Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (1-15/1), cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD.
So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn, tuy nhiên, kim ngạch tăng gần 20 triệu USD. Lượng giảm, kim ngạch tăng nên trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu cũng tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, nửa đầu tháng 1/2024, bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu thu về khoảng 693 USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 507 USD/tấn. Như vậy, trị giá xuất khẩu gạo bình quân tăng tới 36,68%.
Trước đó, năm 2023 ghi nhận kết quả kỷ lục về xuất khẩu gạo với hơn 8,1 triệu tấn, kim ngạch gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của nước ta.
Về thị trường, Philippines dẫn đầu với hơn 3,13 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,75 tỷ USD, giảm gần 80 nghìn tấn so với năm 2022, nhưng kim ngạch tăng 17,57%. Như vậy, riêng thị trường Philippines chiếm tới 38,64% lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong năm ngoái.
Đứng thứ hai là Indonesia với hơn 1,16 triệu tấn, kim ngạch 640 triệu USD. Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia gấp gần 10 lần so với năm 2022 trong khi kim ngạch gấp gần 11 lần. Đây là thị trường xuất khẩu gạo có tăng trưởng ấn tượng nhất. Năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này chiếm 14,32% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Trung Quốc đứng thứ ba với hơn 917 nghìn tấn (chiếm 11,32% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023), kim ngạch gần 531 triệu USD. So với năm 2022, lượng gạo xuất khẩu sang nước láng giềng này tăng 7,8%, trong khi kim ngạch tăng 22,74%.
Theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Trong khi đó, nhu cầu vẫn tăng trong dịp lễ Tết. Những yếu tố này sẽ tạo động lực cho giá gạo tăng cao hơn nữa.
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa công bố tình hình kinh doanh hợp nhất trong quý IV/2023 và tổng kết cả năm 2023. Trong quý III/2023, doanh thu thuần của công ty đạt 5.820 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán đạt 4.297 tỷ đồng, tăng 84,5%, và lợi nhuận gộp đạt 1.522,5 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm 18,6% xuống còn 111,4 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lại gấp 2,3 lần, ở mức 310,4 tỷ đồng. Công ty ghi nhận lỗ từ công ty liên kết lên đến gần 14 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 83% lên 525,2 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 4 lần, đạt 424,3 tỷ đồng.
Kết quả cuối kỳ, Lộc Trời báo lãi sau thuế đạt 247,8 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng cả năm 2023, LTG ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 16.068,6 tỷ đồng, tăng 37,4%. Lợi nhuận sau thuế giảm 35,6% so với năm 2022, đạt 265 tỷ đồng. Với kết quả này, Lộc Trời mới chỉ thực hiện được 64% kế hoạch lãi đề ra trong năm 2023.
CTCP Tập đoàn PAN (PAN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2023. Trong quý cuối năm 2023, PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.196 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Tỷ suất lợi nhuận gộp hợp nhất tăng thêm 1 điểm % lên 23,8%, đóng góp vào mức tăng trưởng ấn tượng của các chỉ tiêu lợi nhuận khi lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 424 tỷ, tăng 46% và lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ đạt 206 tỷ, tăng 45% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý IV đã giúp PAN vượt kế hoạch năm 2023 đã đề ra về lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ, tăng trưởng 9% so với năm 2022.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu hợp nhất của PAN đạt 13.200 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm 2022 và hoàn thành ~ 90% kế hoạch doanh thu 2023.
Lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là mảng nông dược đã tăng trưởng rất mạnh trong năm 2023 khi doanh thu tăng 10% và lợi nhuận tăng tới hơn 30%. Giá lúa và sầu riêng xuất khẩu cao kỷ lục dẫn đến việc người nông dân đầu tư hơn cho canh tác, nhu cầu và giá bán nông dược cũng tăng theo.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu hợp nhất của PAN đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm 2022 và hoàn thành ~ 90% kế hoạch doanh thu 2023. Doanh thu giảm nhẹ và không đạt kế hoạch kinh doanh chủ yếu do sự suy giảm của lĩnh vực thủy sản (-11%) và thực phẩm đóng gói (-8%) do tác động của diễn biến thị trường chung trong nước và xuất khẩu.
Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, NSC) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý IV/2023 đạt gần 781 tỷ đồng, tăng 13,6%, lãi sau thuế đạt 109,5 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế cả năm, NSC ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 2.035 tỷ đồng, tăng 7,7%, lãi sau thuế ở mức 231 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2022.
CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) trong quý IV/2023 ghi nhận doanh thu hơn 606 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm trước, giá vốn hàng bán giảm 5,6% xuống 576,4 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng từ 12 tỷ đồng lên 29,6 tỷ đồng. Kết quả quý IV, AFX báo lãi 14 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế cả năm, AFX ghi nhận tổng doanh thu cả năm đạt 2.137 tỷ đồng, tăng 32,5% và lãi sau thuế đạt 26,5 tỷ đồng, giảm 7,3% so với thực hiện năm 2022.
TAR, AGM lỗ đậm
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Rice, TAR) lại ghi nhận tình hình kinh doanh khá bết bát.
Trong kỳ cuối cùng năm 2023, Trung An Rice ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng, giảm 36,2% giá vốn bán hàng ở mức 975,6 tỷ đồng, giảm 35,2%. Lợi nhuận gộp chỉ còn vỏn vẹn 30 tỷ đồng, giảm tới 55,3% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp thu hẹp từ 4,2% xuống 2,9%.
Theo chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Thuỷ, việc giá gạo tăng cao không phải là cơn mưa rào mà doanh nghiệp nào cũng được hưởng. Việc giá gạo tăng cao tạo ra cơ hội hoàn toàn giống nhau, nhưng tại sao có những doanh nghiệp xuất khẩu tốt, có doanh nghiệp lại không làm được? Trong thương mại, có 3 vấn đề là trường vốn, già đời, cơ chế động. Doanh nghiệp nhỏ thì không có trường vốn tốt được và cũng khó có cơ chế động.
"Ví dụ như Công ty Lộc Trời họ có vùng nguyên liệu xuất khẩu lớn An Giang, Kiên Giang. Đây là doanh nghiệp lâu đời, họ phát triển từ đưa kỹ thuật xuống nông dân gắn bó với người dân. Doanh nghiệp cũng có bạn hàng và làm ăn tử tế với người nông dân nên việc họ lãi lớn là dễ hiểu", ông Thủy nói.
Doanh thu tài chính kỳ này ở mức 4,6 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính gấp 4,6 lần cùng kỳ lên 38,4 tỷ đồng; chi phí quản lý giảm 58,4% xuống 2,4 tỷ đồng.
Kết quả, Trung An Rice báo lỗ sau thuế gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi gần 18 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lỗ 28,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 16,4 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023, TAR có 4.484 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% nhưng lỗ sau thuế hơn 19 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi hơn 75 tỷ đồng.
Tương tự, dù có lãi trở lại trong quý III/2023 sau 6 quý liên tiếp thua lỗ, CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, AGM) tưởng chừng tiếp đà hồi phục trong quý cuối năm nhưng bất ngờ "đảo chiều" thành lỗ.
Trong quý IV/2023, doanh thu thuần của Angimex đạt 243 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 3,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi.
Kết quả, Angimex lỗ ròng 156 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn mức lỗ 199 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Kết quả bết bát quý IV kéo khoản lỗ ròng cả năm 2023 của Angimex lên 208 tỷ đồng, năm trước lỗ kỷ lục 234 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 của Doanh nghiệp lên hơn 153 tỷ đồng.
Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận 2023 như doanh thu thuần giảm đến 77% so với năm trước, đạt 788 tỷ đồng; biên lãi gộp co hẹp từ mức 5% xuống còn 2%; chi phí lãi vay tăng 18% lên hơn 111 tỷ đồng.
Về từng mảng kinh doanh chính, doanh thu bán hàng lương thực giảm gần 2.400 tỷ đồng xuống còn 333 tỷ đồng; doanh thu bán xe honda, phụ tùng, dịch vụ sửa xe chữa giảm hơn 200 tỷ đồng, đạt 410 tỷ đồng.