Thị trường lúa gạo khởi sắc nhưng chi phí tài chính lại đè nặng lên loạt doanh nghiệp ngành gạo
Thị trường lúa gạo khởi sắc nhưng chi phí tài chính lại đè nặng lên loạt doanh nghiệp ngành gạo
Nguyễn Phương
Thứ hai, ngày 25/09/2023 07:15 AM (GMT+7)
Bối cảnh thuận lợi của ngành gạo có thể đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mảng lương thực cải thiện kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tài chính vẫn đang là một gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp...
Tăng vay nợ ngắn hạn, chi phí tài chính đang đè nặng doanh nghiệp gạo
Trong báo cáo ngành gạo vừa đưa ra mới đây, CTCP Chứng khoán Mirae Asset cho rằng bối cảnh thuận lợi của ngành gạo có thể đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mảng lương thực cải thiện kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tài chính vẫn đang là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. Hầu hết các "ông lớn" của ngành đang tăng vay nợ ngắn hạn.
Điển hình, CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã: TAR), Mirae Asset dự phóng năm 2023, doanh thu của Trung An đạt 4.487 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 65 tỷ đồng giảm 14% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí tài chính lên đến 117 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022.
Trung An đã giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo sang Hàn Quốc, đồng thời chốt thêm đơn hàng 16.667 tấn gạo với giá 674 USD/tấn giao trong tháng 7, mức giá khá cao so với các nước trong khu vực. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, Trung An thắng gói thầu xuất khẩu gạo sang thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, việc Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Trung An tăng cường mua vào cũng đặt ra kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng mạnh về doanh thu.
Tuy nhiên, vốn vẫn đang là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp này. Vừa qua, HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã thông qua phương án vay vốn tại Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Malaysia) với hạn mức 230 tỷ đồng nhằm phục vụ cho việc bổ sung nguồn vốn lưu động. Khoản vay được đảm bảo bằng chính tài sản của Trung An.
Tại thời điểm cuối quý II, tổng nguồn vốn của Trung An đạt 2.753 tỷ đồng. Trong đó tổng dư nợ vay là 1.383 tỷ chiếm một nửa nguồn vốn và gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu. Khoản nợ vay chủ yếu là ngắn hạn.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, ngày 14/8 công ty đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của bà Lê Thị Tuyết và chức vụ Tổng Giám đốc của ông Phạm Thái Bình. Lý do được hai lãnh đạo đưa ra là nhằm "cơ cấu lại nhân sự công ty".
Sau khi xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã họp và bầu ông Phạm Thái Bình đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Cùng với đó, ông Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc.
Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Trung An, song bà vẫn còn là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028. Ông Bình và bà Tuyết là vợ chồng. Ông Bình đang nắm giữ 11 triệu cổ phiếu TAR, tương ứng tỷ lệ 14.04% vốn. Bà Tuyết không sở hữu cổ phần nào tại TAR.
Một ông lớn khác của ngành gạo là CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG). Với CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) nửa đầu năm 2023 cũng có xu hướng vay nợ ngắn hạn để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, lãi suất vay vốn ở mức khá thấp và chủ yếu cũng là các khoản vay tín chấp.
Mirae Asset dự báo năm 2023 doanh thu và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ có thể đạt 13.654 tỷ đồng và 451 tỷ đồng, tăng 17% và 9% so với năm 2022. Riêng doanh thu mảng lương thực và gạo kỳ vọng đạt 8.802 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022.
Cả doanh thu tài chính và chi phí tài chính của Lộc Trời trong năm 2023 dự kiến lần lượt tăng 26% và 28%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp lại có thể giảm từ 18,4% xuống 15,2%.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, Lộc Trời ghi nhận 6.231 tỷ đồng doanh thu, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực là lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn với 67%, tương đương 4.219 tỷ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Còn mảng thuộc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút.
Với CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Mã: AGM), theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 đã được soát xét, lợi nhuận sau thuế sau soát xét của AGM ở mức âm 57,6 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 1 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2023 của AMG là hơn 125,4 tỷ đồng.
Angimex cho biết nguyên chậm nộp BCTC bán niên 2023 do dồn toàn lực để khắc phục việc chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022. Theo đó, Angimex đã công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 vào ngày 25/8, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định chuyển cổ phiếu AGM từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch từ ngày 18/09/2023.
