Dân Việt

Sơn La: Nuôi con dúi bán Tết, nông dân người Mông lãi cả trăm triệu

Tuệ Linh - Phạm Hoài 02/02/2024 09:11 GMT+7
Ở vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), có một nông dân người Mông đã xây dựng thành công mô hình nuôi dúi. Không những vậy, anh còn chia sẻ mô hình cho nhiều hộ dân khác học theo để thoát nghèo.

Clip: Mô hình nuôi dúi của anh Mùa A Khá, bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Một thời gian khó

Trong chuyến công tác đến với vùng biên giới bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, chúng tôi được lãnh đạo Đồn Biên phòng Mường Lèo kể về anh Mùa A Khá, gương nông dân người Mông làm kinh tế giỏi ở bản Huổi Luông nhờ nuôi dúi – con đặc sản vùng Tây Bắc chỉ ăn tre, nứa, mía…

Sau gần 2 giờ đi xe máy từ trung tâm xã Mường Lèo, bản Huổi Luông hiện ra trước mắt chúng tôi với những đồng cỏ xanh trải dài mênh mông ngút tầm mắt. Xuôi xuống một đoạn khoảng vài km, nhìn sang bên tay trái sẽ thấy vẻ đẹp bình yên của những nếp nhà giữa lưng chừng núi của bà con đồng bào Mông Huổi Luông.

Sơn La: Nuôi con dúi bán Tết, nông dân người Mông lãi cả trăm triệu- Ảnh 1.

Anh Mùa A Khá, bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đang thu gom dúi cho thương lái trong dịp cận tết Giáp Thìn. Ảnh: Tuệ Linh.

Nhà anh Khá bán tạp hóa ở ngay đầu bản. Lúc chúng tôi có mặt, thương lái đến từ Bắc Ninh đang thu mua dúi của anh Khá. "Hôm nay, tôi xuất bán 150 con dúi và thu về hơn 100 triệu đồng", anh Khá phấn khởi.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Khá nhớ lại: "Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em ở vùng xa xôi, hẻo lánh nhất của huyện Sốp Cộp. Năm nay qua năm khác, thấy bố mẹ, anh chị em cứ quanh quẩn với cây ngô, cây sắn và lúa nương nên cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn trăm bề.

Tôi nghĩ rằng, với cách làm như vậy thì không thể khá lên được. Vì vậy, tôi lên xã, lên huyện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; đồng thời lên mạng học hỏi thêm các mô hình phát triển kinh tế gia đình".

Sơn La: Nuôi con dúi bán Tết, nông dân người Mông lãi cả trăm triệu- Ảnh 2.

Trong ngày phóng viên có mặt, anh Khá chỉ cần xuất bán 150 con dúi đã thu về hơn 100 triệu đồng để sắm Tết cho gia đình. Ảnh: Tuệ Linh.

Anh Khá chia sẻ, những năm 2019, 2020, bản Huổi Luông chưa có sóng điện thoại. Vì vậy, ban ngày, anh đi làm nương cùng bố mẹ; ban đêm lại phải cuốc bộ 4, 5 cây số để dò sóng vào mạng học hỏi cách làm kinh tế giỏi ở những địa phương khác với một mong muốn duy nhất là tìm ra hướng đi mới để làm giàu.

Lãi cả trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi dúi

Năm 2019, tình cờ trong lúc lên mạng, anh Khá xem được mô hình nuôi dúi ở tỉnh Bắc Kạn cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi nghiên cứu kỹ, anh Khá nhận thấy, ở vùng hẻo lánh như Huổi Luông thì nuôi dúi là phù hợp nhất. Bởi đây là loài động vật gặm nhấm, thức ăn có sẵn tại địa phương như tre, nứa, mía, ngô, sắn…

Bên cạnh đó, dúi là đặc sản nhờ cho thịt ngon, mát và giàu đạm; chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro và xoay vòng vốn nhanh hơn các loại vật nuôi khác.

Sơn La: Nuôi con dúi bán Tết, nông dân người Mông lãi cả trăm triệu- Ảnh 3.

Thức ăn của dúi rất đơn giản và có sẵn tại địa phương như mía, tre, sắn... Ảnh: Phạm Hoài.

Nghĩ là làm. Sau khi tích góp được khoảng 30 triệu đồng, anh Khá bắt xe lên Bắc Kạn mua giống dúi về nuôi. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong khâu cho ăn, cho uống khiến dúi không đủ chất dinh dưỡng nên chết nhiều.

"Có ngày chết hơn 10 con dúi. Tôi bàn với vợ bỏ cuộc, song được vợ con động viên đã mất công đầu tư rồi, anh kiên trì lên chắc chắn sẽ thành công", anh Khá nhớ lại.

Từ những lời động viên của gia đình, anh Khá gọi điện lên nơi cung ứng con giống học hỏi cách cho ăn. Mặt khác, anh Khá lên sách báo, mạng Internet tìm hiểu tập tính, thói quen của dúi.

Sơn La: Nuôi con dúi bán Tết, nông dân người Mông lãi cả trăm triệu- Ảnh 4.

Hiện, anh Khá đang nuôi 2 loại dúi. Đó là dúi mốc và dúi má đào. Ảnh: Tuệ Linh.

Thay vì chỉ cho ăn một loại thức ăn như tre như trước đó thì anh Khá cân đối lại nguồn thức ăn và bổ sung thêm sắn, mía, khoai… để làm sao đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho dúi. Nhờ vậy, chỉ sau 1 – 2 tháng khắc phục, đàn dúi của anh Khá đã sinh trưởng và phát triển tốt hơn trước đó.

Theo anh Khá, đặc tính của dúi sống trong bóng tối, không để ánh nắng mặt trời lọt vào, không thích tiếng ồn. Vì vậy, anh Khá dùng gạch ốp lát kích thước 50x50cm ghép lại với nhau tạo thành từng ô vuông; trên có mái che ánh nắng.

Cũng theo anh Khá, dúi thịt sau khi đẻ nuôi khoảng 6 tháng đến 1 năm thì bắt đầu xuất bán. Đối với dúi giống, chỉ cần nuôi khoảng 2 – 3 tháng có thể xuất bán được.

Hiện, gia đình anh Khá đang nuôi hơn 600 con dúi má đào và dúi mốc. Trung bình mỗi năm, anh Khá xuất bán từ 400 – 500 con dúi với trọng lượng khoảng hơn 6 tạ ra thị trường. Với giá bán tại nhà 500.000 đồng/kg, anh Khá lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Sau khi xây dựng thành công mô hình nuôi dúi, với mong muốn giúp các khó khăn tại địa phương nâng cao thu nhập, anh Khá còn chia sẻ kỹ thuật làm chuồng và cung cấp dúi giống cho 3 hộ dân trong bản Huổi Luông và 1 hộ dân cùng xã nuôi cùng. Đến nay, một số hộ đã xuất bán những con dúi thịt, dúi giống đầu tiên ra thị trường và có được những khoản thu nhập bước đầu.

Đánh giá về mô hình nuôi dúi của anh Khá, Trung tá Tạ Diên Thọ - Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Mường Lèo, cho biết: Đối với vùng đất xa xôi như Huổi Luông, chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất của anh Khá. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Khá còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho nhiều hộ dân khác học theo để thoát nghèo. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.