Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 50 USD, xuống 3.237 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 35 USD, còn 3.116 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 2,25 cent, xuống 191.95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 1,95 cent, còn 189 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay dao động trong khoảng 78.000 - 79.200 đồng/kg. Tuần này, thị trường cà phê có xu hướng tăng, nhưng giảm nhẹ vào cuối tuần. Theo đó, các địa phương ghi nhận tăng 1.500 - 1.800 đồng/kg so với đầu tuần.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 78.000 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum với 78.500 đồng/kg. Giá cà phê tại các địa phương này cùng tăng 1.500 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có giá là 78.800 đồng/kg và 79.200 đồng/kg, lần lượt tăng 1.700 đồng/kg và 1.800 đồng/kg.
Tuần này Robusta có 2 ngày tăng đầu tuần và 3 ngày giảm liên tiếp sau đó. Đồng USD thế giới nối dài đà tăng tác động tiêu cực lên giá hàng hoá, trong đó có cà phê. Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,51% trong tuần, đạt mức 103,96.
Quyết định chưa thay đổi mức lãi suất hiện hành của Fed khiến thị trường thất vọng. Lo ngại rủi ro tăng cao đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý vị thế ròng đã quá mua trước đó. Dòng vốn đầu cơ chảy mạnh về các sàn chứng khoán và trái phiếu kho bạc dài hạn. DXY tăng lên mức cao 7 tuần, giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ khiên phần lớn đầu cơ rút ra khỏi các thị trường để chờ đợi nghe ngóng thêm.
Các yếu tố thúc đẩy giá cà phê trong tuần vẫn còn nguyên, đó là mối lo nguồn cung; vận tải biển ách tắc và tồn kho thấp. Mức tồn kho trên sàn London trong ngày thứ sáu 2/2, đã giảm thêm 2.300 tấn, tức giảm 7,65% so với một tuần trước đó, xuống ở mức 27.780 tấn (khoảng 463.000 bao, bao 60 kg) tiếp tục đứng ở mức thấp nhất kể từ 2014.
Thị trường Việt Nam đã bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày. Giá cà phê lên xuống thất thường nên một số doanh nghiệp nhỏ chỉ dám kinh doanh cà phê theo cách cầm chừng, còn nông dân lại thấp thỏm vì bán ngay lo giá tiếp tục lên, còn giữ lại lo giá sẽ giảm nhiều.
Với người kinh doanh cà phê, đây là niên vụ đầy thách thức, vì giá mua-bán cà phê biến động khó lường, rủi ro luôn rình rập.
Cụ thể: Giá cà phê biến động với biên độ lớn, doanh nghiệp cảm nhận được nhiều rủi ro. Đơn cử, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 12/2023, cà phê có những mạch tăng giá 7 ngày liên tiếp, nhưng cũng có mạch giảm giá 1 tháng liên tiếp, có ngày giảm đột ngột tới 7 triệu đồng/tấn. Trong tháng 12/2023, giá cà phê cơ bản giữ mức tăng, có lúc lên gần 70 triệu đồng/tấn, nhưng đầu tháng 1/2024 lại trong xu thế giảm và hiện lại đang tăng.
Giá cà phê Việt Nam mở rộng đà tăng do lo ngại về nguồn cung mỏng. Nhiều nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ cà phê để thực hiện các hợp đồng đã ký. Theo một số thương nhân, nông dân vẫn đang nắm giữ khoảng 70% lượng cà phê thu hoạch trong niên vụ 2023/24.