Nguyên nhân do Công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định. Cụ thể là AGM chưa công bố BCTC bán niên 2023 (riêng lẻ và hợp nhất) đã soát xét đúng hạn.
Ngoài ra, cổ phiếu AGM cũng đang trong diện cảnh báo do lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 trên BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 gần 71 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã NSC) mới đây cũng phải giải trình lợi nhuận sau thuế Báo cáo tài chính Riêng và Hợp nhất đã được kiểm toán soát xét 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể lợi sau thuế trên báo cáo BCTC Riêng chỉ đạt 81,88%, giảm 18,12%. Lợi nhuận sau thuế trên BCTC Hợp nhất chỉ đạt 75,61%, giảm tới 24,39%. Nguyên nhân được NSC đưa ra cũng là do chi phí tài chính tăng và chi phí giá vốn tăng trong khi giá bán lại không tăng tương ứng, dẫn đến lợi nhuận bị sụt giảm như trên.
Được biết, ngày 14/9, HĐQT Giống cây trồng Miền Nam đã thông qua quyết định trả cổ tức đợt 2/2022 cho cổ đông bằng tiền mặt, tỷ lệ thực hiện là 15%/cổ phiếu, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1,500 đồng. Với hơn 13 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính SSC cần chi khoảng 20 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian thực hiện dự kiến vào 23/10/2023.
Trước đó, vào tháng 7/2023, SSC đã trả cổ tức đợt 1/2022 với tỷ lệ 15% cho cổ đông, tổng chi gần 20 tỷ đồng. Như vậy, qua 2 đợt trả cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 30%, dự kiến SSC cần chi gần 40 tỷ đồng.
Thị trường lúa gạo vẫn tốt cho tới đầu năm 2024
Thực tế diễn biến hiện nay, giá gạo trong nước và xuất khẩu đã hạ nhiệt nhưng dự kiến vẫn ở mức cao trong những tháng cuối năm nay do nguồn cung gạo của nước ta dành cho xuất khẩu không còn nhiều, trong khi nhu cầu từ các thị trường vẫn đang ở mức cao.
Với khối lượng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm lên tới 5,81 triệu tấn, lượng gạo dành cho xuất khẩu 4 tháng cuối năm chỉ còn khoảng 1,7 – 2,2 triệu tấn. Bởi theo tính toán của các cơ quan quản lý xuất khẩu gạo của nước ta trong năm nay có khả năng xuất khẩu đạt 7,5 – 8 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, việc áp đặt trần giá gạo của Philippines kể từ cuối tháng 8 vừa qua đã có những ảnh hưởng đối với Việt Nam khi các thương nhân ở quốc gia này xin huỷ hợp đồng hoặc giãn tiến độ nhận hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan khi cho rằng, thị trường lúa gạo vẫn tốt cho đến tận đầu năm 2024.
Bởi ngoài Philippines, nhu cầu mua gạo của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi vẫn khá cao trong khi nguồn cung đang hạn chế do chính sách siết chặt thương mại gạo của nhiều nước, nhất là khi dự báo thời tiết bất lợi có ảnh hưởng lớn đến sản xuất lương thực.
Ngoài ra, khẩu vị của người tiêu dùng Philippines ưa chuộng gạo thơm của Việt Nam hơn so với gạo các nước khác. Trong khi giá gạo Việt Nam cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với quốc gia khác cũng không phải quá lớn để Philippines thay đổi nhà cung cấp. Phần chênh lệch này nếu chia ra đầu đơn vị bán lẻ là kilogram thì càng nhỏ, người tiêu dùng vẫn chấp nhận được.
Ngày 7/92023, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippines, Ferdinand Romualdez Marcos Jr. Hai bên cũng nhất trí sớm trao đổi và ký kết một hiệp định liên Chính phủ về hợp tác thương mại gạo để cùng nhau bảo đảm các mục tiêu về an ninh lương thực trước những biến động phức tạp của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu thời gian qua. Hợp đồng cung cấp này dự kiến kéo dài trong 5 năm.
