷ đồng hồi đầu năm.

Tổng công ty Viglacera – CTCP có vốn điều lệ là 4.483 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là bất động sản và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Tiền thân của doanh nghiệp này là Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.