Dân Việt

Anh nông dân Hà Giang nuôi gà thả rừng, trồng quế kiểu gì mà gà đẹp, vỏ quế đã cay còn thơm hơn?

Anh Nguyễn Văn Quân, thôn Chang, xã Việt Lâm (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) ban đầu chưa có kinh nghiệm nuôi gà, sau nhiều năm học hỏi, nghiên cứu, anh đã thành công với mô hình nuôi gà dưới tán rừng lấy phân gà bón cho cây quế...

Những năm gần đây, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó anh Nguyễn Văn Quân thôn Chang đoàn viên xã Việt Lâm là một điển hình.

Anh nông dân Hà Giang nuôi gà thả rừng, trồng quế kiểu gì mà gà đẹp, vỏ quế đã cay còn thơm hơn?- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Quân thôn Chang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đang chăm sóc cho đàn gà thả dưới tán rừng để chuẩn bị xuất chuồng.

Với khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Văn Quân, thôn Chang, xã Việt Lâm ban đầu chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, sau nhiều năm học hỏi, nghiên cứu, anh đã thành công với mô hình nuôi gà dưới tán rừng. 

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh chỉ dám thử sức với số lượng khoảng một trăm con theo cách nuôi nhốt chuồng, do chưa có kinh nghiệm nuôi gà thả vườn, anh đã nhận ngay thất bại khi đàn gà bị dịch bệnh. 

Không nản chí, anh quyết tâm gây dựng lại. Qua tìm hiểu, nhận thấy hình thức chăn thả dưới tán rừng đang được người dân ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã quyết định mạo hiểm tận dụng 2ha rừng quế của gia đình mình để thử nghiệm. 

Sau lứa gà đầu tiên được xuất bán đem lại lợi nhuận cao, hiện tại anh mạnh dạn đầu tư nuôi trên 2.000 con gà thịt, trên 30 con dê thịt, đào ao thả cá nuôi trên 200 con vịt thương phẩm. 

Anh Nguyễn Văn Quân thôn Chang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) chia sẻ: Mấy năm trước tôi nuôi gà ở nhà chỉ hơn trăm con cũng đã thấy vất vả rồi, nhất là khâu vệ sinh chuồng trại. Từ ngày chọn cách nuôi gà dưới tán rừng thấy hiệu quả kinh tế hơn. 

Chăn nuôi dưới tán cây cách xa khu dân cư, nên tôi có thể nuôi với số lượng lớn mà không sợ ô nhiễm môi trường, cũng như hạn chế được dịch bệnh. Mặt khác, đàn dê chỉ thả trên rừng không lo về nguồn thức ăn mà dê lớn nhanh, ít dịch bệnh mà chất lượng rất ngon nên sản phẩm của tôi không lo đầu ra.

Anh nông dân Hà Giang nuôi gà thả rừng, trồng quế kiểu gì mà gà đẹp, vỏ quế đã cay còn thơm hơn?- Ảnh 2.

Anh Quân, nông dân xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) tận dụng phân gà để làm phân bón cho cây quế.

Để đàn vật nuôi khỏe mạnh, anh Quân luôn chú trọng khâu tiêm phòng định kỳ các loại vắc-xin phòng bệnh cũng như vệ sinh, tiêu độc khử trùng xung quanh môi trường chăn nuôi. 

Cũng theo anh Quân, nuôi gà thả dưới tán rừng là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi. 

Chăn nuôi gà dưới tán cây rừng cách xa khu dân cư, có thể nuôi với số lượng lớn mà không sợ ô nhiễm môi trường, cũng như hạn chế được dịch bệnh, vừa tận dụng phân gà của gà để bón cho cây quế. 

Anh Hà Ngọc Châm – Bí thư Đoàn thanh niên xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) cho biết: Để mô hình chăn nuôi của anh Quân mang lại hiệu quả kinh tế, trong những năm qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với thú y thôn, hướng dẫn gia đình tiêm phòng đầy đủ, ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi để mang lại hiệu quả. 

Trước đây nhiều hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống, gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột. Mặt khác, mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. 

Có thể nói, mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi dưới tán rừng không chỉ tận dụng được lợi thế về đất đồi mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi dưới tán rừng của anh Nguyễn Văn Quân là một mô hình hay, vừa giúp nông dân có thêm thu nhập, vừa bảo vệ môi trường, rất đáng khuyến khích và nhân rộng.