Ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, có làng nghề đắp "ông Táo" (bếp củi hay còn gọi là bếp lò cà ràng, lò đất) rất độc đáo. Trải qua gần trăm năm mặc dù xã hội phát triển, từ thành phố về thôn quê bếp ga đã thay thế dần bếp củi nhưng xóm làm nghề đắp bếp lò "ông Táo" vẫn còn hơn chục hộ bám nghề...
Xóm làm nghề đắp bếp lò "ông Táo" ở ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ và ấp Thượng I, thị trấn Phú Mỹ (thuộc huyện Phú Tân, An Giang) vào những ngày cận Tết càng trở nên náo nhiệt. Bà con ở đây đang tất bật lao động để kịp giao hàng nghìn chiếc lò cho khách phương xa.
Theo chị Lê Thị Ngọc Linh, để làm ra một chiếc lò đất hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn, như: dùng chân làm cho đất mềm, rồi đắp đất khuôn, sau đó dùng tay bo, vuốt để thân lò ôm sát vào khuôn và bóng mịn; tạo hình cho 3 ông táo, khoét miệng lò, đem phơi nắng rồi đưa vào lò nung.
Vào những tháng cuối năm, để phục vụ hàng Tết, mỗi tháng mỗi hộ sản xuất khoảng 1.000 cái bếp lò đất, cung cấp cho thương lái từ các tỉnh miền Tây và các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai.
Dù ngày nay bếp ga tiện dụng đã thay thế bếp củi, nhưng nhiều gia đình ở miền Tây vẫn mua chiếc bếp lò đun bằng củi để sử dụng nấu nướng trong gia đình.