Mặc dù vậy, thị trường gạo cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Thực tế, Ấn Độ vẫn đang xuất khẩu gạo sang các nước theo hợp đồng chính phủ và mức thuế 20% đối với gạo đồ chỉ có hiệu lực đến giữa tháng 10. Trong khi đó, tính đến ngày 8/9, diện tích lúa trong vụ mùa Kharif đang diễn ra đã tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Chính phủ Ấn Độ tự tin có thể đạt mục tiêu sản xuất 111 triệu tấn lúa gạo trong vụ hiện tại sau khi diện tích gieo trồng tăng và thời tiết thuận lợi ở các vùng trồng trọt chính.
Do vậy, những doanh nghiệp nào đầu cơ, ôm nhiều hàng nguyên liệu giá cao sẽ đối mặt với rủi ro là nếu Ấn Độ xuất khẩu trở lại, giá gạo xuất khẩu sẽ giảm rất mạnh, và thua lỗ rất lớn.
Trong báo cáo tháng 9/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 lên mức 8 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với dự báo tháng trước và tăng 946.000 tấn so với năm 2022.
Giá lúa gạo ngày 21/9 tại Đồng bằng sông Cửu Long quay đầu giảm với mặt hàng gạo, trong khi đó, giá lúa giữ ổn định.
Tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 8.000 - 8.100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, OM 5451 có mức giá 7.700 - 8.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.700 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.300 - 9.450 đồng/kg.
Trong khi giá lúa duy trì ổn định, thì mặt hàng gạo lại tiếp tục xu hướng giảm với gạo nguyên liệu. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.600 - 11.650 đồng/kg; giảm 100 đồng/kg; trong khi đó, giá gạo thành phẩm IR 504 duy trì ổn định quanh mốc 13.700 – 13.800 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613-617 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính tạm thời dẫn đến giá gạo xuất khẩu sụt giảm là do cầu giảm. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam đang mua hàng chậm lại vì thương nhân đang chờ Chính phủ chốt phương án giảm thuế suất nhập khẩu từ 35% xuống 10% như đề xuất.
Mặc dù giá gạo tuy có giảm so với giá đỉnh nhưng vẫn ở mức cao. Ví dụ, gạo 5% tấm hiện nay có giá cao hơn so với trước ngày 20/7, thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu. Đây vẫn là mức giá rất tốt. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Theo VFA, nếu so với cuối tháng 8/2023 thì mức giá gạo xuất khẩu hiện nay đã giảm khoảng 22-30 USD/tấn.
Đáng chú ý, không chỉ gạo Việt Nam mà gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan cũng giảm về mức 611 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 608 USD/tấn đối với gạo 25% tấm
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, tín hiệu nguồn cung dần ổn định trở lại là yếu tố chính khiến giá gạo hạ nhiệt trong vài tuần trở lại đây. Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, nhiều quốc gia tiêu thụ vẫn cần đẩy mạnh nhập khẩu gạo để bổ sung vào kho dự trữ. Đây sẽ là yếu tố kiềm chế đà giảm của giá gạo.
Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho biết, năm nay đơn vị này ký được một hợp đồng xuất khẩu rất lớn, bằng doanh thu xuất khẩu cả năm 2022, cho nên, lập tức khiến nhu cầu vốn tăng đột biến.
Lộc Trời có đầu ra, có năng lực sản xuất, có vùng nguyên liệu, nhưng nhu cầu vốn “nhảy vọt” nên Lộc Trời đề nghị ngân hàng, đặc biệt lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, có những chính sách cấp vốn cho các doanh nghiệp như trường hợp của Lộc Trời.
Ngoài ra, với đặc thù là đơn vị tham gia sản xuất toàn chuỗi, bao gồm lúa giống, vật tư, sản xuất lúa thương phẩm và xuất khẩu, cho nên, Lộc Trời cần thời hạn vay vốn dài, lên đến 18 tháng thay vì là 6 tháng như các ngân hàng thương mại đang áp dụng như hiện nay. Lộc Trời sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm, thì cần 12 tháng. Trong khi đó, đối tác bán lẻ nước ngoài kéo dài nợ 6 tháng, cho nên, nếu đẩy mạnh đơn hàng bán trực tiếp thì Lộc Trời cần 18 tháng cho thời hạn vay vốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.